1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Anh Brown đơn độc trước cơn bão “từ chức”

(Dân trí) - Bộ trưởng Nội vụ Anh Jacqui Smith vừa đề cập tới chuyện từ chức, sự kiện mới nhất trong làn sóng “nghị sĩ từ chức” do bê bối chi tiêu đang làm chao đảo chính trường nước Anh.

 
Thủ tướng Anh Brown đơn độc trước cơn bão “từ chức” - 1
Bộ trưởng Nội vụ Anh Jacqui Smith (trái) và Thủ tướng Gordon Brown.

“Ngày đen tối” 

Hôm qua, sau Bộ trưởng Nội vụ Jacqui Smith, Bộ trưởng Văn phòng nội các Tom Watson và Thứ trưởng Bộ Giáo dục Gia đình và Trẻ em Beverley Hughes cũng tiết lộ ý với báo giới ý định rút khỏi nội các trong cuộc cải tổ tới đây. Đây là đòn tiếp theo giáng vào Thủ tướng Brown đang nỗ lực lèo lái con tàu chính trị trong cơn sóng gió.

Báo giới gọi ngày 2/6 là “ngày đen tối” với Thủ tướng Brown, trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri Anh đối với Công đảng cầm quyền của ông đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi các cuộc thăm dò được tiến hành tại Anh vào năm 1943, do vụ bê bối chi tiêu trong Quốc hội Anh đang ngày càng khiến cử tri mất lòng tin vào các nhà chính trị nước này. 

Dấu hiệu con thuyền của Công đảng đi vào vùng thời tiết xấu đã hiện lên kể từ khi chính phủ của ông Brown phải đối mặt với nền kinh tế trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất trong vòng nhiều thập kỷ qua. Bão tố bắt đầu cuộn lên khi báo chí Anh vừa qua đã phanh phui vụ việc một loạt nghị sỹ thuộc cả Công đảng cầm quyền lẫn đảng Bảo thủ lách luật để nhận trợ cấp bất hợp lý hàng chục nghìn bảng Anh mỗi người. Việc nhiều nghị sĩ đã lợi dụng kẽ hở trong cơ chế trợ cấp của Hạ viện để xin thanh toán hàng chục nghìn bảng Anh cho chi tiêu cá nhân, từ tiền mua nhà đến tiền mua đồ ăn cho vật nuôi, đã khiến dư luận Anh hết sức bất bình. 

Những tiết lộ của báo giới đã làm chấn động dư luận Anh, làm cả chính đảng lớn lao đao và kết quả là hàng loạt các quan chức đã bị sa thải hoặc từ chức. 

Andrew MacKay, Hạ nghị sỹ đại diện cho vùng Berkshire đã trở thành chính trị gia đầu tiên phải tuyên bố từ chức trợ lý cho thủ lĩnh đảng Bảo thủ đối lập David Cameron do bê bối chi tiêu trong Hạ viện. Tiếp đến là Quốc vụ khanh phụ trách tư pháp Shahid Malik (thuộc Công đảng), Elliot Morley (thuộc Công đảng và là đặc phái viên phụ trách biến đổi khí hậu của Thủ tướng Brown) và ông Andrew Mackay (trợ lý thủ lĩnh đảng Bảo thủ). Nhiều thượng nghị sỹ cũng bị Ủy ban các vấn đề đặc quyền Thượng viện đề nghị đình chỉ tư cách nghị sỹ quốc hội.

Nhân vật cấp cao nhất phải “nói lời từ biệt” trong vụ bê bối này là Chủ tịch Hạ viện Micheal Martin. Ông Martin cho biết ông sẽ từ chức vào ngày 21/6 tới và đây là Chủ tịch Hạ viện đầu tiên của Anh phải thôi chức vụ này kể từ hơn 300 năm qua. 

Phải “thay máu”?

Tính đến cuối tháng 5, số nghị sĩ Anh tuyên bố "nghỉ hưu non" do liên quan tới vụ bê bối chi tiêu đã lên tới 14 người. Vụ việc này đã làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin của công chúng vào các chính trị gia Anh. Để giành lại lòng tin, lãnh đạo Công đảng và đảng Bảo thủ đã phải xin lỗi công chúng trong nước và hứa sửa chữa ngay những “sai sót” này. Thủ tướng Anh Gordon Brown trong cuộc họp báo mới đây khẳng định tất cả các nghị sỹ có sai phạm sẽ không được phép ứng cử trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, đây chưa phải là con số cuối cùng. Trong danh sách cáo buộc của tờ Telegraph, số nghị sĩ và quan chức có sai phạm là 160 người. Theo nhận định của giới phân tích, sẽ có khoảng 30 nghị sĩ bị buộc phải từ chức vì dính líu tới bê bối này và hơn 200 nghị sĩ sẽ từ bỏ nghị trường do sức ép dư luận. Trong khi đó, một tờ báo khác của Anh là Times cho rằng ít nhất một nửa, tức là 325 trong số 646 nghị sỹ Hạ viện, sẽ "về vườn" sau cuộc bầu cử sắp tới do các cử tri ngày càng bất bình với chính giới sau vụ bê bối chi tiêu. 

Những con số này sẽ đánh dấu lần "thay máu" lớn nhất trong Quốc hội Anh kể từ năm 1945. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kế hoạch cải tổ nội các, mà Thủ tướng Anh Gordon Brown dự kiến tiến hành sau cuộc bầu cử địa phương và bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 4/6, đang trở nên mất phương hướng. Vụ bê bối chi tiêu của các nghị sỹ Anh đã khiến uy tín của Công đảng cầm quyền giảm xuống mức thấp kỷ lục, nhưng uy tín của đảng Bảo thủ đối lập cũng không khả quan hơn vì cử tri đang mất niềm tin vào đạo đức của các nghị sỹ.

Nhật Mai
Tổng hợp