1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thông điệp quan trọng từ hội nghị của các lãnh đạo châu Âu tại Moldova

Thanh Thành

(Dân trí) - Lãnh đạo 47 quốc gia châu Âu thuộc Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) đã họp thượng đỉnh tại Moldova vào ngày 1/6 để thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có chiến sự Ukraine.

Thông điệp quan trọng từ hội nghị của các lãnh đạo châu Âu tại Moldova  - 1

Các nhà lãnh đạo châu chụp ảnh chung khi tham dự hội nghị EPC tại Bulboaca, Moldova ngày 1/6 (Ảnh: Reuters).

ECP là một khuôn khổ hợp tác không chính thức giữa các nước châu Âu, theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đưa ra vào ngày 9/5/2022, hơn 2 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Sáng kiến này từng bị coi là một giải pháp tình thế nhằm hỗ trợ Ukraine, quốc gia mong muốn được kết nạp khẩn cấp vào Liên minh châu Âu (EU) nhưng chưa thể đáp ứng. Sáng kiến từng gây nhiều hoài nghi, nhất là trong bối cảnh chiến sự Ukraine vẫn diễn ra khốc liệt.

Vì vậy, những người đứng đầu của 47 quốc gia châu Âu quyết định tập trung về tại lâu đài Mimi ở Bulboaca, gần thủ đô Chisinau của Moldova để đặt nền móng cho EPC và thể hiện tình đoàn kết về tài chính và chính trị với quốc gia Đông Âu nhỏ bé vốn đang tìm cách trở thành thành viên của EU.

Với vị trí nằm giữa Ukraine và EU, đất nước Đông Âu Moldova hiện nay đang được nhắc đến tên trên chính trường quốc tế khi trở thành nước chủ nhà EPC. Đây là lần thứ hai EPC nhóm họp, 8 tháng sau cuộc họp đầu tiên khai mạc ở thủ đô Praha của Cộng hòa Séc.

Thông điệp chính trị quan trọng

Quyết định tổ chức cuộc họp của 47 nguyên thủ quốc gia và chính phủ tại Moldova là một tín hiệu quan trọng cho thấy đất nước nhỏ bé đang tiến tới hội nhập châu Âu và bước ra vũ đài quốc tế, một mục tiêu càng trở nên cấp bách hơn khi cuộc chiến Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo các chuyên gia, việc lựa chọn tổ chức hội nghị thượng đỉnh EPC ở Moldova, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ với khoảng 2,6 triệu dân, được coi là một thông điệp mà EU và cả chính phủ Moldova thân phương Tây, gửi tới Nga.

Khi phát biểu trước các nhà lãnh đạo có mặt tại lễ khai mạc, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte lưu ý tầm quan trọng của địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh, chỉ cách biên giới Ukraine khoảng 20 km. "Cuộc gặp của chúng ta hôm nay ở Moldova đã nói lên rất nhiều điều. Đất nước này giáp Ukraine và ở đây, mối đe dọa từ Nga có thể thấy rõ", ông Rutte nói.

Moldova, quốc gia nghèo nhất châu Âu, đã liên tục thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine và tiếp nhận những người tị nạn chạy khỏi chiến tranh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Ngay khi đến Moldova, ông Zelensky kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra "những đảm bảo an ninh" cụ thể tại Ukraine và nước láng giềng Moldova.

Tổng thống Zelensky cũng cho biết, ông sẽ phát biểu trước "các nước đối tác" về việc thiết lập một "liên minh máy bay phản lực" và một liên minh cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine. "Đó là sáng kiến mới của chúng tôi và chúng tôi thực sự cần nó", ông nói.

Đối với bản thân Moldova, với hội nghị lần này, vấn đề đơn giản hơn là một cuộc tranh luận về cán cân quyền lực nằm ở đâu trong giới lãnh đạo phương Tây. "Chưa bao giờ có một sự kiện lớn như vậy trong lịch sử của Moldova", ông Felix Hett, một chuyên gia về Ukraine và Moldova tại Quỹ Friedrich Ebert của Đức, cho biết.

"Nếu mọi việc suôn sẻ, hội nghị này sẽ là một sự kiện quảng cáo cho Moldova, một bằng chứng về những gì mà quốc gia nhỏ bé này có thể đạt được", ông Ebert nói thêm.

Ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự sẽ là an ninh và nguồn cung năng lượng, vốn đã được Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) tài trợ một phần. Trong những năm qua, EBRD đã hỗ trợ tổng cộng 2 tỷ euro vào nền kinh tế Moldova và giúp quốc gia nghèo nhất châu Âu đảm bảo nguồn cung khí đốt.

