Thông tin “chiến sự” Libya nhiễu loạn, giá dầu thế giới tăng vọt
(Dân trí) - Thông tin về “chiến quả” của quân chính phủ và lực lượng đối lập tại Libya hết sức mâu thuẫn, khi hai bên đang quyết liệt tranh giành những vùng chiến lược tại nhiều nơi. Bất ổn Libya đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong 2 năm qua.
Hôm qua, tại Benghazi, các đại diện của những đô thị miền đông đang nằm trong tay phe đối lập đã tiến hành thảo luận kế hoạch hành động tiếp theo. Họ dự tính tiến về miền tây, chiếm lĩnh và đặt miền tây đất nước dưới sự cai quản của mình, sau đó sẽ lật đổ chính quyền trung ương ở thủ đô Tripoli. Còn ở thủ đô của Libya,̀ ngày càng thường xuyên nổ ra những cuộc mít-tinh phản đối.
Trong khi đó, cả hai bên - những người nổi dậy cũng như đại diện quân chính phủ, hôm qua liên tục lên tiếng công bố rằng lực lượng của họ “đã thiết lập quyền kiểm soát tại các điểm nóng”.
Truyền hình quốc gia Libya tuyên bố về việc đội quân của Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi của quân đội giành quyền kiểm soát trở lại với đô thị dầu mỏ Az-Zawiya. Thành phố này chỉ cách thủ đô Tripoli 50km về phía tây. Trong khi đó, kênh truyền hình Al-Jazeera thông báo rằng thành phố này vẫn nằm trong tay của quân nổi dậy.
Hôm 4/3, lực lượng đối lập đã đẩy bật các đơn vị quân đội khỏi sân bay Ras al-Lanuf cách Tripoli 600 km về phía đông. Gần đó là một trong những cơ sở lọc dầu lớn nhất của đất nước, chuyên hoạt động phục vụ xuất khẩu. Theo tin đưa của truyền thông nước ngoài, các lực lượng của Gaddafi đã rút khỏi Ras al-Lanufa, với tổn thất 130 lính đánh thuê bị tiêu diệt. Cả sự hỗ trợ của trực thăng và dàn hỏa tiễn cũng không cứu vãn được tình thế. Dù vậy, phát ngôn viện Bộ Ngoại giao Libya đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Cùng lúc, hầu như toàn bộ miền đông Libya bây giờ thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập: lực lượng nổi dậy bám trụ vững tại đô thị lớn thứ hai của đất nước là Benghazi. Hôm 4/3, quân Chính phủ Libya đã dội bom xuống kho vũ khí ở ngoại vi thành phố làm hơn 20 người thiệt mạng. Không quân của ông Gaddafi cũng giáng đòn tấn công vào căn cứ quân sự và kho tàng ở sát thành phố Adzhadabiya. Nhưng, như tuyên bố của bên đối lập, không có một quả đạn nào rơi trúng địa bàn căn cứ.
Những tư liệu trái ngược như vậy cũng là bằng chứng thêm về cuộc chiến thông tin nghiêm trọng giữa các phía đối đầu - giới phân tích về tình hình Trung Đông/Bắc Phi nhận xét. “Tình hình cũng giống như hồi trước cuộc chiến tranh của người Mỹ ở Iraq, báo giới phương Tây đang dọn đường nhằm biện minh cho động thái xâm nhập của nước ngoài vào Libya” - báo chí Nga dẫn lời một nhà phân tích nói.
Trên thị trường New York hôm 4/3, giá dầu tăng thêm 2,51 USD so với phiên giao dịch ngày 3/3. Trong hai tuần qua, giá dầu thô trên thị trường New York tăng thêm 18 USD một thùng, tăng 21% trong chỉ hai tuần lễ và đặt mức cao nhất kể từ ngày 29/9/2008 tới nay.
Trên thị trường London, dầu Brent cũng tăng giá (115,97 USD/thùng) nhưng vẫn còn thấp hơn so với kỷ lục 120 USD của hồi tuần trước. Trả lời báo Times hôm qua, bộ trưởng bộ Phát triển của Anh và cũng là một chuyên gia về dầu hỏa, ông Alan Duncan cho rằng, giá dầu trên thị trường quốc tế có khả năng lên cao hơn nữa. Theo ông, giá dầu có thể đạt tới ngưỡng 200 -250 USD/thùng, hơn hẳn kỷ lục 147 USD hồi tháng 7/2008 nếu như tình hình Trung Cận Đông tiếp tục bị xấu đi hay trong giả thuyết các thành phần quá khích tấn công các cơ sở, đường ống dẫn dầu.
Trước mắ, giới quan sát lo ngại làn sóng nổi dậy ở Trung Đông còn kéo dài, và có khả năng lan rộng sang đến các nước vùng Vịnh hay Iran.
Tại ẢRập Xêút, nước này đã cấm mọi cuộc biểu tình sau khi xảy ra vài vụ biểu tình qui mô nhỏ đòi thay đổi ở vương quốc bảo thủ này. Bộ Nội vụ ẢRập Xêút hôm qua thông báo trên đài truyền hình nhà nước rằng các lực lượng an ninh sẽ sử dụng “mọi biện pháp” để ngăn chặn những mưu toan gây rối trật tự công cộng. Lệnh cấm được ban hành sau một loạt những cuộc biểu tình của người Shiite thiểu số, đòi trả tự do cho những tù nhân mà họ cho là bị giam giữ một cách bất công.
Phần lớn những người Shiite thiểu số sinh sống ở miền đông có nhiều dầu lửa. Vùng này giáp với Bahrain, nơi đã diễn ra những cuộc biểu tình của người Shiite đa số chống lại các nhà lãnh đạo thuộc khối Sunni thiểu số. Những người Shia ở ẢRập Xêút, cũng như người Shia ở Bahrain, than phiền rằng họ bị kỳ thị bởi chính phủ do người Sunni kiểm soát.
Hôm qua, Ai Cập đã mở phiên xét xử ngắn đầu tiên cựu Bộ trưởng Nội vụ ông Habib el-Adli, bị quy tội rửa tiền và biển thủ công quỹ. Ông Habib el-Adli là quan chức cao cấp đầu tiên bị đưa ra xét xử, kể từ sau sự sụp đổ của chính quyền Mubarak. Trong những ngày vừa qua, nhiều cựu quan chức và doanh nhân thân cận với chính quyền Mubarak đã bị bắt, bị cấm rời khỏi lãnh thổ và thậm chí tài sản của họ cũng bị đóng băng, trong đó có cả tài sản Mubarak và gia đình ông.