1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thông điệp ông Kim Jong-un gửi Mỹ - Trung sau lễ duyệt binh hoành tráng

(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi thông điệp về việc cân bằng mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc thông qua các sự kiện nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên cuối tuần qua đã tổ chức hàng loạt sự kiện ở thủ đô Bình Nhưỡng nhân kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 9/9. Trong chương trình đồng diễn với sự tham gia của hàng chục nghìn người, Triều Tiên đã ca ngợi mối quan hệ láng giềng hữu hảo bằng một ca khúc dân gian của Trung Quốc mang tên “Tình yêu Trung Quốc của tôi”. Trong lễ duyệt binh, Triều Tiên cũng làm hài lòng Mỹ khi không có sự xuất hiện của bất kỳ tên lửa hạt nhân nào như trong các sự kiện trước đây.

Bằng việc cho phép biểu diễn một bài hát nổi tiếng của Trung Quốc và nắm tay Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc khi tham gia các sự kiện kỷ niệm Quốc khánh, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi một thông điệp rõ ràng về tình hữu nghị với Bắc Kinh.

Bằng việc không đưa các vũ khí có liên quan tới hạt nhân vào lễ duyệt binh hoành tráng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng gửi thông điệp ngoại giao hòa dịu với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến ông chủ Nhà Trắng hài lòng và ngay lập tức dành lời khen cho Bình Nhưỡng.

“Ông Kim Jong-un đang nỗ lực thể hiện thiện chí và cùng một lúc đạt được tiến triển đối với cả hai mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của ông”, Zhao Tong, chuyên gia tại Trung tâm chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, nhận định.

Hai mục tiêu lớn nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện nay là thúc đẩy nền kinh tế phát triển, trong khi duy trì chương trình hạt nhân trong thời gian lâu nhất có thể. Ông Kim Jong-un hiểu rằng Bắc Kinh đang lo ngại ông sẽ ngày càng gần gũi với Tổng thống Trump, trong khi Washington vẫn tiếp tục tỏ ra khó chịu với suy nghĩ rằng Trung Quốc chính là bên gây khó khăn cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Chủ đề phát triển kinh tế được thể hiện trong màn diễu hành của các công nhân Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Chủ đề phát triển kinh tế được thể hiện trong màn diễu hành của các công nhân Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Theo Washington Post, một “ván cờ” lớn với sự tham gia của nhiều bên đang diễn ra tại khu vực Đông Bắc Á, xung quanh Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo ủng hộ hợp tác với Triều Tiên, sẽ có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng vào tuần tới. Ông Moon vẫn đang tìm cách duy trì động lực để thúc đẩy tiến trình ngoại giao với Triều Tiên - điều mà ông đã nỗ lực khởi động suốt từ đầu năm nay. Trong khi đó, Nhật Bản sẵn sàng quay trở lại con đường cứng rắn hơn với Triều Tiên nếu các nỗ lực phi hạt nhân hóa hiện thời bị đổ vỡ.

Theo John Delury, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Yonsei ở Seoul, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đang tìm cách đưa các bên vào thế đối mặt lẫn nhau.

“Khi ông Kim Jong-un thực hiện động thái như vậy, điều đó sẽ tạo cho ông ấy rất nhiều đối trọng với Seoul và Washington”, chuyên gia John nhận định.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders ngày 10/9 cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi cho Tổng thống Trump một bức thư, trong đó đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6. Bà Sanders cho biết các cuộc thảo luận về việc tổ chức cuộc gặp tiếp theo giữa ông Trump và ông Kim Jong-un vẫn đang được tiến hành, song chưa có quyết định cuối cùng về thời gian cũng như địa điểm tổ chức.

Bất chấp những “thăng trầm” kể từ sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6, Tổng thống Trump vẫn hy vọng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thực hiện đúng cam kết phi hạt nhân hóa như trong tuyên bố chung. Niềm hy vọng này đã được thể hiện rõ trong những lời khen ngợi dành cho “Chủ tịch Kim” trên Twitter hôm 9/9.

Tổng thống Trump vẫn đang tìm cách gây sức ép với Trung Quốc khi gắn vấn đề Triều Tiên với cuộc chiến thương mại đang gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung. Ông Trump đã viện dẫn việc Trung Quốc hỗ trợ Triều Tiên trong lúc Bình Nhưỡng đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế để làm một phần lý do áp thuế thương mại với Bắc Kinh.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un 3 lần trong năm nay, dường như muốn quay trở lại trạng thái cân bằng, trong đó Triều Tiên sẽ “án binh bất động” còn ông Tập sẽ tập trung vào việc mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên theo giới phân tích, đây lại là điểm xung đột lợi ích giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Sau khi đạt được thành tựu đáng kể trong chương trình hạt nhân, ông Kim Jong-un đang chuyển hướng sang một chiến lược mới là phát triển kinh tế. Kinh tế cũng là chủ đề chính trong các sự kiện kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên vào cuối tuần trước. Tại lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng, các đoàn diễu hành đã thể hiện những thành tựu khoa học và kinh tế của Triều Tiên, thay vì tập trung vào các chương trình vũ khí và quân sự như trước đây.

Quan hệ với Trung Quốc

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nắm tay Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc tại lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng ngày 9/9 (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nắm tay Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc tại lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng ngày 9/9 (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Tập Cận Bình không tham dự lễ duyệt binh tại Triều Tiên, có lẽ để tránh “chọc giận” Tổng thống Trump trong giai đoạn căng thẳng vì chiến tranh thương mại. Thay vào đó, ông Tập đã cử trợ lý thân cận là chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư tới gặp ông Kim Jong-un.

Ông Lật được tiếp đón trọng thể tại Triều Tiên và được đứng cạnh ông Kim Jong-un trên lễ đài trong lúc duyệt binh. “Cánh tay phải” của ông Tập Cận Bình cũng gửi cho nhà lãnh đạo Triều Tiên một bức thư của chủ tịch Trung Quốc. Trong thư ông Tập khẳng định sẵn sàng hợp tác với ông Kim Jong-un để “mang lại lợi ích cho cả hai nước”.

Năm ngoái, khi Tổng thống Trump đe dọa hành động quân sự với Triều Tiên sau một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa của nước này, Trung Quốc đã miễn cưỡng áp đặt các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng, khiến quan hệ thương mại giữa biên giới hai nước xuống mức thấp chưa từng thấy. Tuy nhiên trong bối cảnh hòa dịu như hiện nay, Bắc Kinh không cần cấm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Triều Tiên như hải sản, quần áo và than đá.

“Lập trường của Trung Quốc là nếu Triều Tiên bắt đầu tham gia vào các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với thái độ tích cực, cộng đồng quốc tế nên giảm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên”, Xuan Dongri, giám đốc Viện nghiên cứu Đông Bắc Á tại Đại học Yanbian, nói.

Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc sẽ tiếp tục được cải thiện nếu Bình Nhưỡng đạt được tiến triển trong cam kết phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế quy mô lớn giữa hai nước chỉ có thể được thực hiện nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Thành Đạt

Theo Washington Post