Chiến sự Nga - Ukraine trở thành chủ đề nóng

Thông điệp quan trọng từ hội nghị của các lãnh đạo châu Âu tại Moldova  - 2

Tổng thống Ukraine Zelensky trò chuyện với các nhà lãnh đạo Anh, Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ bên lề cuộc họp thượng đỉnh của EPC tại Moldova (Ảnh: Reuters).

Nhưng tình hình chiến sự Ukraine được xem sẽ là chủ đề nóng nhất được đưa ra thảo luận. Ngoài ra, các vấn đề khác được chú trọng là sự mở rộng của EU và tăng cường hợp tác giữa các nước châu Âu.

Kể từ hội nghị thượng đỉnh ở Praha vào tháng 10/2022, các thành viên tham gia đã cho biết kiểu hợp tác mới này rất hữu ích.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz coi đây là một "sự đổi mới" và tại hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu (EC) ở Iceland vào tháng 5, ông đã ca ngợi đây là một diễn đàn được xây dựng tốt, cho phép trao đổi mà không bị áp lực phải đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào.

Phát biểu tại Praha khi đó, Tổng thống Macron thậm chí còn đi xa đến mức dự đoán rằng nó có thể là một công cụ để ngăn chặn nội chiến, mà ông mô tả là "căn bệnh thời thơ ấu của châu Âu".

Trong khi đó, Thủ tướng Albania Edi Rama cảnh báo, EPC không thể trở thành "phòng chờ" khác cho các nước đăng ký gia nhập EU và nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán tư cách thành viên cần phải tiếp tục theo quy định.

Hiện các quốc gia Albania, Serbia, Montenegro và Bắc Macedonia đang trong các cuộc đàm phán tư cách thành viên EU trong khi Bosnia-Herzegovina là một ứng  viên cho các cuộc đàm phán gia nhập. Kosovo và Georgia chỉ là những ứng viên tiềm năng.

Trong bài phát biểu quan trọng trước Nghị viện châu Âu (EP) vào đầu tháng 5, Thủ tướng Scholz nói ông muốn đẩy nhanh quá trình gia nhập EU nhưng để điều này có thể thực hiện được thì bản thân khối này cần phải có những cải cách khẩn cấp.

Năm 2022, Ukraine và Moldova đã nhận được tư cách ứng cử viên chính thức để gia nhập EU cùng với Gruzia, nhưng quá trình gia nhập có thể mất nhiều năm để hoàn thành.

Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Azerbaijan cũng đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Moldova và được dự đoán "sẽ mang đến những căng thẳng của riêng họ".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người vừa tái đắc cử trong cuộc bầu cử hôm 29/5, dự kiến sẽ lên tiếng chỉ trích EU, trong khi vẫn yêu cầu Ankara trở thành ứng viên thành viên liên minh này. Trong khi đó, Serbia và Kosovo đang đứng bên bờ vực chiến tranh. Và Anh, cựu thành viên duy nhất của EU, vẫn đang cố gắng tìm chỗ đứng "hậu Brexit".

Câu hỏi khó

Chỉ vài giờ gặp gỡ tại lâu đài Mimi sẽ không đủ để các nhà lãnh đạo đưa ra các giải pháp thực sự cho nhiều vấn đề mà châu Âu đang phải đối mặt. Nhưng họ có thể đủ thời gian để thu thập một số ý tưởng mới.

"Hội tranh luận" mới, như cách những người chỉ trích gọi là EPC, liệu sẽ giải quyết hiệu quả vấn đề gì khác? Xét cho cùng, các nhà lãnh đạo châu Âu vừa gặp nhau 2 tuần trước tại hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu ở Iceland, nơi họ bàn nhiều về cuộc chiến Nga - Ukraine. Vậy điều gì có thể xảy ra? EPC sẽ làm tốt hơn không?

"Tôi nghĩ đó là câu hỏi đáng giá triệu USD", bà Amanda Paul, nhà phân tích chính sách cấp cao tại Trung tâm Chính sách châu Âu có trụ sở tại Brussels, nói. "Nếu các bạn hỏi các nước tham gia, họ vẫn đang vò đầu bứt tai", bà nói

Theo chuyên gia trên, đối với những người đứng đầu các quốc gia và chính phủ ngoài EU, diễn đàn này là một cơ hội tốt để gặp gỡ trực tiếp và thảo luận các vấn đề. "Cần phải có một cái gì đó thực tế hơn so với cuộc gặp ở Praha, chẳng hạn như một mục tiêu hoặc lộ trình rõ ràng về những gì EPC", bà nói.

Theo Strait Times, Bloomberg, Miiami Herald