1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thông điệp của Tổng thống Putin sau vụ phóng tên lửa "độc nhất vô nhị"

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin dường như muốn gửi thông điệp tới phương Tây khi phóng tên lửa đạn đạo uy lực giữa lúc chiến sự căng thẳng tại Ukraine.

Thông điệp của Tổng thống Putin sau vụ phóng tên lửa độc nhất vô nhị - 1

Tổng thống Vladimir Putin giám sát vụ phóng tên lửa thông qua màn hình tại Điện Kremlin hôm 20/4 (Ảnh: Tass).

Tổng thống Vladimir Putin hôm 20/4 đã giám sát vụ phóng thử đầu tiên của một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà ông nói rằng sẽ khiến những kẻ đe dọa Nga phải "suy nghĩ lại". Ông chủ Điện Kremlin thậm chí gọi tên lửa này là "độc nhất vô nhị".

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2, ông Putin liên tục đề cập tới mối đe dọa chiến tranh hạt nhân trong nỗ lực nhằm ngăn chặn Mỹ và NATO tham gia vào cuộc xung đột tại Ukraine. Tổng thống Putin đã cảnh báo những hậu quả "chưa từng thấy trong lịch sử" nếu phương Tây can thiệp vào cuộc xung đột tại Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã phóng thành công RS-28 Sarmat, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Moscow tin là có thể bắn trúng các mục tiêu ở bất kỳ đâu trên thế giới. Nga cũng tuyên bố RS-28 Sarmat có thể né tránh bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện có và trong tương lai.

"Với năng lực của Sarmat như hiện tại, không một hệ thống phòng thủ nào, kể cả hệ thống hiện đại nhất có thể đánh chặn được nó", Thứ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố.

Tổng thống Putin nói rằng tên lửa Sarmat được chế tạo từ các thành phần được sản xuất trong nước. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ hiện nhắm mục tiêu vào các công ty sản xuất các trang thiết bị cho quân đội Nga.

Thông điệp của Tổng thống Putin sau vụ phóng tên lửa độc nhất vô nhị - 2

Tên lửa Sarmat của Nga trong vụ phóng ngày 20/4 (Ảnh: AP).

Vụ phóng thử RS-28 Sarmat đã được dự đoán từ lâu. Kể từ khi ông Putin lần đầu tiên tuyên bố Nga đã phát triển tên lửa này vào năm 2018, vụ phóng đã bị trì hoãn nhiều lần. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết Moscow đã thông báo trước cho Washington về vụ thử nghiệm.

Vài ngày trước khi triển khai chiến dịch tại Ukraine, ông Putin đã giám sát cuộc tập trận của các lực lượng chiến lược thuộc quân đội Nga. Tại cuộc tập trận này, Nga đã phóng một số tên lửa tiên tiến nhất. Tên lửa Sarmat ban đầu dự kiến cũng được phóng trong cuộc tập trận.

Nikolai Sokov, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Vienna, nói rằng mặc dù vụ phóng tên lửa Sarmat đã được dự đoán từ trước, nhưng Nga lẽ ra có thể trì hoãn phóng thử để tránh làm leo thang căng thẳng trong bối cảnh chiến sự hiện nay, tương tự cách Mỹ đã hoãn vụ phóng tên lửa Minuteman III vào tháng trước.

Thay vào đó, theo ông Sokov, Nga sử dụng vụ phóng lần này "như một lời nhắc nhở" tới phương Tây rằng: "Chúng tôi có vũ khí hạt nhân, vì vậy các ông hãy ngồi yên một chỗ". "Tên lửa đã sẵn sàng và họ sẽ tận dụng điều đó", ông Sokov nhận định.

Vụ phóng thử tên lửa mới của Nga diễn ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự tại Ukraine vẫn đang căng thẳng. Nga đang tập trung lực lượng tại Đông Ukraine để triển khai giai đoạn 2 của chiến dịch, với mục tiêu giải phóng hoàn toàn vùng Donbass, nơi có các vùng lãnh thổ ly khai.

Chuyên gia Jack Watling tại tổ chức tư vấn RUSI ở London, Anh, cho rằng vụ phóng tên lửa Sarmat của Nga mang ý nghĩa biểu tượng, khi chưa đầy 3 tuần nữa nước này sẽ tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng - dịp để quân đội Nga phô diễn các loại vũ khí mới nhất.

"Thời điểm tiến hành vụ phóng thử tên lửa cho thấy Nga muốn đạt được điều gì đó để phô diễn thành tựu công nghệ trước Ngày Chiến thắng, trong bối cảnh rất nhiều công nghệ của họ không mang lại kết quả như họ mong muốn", chuyên gia Watling nói.

Tổng thống Putin gọi vụ phóng tên lửa Sarmat là "sự kiện có ý nghĩa quan trọng" đối với Nga. "Hệ thống tên lửa mới có các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật hàng đầu, có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại. Không có tên lửa nào tương tự như vậy trên thế giới và sẽ không có tên lửa nào tương tự như vậy trong một thời gian dài", ông Putin nhấn mạnh.

Nga thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Theo Douglas Barrie, chuyên gia cao cấp về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, vụ phóng tên lửa Sarmat là một cột mốc quan trọng của Nga sau nhiều năm trì hoãn do các vấn đề liên quan tới ngân sách và thiết kế. Ông Barrie cho biết Nga sẽ phải tiến hành nhiều vụ phóng thử nữa trước khi thực sự triển khai tên lửa này thay cho các tên lửa SS-18 và SS-19 đã lỗi thời.

Chuyên gia Barrie cho rằng, khả năng mang ít nhất 10 đầu đạn và mồi nhử của Sarmat, và việc Nga tuyên bố tên lửa có thể phóng tới bất kỳ khu vực nào trên Trái đất, đã đặt ra thách thức đối với các hệ thống radar giám sát và vệ tinh của phương Tây.

"Sarmat là tên lửa mạnh nhất với tầm bắn lớn nhất trên thế giới. Nó sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang hạt nhân chiến lược Nga", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Theo Reuters, WSJ, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm