1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thủ đoạn cực tinh vi khiến quan tham Trung Quốc "dính chàm"

Tờ Trung Quốc kỷ kiểm giám sát báo – cơ quan của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (UBKTKLTW) hôm 5/5 đã đăng bài “Lật tẩy các chiêu trò vây săn quan chức”, chỉ ra các thủ đoạn của những kẻ “vây săn” khiến quan chức Trung Quốc sa ngã, tham nhũng hủ bại.

Bài báo viết, những kẻ săn quan chức đã tính toán rất kỹ lưỡng khi áp dụng các thủ đoạn ra tay. “Ruồi luôn tìm đến trứng vỡ”, những kẻ đi săn “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm", biết chọn con mồi để ra tay, tìm ra các chiêu thích hợp để vận dụng cho mỗi đối tượng.

Thủ đoạn cực tinh vi khiến quan tham Trung Quốc "dính chàm" - 1

Phó bí thư Bắc Kinh Lã Tích Văn trước tòa

Bài báo tổng kết có 5 thủ đoạn “săn quan chức” sau:

Thứ nhất, dùng tiền bạc. Những kẻ săn mồi thường bắt đầu bằng cách dùng tiền bạc để trực tiếp “tấn công” các quan chức tham lam, ý thức phòng ngừa chưa đủ mạnh.

Có người lợi dụng dịp lễ tết, cơ hội lễ tang, cưới hỏi để biếu tiền đổi lấy tình thân; có kẻ trực tiếp ngã giá, mặc cả; có người mang tiền vàng đến bỏ đấy rồi đi, “công thế” mãnh liệt; có kẻ lại chơi trò “mưa dầm thấm lâu”, “lửa nhỏ hầm nhừ”… để đạt mục đích.

Thứ hai, đánh vào thị hiếu. Ông thích tennis, lập tức xung quanh có một đội ngũ hình thành để “tiếp bóng”. Bà thích dưỡng sinh, xung quanh liền có đội ngũ những người yêu thích dưỡng sinh. Chồng sếp kinh doanh rượu, lập tức nhà sếp có một câu lạc bộ thưởng rượu.

Xung quanh Lã Tích Văn, nguyên Phó Bí thư thành ủy Bắc Kinh đã hình thành mấy đội ngũ như thế. Sau này, khi ngã ngựa, Lã Tích Văn chua chát: “Thực ra, những đội ngũ này được hình thành để bao vây quyền lực của tôi”.

Những kẻ đi săn tin rằng: “chỉ cần có thành tâm và kiên nhẫn sẽ tóm được con mồi”. Trương Hiểu Phong, Chủ nhiệm Phòng Giám sát đảng phong UBKTKL tỉnh ủy Sơn Đông nói: “Phương châm của họ là ‘ngứa đâu gãi đó’, tìm nắm bằng được thị hiếu của con mồi".

"Quan nào thích đánh bạc, lập tức bày cuộc để cố ý thua tiền; quan nào thích chơi đồ cổ, thư họa thì lập tức “nhã hối” lùng đồ để biếu tặng; quan nào thích gái thì dùng “mỹ nhân kế”; quan nào thích ca hát khiêu vũ thì bỏ tiền bao phòng, bao vũ trường để sếp vui vẻ…"

Bí thư Hà Bắc Chu Bản Thuận bị dính bẫy
Bí thư Hà Bắc Chu Bản Thuận bị dính bẫy

Thứ ba, chơi ván bài tình cảm. Lưu X, chủ công ty vệ sinh môi trường Y là người chuyên sử dụng “ván bài tình cảm” để săn quan chức. Mỗi dịp lễ tết, ông ta đều biếu tặng các đặc sản cho bạn bè ở mấy bộ, ủy ban.. nào là hải sản Sơn Đông, hoa quả các miền.

Lưu chuẩn bị rồi cho lái xe chở đến các nhà, vào các dịp quan trọng đều tổ chức “bữa cơm thân mật” mời mọi người đến ăn. Nhiều cán bộ bận đi công cán, cha mẹ ở nhà ốm yếu không về kịp, đã có Lưu đưa vào viện, thay mặt con cái họ báo hiếu…

Trần Kiến Bình, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu liêm chính đại học Phúc Kiến, cho rằng tình cảm là cách làm thông minh của các “thợ săn quan”. Họ biết cách chạm đến chỗ mềm yếu nhất trong tim quan chức.

Chẳng hạn, con quan đi học thì giúp liên hệ chạy trường; người thân cần việc làm thì lo chạy việc hộ; tháp tùng cha mẹ, người thân của quan đi du ngoạn, vãn cảnh; thậm chí ngày tết Thanh Minh còn ra mộ cha mẹ quan khóc lạy…

Họ dùng tình cảm mở đường, đánh tan tâm lý nghi ngại, phòng ngừa; nhiều quan chức đã sập bẫy trước “tấm thịnh tình” của các thợ săn.

Thứ tư, chơi trò “cáo mượn oai hùm”. Lợi dụng thủ đoạn vu hồi, mượn uy thế của cấp trên để chế ngự mồi săn là một cách làm đã có từ lâu.

Bộ phim đề tài chống tham nhũng “Mãi mãi trên đường” gây sốt năm 2016 tiết lộ việc một số ông chủ dày công tổ chức bữa tiệc mời bằng được Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Chu Bản Thuận và những quan chức chính quyền có liên quan đến dự án, hạng mục của họ tham dự.

Chu Bản Thuận không từ chối. Ông ta biết rõ mục đích của đối phương: “Tôi chỉ cần đến là đã giúp họ, không cần nói gì, các quan chức khác kia liền biết trên họ có ai, thế là mọi việc cần làm đều trót lọt”.

Thứ năm, đe dọa. Nếu các chiêu trò dụ dỗ tung ra hết mà đối phương vẫn không “gục ngã” thì làm sao? Một số kẻ đi săn “lật mặt nhanh hơn lật sách”, vứt ngay “cà rốt” cầm lấy gậy, sử dụng mọi thủ đoạn thu thập các thông tin vi phạm kỷ luật, pháp luật của quan chức để nắm lấy thóp.

Khi ra thông điệp cuối cùng “không giúp sẽ ra tay” mà vẫn không kết quả, họ sẽ gửi đơn thư tố cáo, dù không nắm chắc cũng bịa đặt, bôi lem danh dự của đối phương. Để yên chuyện, có quan chức đã phạm tội một cách bị động,

Đối với những kẻ săn quan chức, đe dọa là kế hạ sách, bất đắc dĩ; nhưng lại là đòn đánh cuối cùng hữu hiệu. Mục đích đe dọa là uy hiếp quan chức để buộc họ phạm tội.

Theo Ngô Tuyết

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm