Thông tin bất ngờ về vai trò của lính Triều Tiên ở Kursk
(Dân trí) - Giới chức Ukraine bất ngờ cho rằng, lính Triều Tiên triển khai ở tỉnh Kursk của Nga không tham gia vào hoạt động tác chiến trực tiếp như cáo buộc trước kia.
Trung tâm Kháng chiến Quốc gia do quân đội Ukraine điều hành hôm 4/12 cho biết, binh sĩ Triều Tiên chỉ làm nhiệm vụ tại các trạm quan sát và trạm kiểm soát ở tỉnh Kursk của Nga với tư cách là lực lượng thứ cấp, không tham gia trực tiếp vào chiến đấu chống lại quân đội Ukraine.
Theo cơ quan này, trực thuộc Lữ đoàn tấn công dù số 11 của Nga, lực lượng Triều Tiên bảo vệ các khu vực tập kết của quân đội Nga. Việc triển khai của họ được cho là đã tạo điều kiện để Nga chuyển nguồn lực của mình đến các vị trí tiền tuyến.
Trước đó, theo đánh giá của Ukraine và phương Tây, Triều Tiên đã đưa khoảng 10.000 đến 12.000 quân nhân đến Nga để tham gia khóa huấn luyện. Một phần trong số đó có thể đã được triển khai đến tỉnh Kursk để cùng quân đội Nga đẩy lùi lực lượng quân sự Ukraine đang kiểm soát hàng trăm km2 lãnh thổ ở đây.
Một phát ngôn viên tình báo quân đội Ukraine nói với giới truyền thông rằng 2.000 binh sĩ Triều Tiên đã được điều động đến các đơn vị Thủy quân lục chiến và Không quân Nga triển khai ở tiền tuyến.
"Nếu họ (quân đội Triều Tiên) đã tham gia các đơn vị tham gia chiến sự tích cực, thì chúng tôi có thể khẳng định họ đã tham gia cuộc chiến", người phát ngôn này nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó nói rằng lính Triều Tiên đã giao tranh với lính Ukraine ở Kursk và có thương vong. Kiev cũng không loại trừ khả năng lính Triều Tiên sẽ triển khai ở chiến trường Ukraine để hỗ trợ Nga.
Moscow và Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc, song mặt khác khẳng định ngay cả khi lính Triều Tiên được triển khai đến Nga theo hiệp ước chung giữa hai nước, điều đó cũng không vi phạm luật pháp quốc tế. Moscow khẳng định, hợp tác giữa Nga và Triều Tiên không nhằm vào bên thứ ba nào.
Theo hãng thông tấn KCNA, Hiệp ước Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Triều Tiên và Nga, được lãnh đạo hai nước ký kết hồi tháng 6, chính thức có hiệu lực từ ngày 4/12.
Hiệp ước nêu rõ, hai nước nên "ngay lập tức hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện sẵn có" nếu một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh.
Theo KCNA, hiệp ước cũng sẽ "đóng vai trò là động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc thiết lập một trật tự thế giới độc lập, công bằng, đa cực mà không có sự thống trị, khuất phục và bá quyền".
Mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Triều Tiên khiến Ukraine và phương Tây lo ngại. Theo các nguồn tin, đây là một trong những lý do khiến Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden quyết định cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.