Thông điệp Nga gửi Trung Quốc sau vụ chạm trán “bất thường” với tàu chiến Mỹ
(Dân trí) - Vụ chạm trán giữa tàu chiến Nga và Mỹ trên biển Hoa Đông gần đây được cho là hành động bất thường và có thể là tín hiệu được Moscow gửi tới Trung Quốc.
Lầu Năm Góc đã tuyên bố rõ rằng Nga là bên có lỗi sau khi tàu chiến hai nước suýt va chạm nhau trên Thái Bình Dương hôm 7/6. Mặc dù đây chỉ là một trong số những vụ căng thẳng quân sự vẫn xảy ra giữa Nga và Mỹ, song do vụ việc lần này diễn ra tại biển Hoa Đông - nơi gần lãnh thổ Trung Quốc và cũng là khu vực Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền, nên đã làm dấy lên nhiều quan ngại về sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Moscow trong việc thách thức vị thế siêu cường hàng đầu của Washington.
Cả Nga và Trung Quốc đều đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu bằng việc thách thức sự thống trị về quân sự của Mỹ cả trên không và trên biển. Tuy nhiên, khi Moscow và Bắc Kinh trở nên mạnh hơn, có những bằng chứng cho thấy hai nước đang hoạt động độc lập trong việc thách thức Washington.
Do cả hai đều được xem là đối thủ “ngang cơ” với Mỹ, nên Nga và Trung Quốc thường đồng lòng với nhau trong nhiều vấn đề liên quan tới địa chính trị. Vụ chạm trán hôm thứ 6 tuần trước giữa hai tàu chiến Nga - Mỹ là một vụ việc bất thường khi xét đến vị trí nơi vụ việc diễn ra.
Mặc dù Nga và Mỹ đưa ra những tuyên bố khác nhau liên quan tới vụ chạm trán trên biển Hoa Đông, song một điều không thể phủ nhận là vụ việc xảy ra ở khu vực ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Theo Carl Schuster, đại tá Hải quân Mỹ về hưu và là cựu chỉ huy chiến dịch tại Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, đây là điều bất thường.
“Nga thường quấy rối các tàu của chúng ta khi các tàu này hoạt động ở vùng biển mà Nga cho là nằm trong tầm ảnh hưởng của họ (như biển Đen, biển Barents và vùng biển ngoài khơi Vladivostok)”, ông Schuster, người từng dành 12 năm làm việc trên các tàu chiến Mỹ, cho biết.
Vụ chạm trán gần đây diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Điện Kremlin. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo tuyên bố quan hệ song phương “đang ở cấp độ tốt nhất trong lịch sử”.
“Có cảm giác rằng họ (Nga) đang phối hợp với Trung Quốc. Họ đang xem liệu có thể làm được gì cùng với Trung Quốc để thách thức Mỹ. Nếu Trung Quốc cần sự giúp đỡ ở Thái Bình Dương, họ sẽ sẵn sàng giúp”, Cedric Leighton, đại tá nghỉ hưu của Không quân Mỹ và là chuyên gia phân tích quân sự của kênh CNN, nhận định.
“Đổi lại, Nga hy vọng Trung Quốc sẽ giúp đỡ họ ở các khu vực khác, chẳng hạn Trung Á. Có thể thấy rằng tại các điểm nóng, luôn có một bên là Mỹ và bên còn lại là Nga và Trung Quốc”, ông Leighton cho biết.
Thông điệp của Nga
Mặc dù các tàu chiến Nga xuất hiện ngày càng nhiều tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, song các tàu này thường tránh chạm trán căng thẳng với lực lượng quân sự Mỹ khi chúng hoạt động ở vùng biển xa nhà. Điều này càng cho thấy sự bất thường trong toan tính của Nga, một nước thường ưu tiên phòng vệ bờ biển gần lãnh thổ, khi để xảy ra căng thẳng với tàu Mỹ trên biển Hoa Đông.
Theo John Kirby, chuẩn đô đốc nghỉ hưu và là nhà phân tích quân sự của CNN, thông qua hành động công khai thách thức tàu chiến Mỹ tại vùng biển gần Trung Quốc, Tổng thống Putin dường như muốn gửi thông điệp tới Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, ông muốn đưa quan hệ song phương lên một cấp độ mới.
“Xét từ quan điểm của ông Putin, rõ ràng ông ấy muốn gửi thông điệp tới Chủ tịch Tập rằng, chúng ta cùng hội cùng thuyền”, ông Kirby nhận định.
“Chúng ta đã chứng kiến Nga và Trung Quốc hợp tác ngày càng chặt chẽ để bảo đảm lợi ích của họ”, chuẩn đô đốc Mỹ nói, đồng thời đề cập tới việc Nga và Trung Quốc vừa tiến hành tập trận quân sự chung quy mô lớn vào năm ngoái.
Giới chức quân sự Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích các thủy thủ Nga vì hành động mà Washington cho là bất cẩn và vô trách nhiệm. Phản ứng mạnh mẽ của Lầu Năm Góc là tín hiệu cho thấy vụ chạm trán với tàu Nga đã gây ra rủi ro nghiêm trọng tới sự an toàn của các thủy thủ Mỹ.
Tuy nhiên, hiện vẫn phải chờ xem chính quyền Mỹ sẽ làm gì tiếp theo để đáp trả Nga sau vụ việc, và liệu vụ chạm trán này có dẫn tới sự thay đổi lớn hơn trong mối quan hệ của Nga với Trung Quốc hay không.
Tuy vậy, một điều rõ ràng đó là Nga vẫn tiếp tục tăng cường các hành động cứng rắn của nước này khi đối đầu với lực lượng quân sự Mỹ.
“Ông Putin rõ ràng đã ra lệnh cho Hải quân Nga gây sức ép với Hải quân Mỹ bất kể khi nào có cơ hội. Vụ việc này có thể nhằm thể hiện sự ủng hộ về mặt chính trị (của Nga) đối với Trung Quốc khi ông Tập Cận Bình vẫn đang ở Moscow. Tuy nhiên, nhiều khả năng đó là tín hiệu cho thấy Nga sẵn sàng thách thức sự thống trị của Mỹ cả trên biển và trên trường quốc tế”, đại tá Schuster nhận định.
“Các bạn có thể thấy những hành động (của Nga) tại Syria, đông Địa Trung Hải, vùng Baltic, biển Đen và bây giờ là Thái Bình Dương. Các bạn đã thấy họ (Nga) thực sự thách thức Mỹ bất kể nơi nào có thể, để không chỉ khẳng định sự thống trị của họ tại một khu vực cụ thể, mà còn mở đường cho việc phán đoán những suy tính của chúng ta, và quan trọng hơn hết là phản ứng của chúng ta”, chuyên gia Leighton nói.
Thành Đạt
Tổng hợp