1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thông điệp từ chuyến thăm hiếm của tàu sân bay Mỹ tới Hong Kong

(Dân trí) - Việc Trung Quốc bất ngờ “bật đèn xanh” cho phép tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ cập cảng Hong Kong trong tuần này được cho là động thái gây bất ngờ của Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thông điệp từ chuyến thăm hiếm của tàu sân bay Mỹ tới Hong Kong


Tàu sân bay USS Ronald Reagan tới Hong Kong ngày 21/11 (Ảnh: AFP)

Tàu sân bay USS Ronald Reagan tới Hong Kong ngày 21/11 (Ảnh: AFP)

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Chuẩn Đô đốc Karl Thomas đã có bài phát biểu trên tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ sau khi tàu này dẫn đầu nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cập cảng Hong Kong hôm qua 21/11.

Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang cập cảng Hong Kong cho biết ông không “lo lắng” về việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân ngay cả khi tàu chiến hai nước vừa xảy ra vụ chạm trán nguy hiểm trên Biển Đông.

“Tôi biết chắc chắn rằng các quốc gia khác cũng đang tăng cường lực lượng hải quân của họ. Một điều tích cực ở đây là các lực lượng hải quân có thể hoạt động bên cạnh nhau. Các hoạt động nào đang diễn ra trên khắp thế giới thực sự không quan trọng, vì thế tôi không lo lắng. Hòa bình và sự thịnh vượng trong khu vực, điều đó được xây dựng dựa trên tự do hàng hải và giao thương mở”, Đô đốc Karl Thomas cho biết.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan hôm qua đã cập cảng Hong Kong trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn trên đà leo thang. Chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ diễn ra cùng thời điểm Washington triển khai các máy bay ném bom B-52 bay qua Biển Đông và biển Hoa Đông trong một động thái khiến Bắc Kinh “nóng mặt”. Trước khi tới Hong Kong, USS Ronald Reagan và một tàu sân bay khác của Mỹ là USS John C. Stennis đã tập trận ở vùng biển ngoài khơi Philippines nhằm khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực.


Đô đốc Karl Thomas phát biểu trên tàu sân bay USS Ronald Reagan khi cập cảng Hong Kong. (Ảnh: AFP)

Đô đốc Karl Thomas phát biểu trên tàu sân bay USS Ronald Reagan khi cập cảng Hong Kong. (Ảnh: AFP)

Thông báo của Hải quân Mỹ cho biết trong chuyến thăm của tàu USS Ronald Reagan, các hoạt động giao lưu giữa thủy thủ trên tàu với người dân Hong Kong sẽ diễn ra dưới hình thức các hoạt động thể thao hay tham quan tàu.

Trung Quốc từng ngăn tàu tấn công đổ bộ USS Wasp của Mỹ cập cảng Hong Kong hồi tháng 9. Trước đó vào năm 2016, Trung Quốc cũng không cho phép tàu sân bay USS Stennis của Mỹ và các tàu hải quân hộ tống cập cảng Hong Kong khi hai nước đang ở trong tình trạng căng thẳng do các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Theo Đô đốc Thomas, vụ chạm trán căng thẳng giữa hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc hồi tháng 9 khi tàu Mỹ đang thực hiện chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông chỉ là vụ việc hiếm hoi xảy ra.

“Trong vụ việc đó, tàu (Trung Quốc) đã có những động thái hung hăng và tàu của chúng tôi đã cảnh báo họ trước khi buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm”, ông Thomas cho biết.

“Đó là tình huống không may xảy ra. Tôi không muốn chuyện này lặp lại. Tôi nghĩ nhìn chung, chúng tôi đều là những thủy thủ chuyên nghiệp và chúng tôi biết cách làm thế nào để hoạt động cùng với các lực lượng hải quân khác”, Đô đốc Mỹ nói thêm.

