1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ tướng Libya khẳng định đã có âm mưu đảo chính

(Dân trí) – Trong phát biểu mới nhất trước công chúng liên quan đến vụ bị bắt cóc hôm 10/10, thủ tướng Libya Ali Zeidan khẳng định đã có một “âm mưu đảo chính”. Ông cũng đổ lỗi cho những đối thủ chính trị đứng sau vụ tấn công.

Thủ tướng Libya Ali Zeidan phát biểu trên truyền hình
Thủ tướng Libya Ali Zeidan phát biểu trên truyền hình

Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Zeidan khẳng định một đảng chính trị giấu tên trong quốc hội đứng sau vụ bắt cóc.

Trước đó ông Zeidan đã bị bắt cóc từ một khách sạn tại Tripoli hôm thứ Năm và bị giam giữ trong vài giờ bởi những tay súng có vũ trang.

Ông cũng khen ngợi những nhóm vũ trang đã tới để giải cứu mình, và sau đó kêu gọi kiềm chế trong bối cảnh đất nước ngày càng trở nên vô pháp luật.

“Nhóm thiểu số nguy hiểm”

Trong bài phát biểu trên truyền hình với các thành viên nội các đứng xung quanh, vị thủ tướng Libya khẳng định vụ bắt cóc mình “mang dấu hiệu của một âm mưu đảo chính chống lại sự hợp pháp”.

“Một đảng chính trị”, ông nói, đã đứng đằng sau cái ông miêu tả là “hành vi tội ác và khủng bố”.

Nhắc tới các đối thủ chính trị như là một “nhóm thiểu số nguy hiểm”, vị thủ tướng cho rằng những người này đã cố tìm cách giành đủ phiếu bầu trong quốc hội để phế truất mình.

“Khi họ không thể hạ bệ chính phủ thông qua các biện pháp dân chủ, họ quay sang sử dụng vũ lực”, ông cho biết.

Phát biểu của ông Zeidan phần nào cho thấy những bất ổn về chính trị, vốn từ lâu đã bị xem như căn nguyên cho sự thiếu tiến triển của Libya kể từ cuối năm 2011, thời điểm nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ.

Trước đó, ông Zeidan từng tuyên bố các đảng bảo thủ trong quốc hội đang tìm cách làm suy yếu chính phủ mình, và nhiều người đang theo dõi xem liệu vụ bắt cóc chớp nhoáng có trở thành một yếu tố thay đổi cục diện chính trị tại Libya hay không.

Mỹ, Anh, Pháp cùng với Liên hợp quốc đã lên án vụ bắt cóc và cam kết hỗ trợ quá trình chuyển tiếp sang dân chủ tại Libya.

Động cơ của vụ bắt cóc đến nay vẫn chưa rõ, nhưng một số binh sỹ đã tức giận sau vụ đột kích của các biệt kích Mỹ tại Tripoli, để bắt lãnh đạo cấp cao của mạng lưới khủng bố al-Qaeda là Anas al-Liby.

Do thiếu một lực lượng quân đội và cảnh sát đủ năng lực, nhiều chiến binh đang được nhận lương từ Bộ quốc phòng hoặc Bộ nội vụ Libya. Tuy nhiên sự trung thành cũng như ai kiểm soát họ vẫn còn nhiều hoài nghi.

Thanh Tùng
Theo BBC