Nhân chuyến thăm của tàu sân bay USS Ronald Reagan, Trung tướng Tan Benhong, chỉ huy lực lượng quân đội Trung Quốc tại Hong Kong, và các sĩ quan quân sự khác đã được mời tới quan sát các máy bay chiến đấu Super Hornet của Hải quân Mỹ thực hiện kỹ năng cất và hạ cánh trên tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Giới phân tích nhận định việc Trung Quốc “bật đèn xanh” cho chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Hong Kong và việc Mỹ mời một chỉ huy cấp cao của quân đội Trung Quốc lên tàu sân bay nhằm thể hiện mong muốn của Washington trong việc duy trì quan hệ quân sự với Bắc Kinh, bất chấp cuộc chiến thương mại đang diễn ra cũng như những căng thẳng chiến lược khác giữa hai nước.

“Tôi đã có cơ hội cho ông Tan thấy các hoạt động bay (trên tàu sân bay Mỹ), vì thế ông ấy cũng có cơ hội quan sát các thủy thủ hải quân chuyên nghiệp và cách chúng tôi vận hành các máy bay hàng ngày trên tàu sân bay này. Tôi nghĩ ông Tan đã hiểu rõ hơn về năng lực của tàu”, Đô đốc Thomas nói.

Thông điệp từ chuyến thăm


Các thủy thủ đứng trước các máy bay trên tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Các thủy thủ đứng trước các máy bay trên tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Một số chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc đồng ý cho phép tàu sân bay Mỹ cập cảng Hong Kong là động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng trước thềm cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng này.

“Việc cho phép tàu USS Ronald Reagan tới thăm Hong Kong là động thái thân thiện của phía Trung Quốc trước cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập”, chuyên gia quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh nhận định.

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm qua đã đăng bài bình luận về chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Hong Kong. Bài viết khẳng định chuyến thăm nay là “tín hiệu cho thấy quân đội Mỹ và Trung Quốc có thể bình ổn mối quan hệ và duy trì hợp tác, bất chấp những nghi ngại chiến lược ngày càng tăng”. Tuy vậy, Thời báo Hoàn cầu cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục ngăn tàu Mỹ cập cảng Hong Kong như nước này từng làm trước đây nếu Washington “đi quá xa”.

“Cả hai nước chúng ta đã quá quen thuộc với cuộc chơi này. Với nỗ lực chung, chúng tôi hy vọng số lần tàu sân bay Mỹ bị từ chối (cập cảng) sẽ ít hơn”, Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh.


Trung tướng Tan Benhong, chỉ huy lực lượng quân đội Trung Quốc tại Hong Kong, thăm tàu sân bay USS Ronald Reagan. (Ảnh: AP)

Trung tướng Tan Benhong, chỉ huy lực lượng quân đội Trung Quốc tại Hong Kong, thăm tàu sân bay USS Ronald Reagan. (Ảnh: AP)

Nhà phân tích hải quân Li JIe cho biết “rất hiếm khi” một quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc có cơ hội được chứng kiến cảnh tàu sân bay Mỹ phóng đồng thời 4 máy bay chiến đấu dựa trên công nghệ máy phóng điện từ và cáp hãm đà hiện đại.

“Việc cho phép (tàu Mỹ) cập cảng và việc Hải quân Mỹ mời tướng Tan là dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã nhận ra rằng, mặc dù vẫn còn xung đột trong quan hệ song phương, song họ không muốn mối quan hệ này hoàn toàn đổ vỡ. Các cuộc trao đổi quân sự cấp cao chỉ có thể diễn ra nếu hai bên duy trì quan hệ ngoại giao và chính trị ổn định”, ông Li nói, đồng thời nhận định việc tướng Tan lên tàu sân bay Mỹ cho thấy quân đội hai nước có “lòng tin chính trị”.

“Cũng có thể Hải quân Mỹ muốn tận dụng cơ hội này để phô diễn sức mạnh của quân đội Mỹ, đồng thời nhắn nhủ các quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc rằng, Trung Quốc vẫn còn gặp khó khăn trong việc theo kịp công nghệ tàu sân bay của Mỹ”, chuyên gia Li nhận định.

Theo nhà quan sát quân sự tại Macau Antony Wong Dong, chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Hong Kong cũng là thông điệp gửi tới quân đội Trung Quốc rằng, họ chưa đủ khả năng phô diễn sức mạnh quân sự như cách Hải quân Mỹ đang làm.

Thành Đạt

Tổng hợp