1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thông điệp chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc tới chủ nhà APEC 2018

(Dân trí) - Việc Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Trung Quốc có chuyến thăm tới Papua New Guinea, nước đăng cai hội nghị APEC 2018, được cho là ẩn chứa những thông điệp quan trọng.


Chủ tịch Tập Cận Bình trong lễ đón tiếp tại Port Moresby nhân chuyến thăm tới Papua New Guinea ngày 16/11. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Tập Cận Bình trong lễ đón tiếp tại Port Moresby nhân chuyến thăm tới Papua New Guinea ngày 16/11. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/11 đã đặt chân tới thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông tới quốc đảo Thái Bình Dương này. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc tới Papua New Guinea.

Chuyến thăm tới Papua New Guinea của ông Tập Cận Bình diễn ra đúng vào thời điểm lãnh đạo các nước thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhóm họp tại Port Moresby từ ngày 17-18/11. Ông Tập Cận Bình sẽ tham dự hội nghị này và một cuộc họp với lãnh đạo của 8 quốc đảo Thái Bình Dương.

Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Papua New Guinea, quốc đảo lớn nhất ở Thái Bình Dương xét cả về lãnh thổ trên bộ và dân số, giữa lúc cộng đồng quốc tế đang có nhiều tranh cãi về các chính sách viện trợ của Trung Quốc ở nước ngoài, bao gồm các quốc gia ở Thái Bình Dương như Papua New Guinea.

Tháng 1/2018, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Australia Concetta Fierravanti-Wells khiến dư luận “dậy sóng” khi cáo buộc Trung Quốc xây dựng và rót vốn vào “những tòa nhà vô dụng” và những con đường “không dẫn tới đâu” tại các quốc đảo Thái Bình Dương. Bình luận của bà Wells đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cả Trung Quốc và lãnh đạo các nước Thái Bình Dương khi họ cho rằng đây là những phát ngôn mang tính “xúc phạm” (theo tuyên bố của Thủ tướng Samoa).

Từ sau vụ việc trên, Australia bắt đầu giảm bớt mức độ căng thẳng của những lời cáo buộc nhằm vào Trung Quốc, đặc biệt sau khi chính quyền của tân Thủ tướng Scott Morrison lên nắm quyền và tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Mặc dù vậy, cuộc cạnh tranh giữa Australia và Trung Quốc để thiết lập tầm ảnh hưởng tại Thái Bình Dương vẫn chưa dừng lại. Australia đã đẩy mạnh các cam kết tại khu vực được coi là “sân sau” truyền thống của nước này khi hứa sẽ viện trợ 260 triệu AUD (khoảng 190 triệu USD) từ năm 2018-2019 trong khuôn khổ Chương trình Khu vực Thái Bình Dương.

Chuyến công du tới Papua New Guinea trao cho Chủ tịch Tập Cận Bình cơ hội vàng để “phản pháo” những cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang thực thi chính sách “ngoại giao bẫy nợ” tại các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Trong bài viết được đăng trên báo Post Courier của Papua New Guinea ngay trước thềm chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh cam kết của Bắc Kinh trong việc hợp tác với các nước Thái Bình Dương dựa trên “sự tôn trọng lẫn nhau”.

“Trung Quốc tin rằng tất cả các nước đều bình đẳng, bất chấp quy mô lớn nhỏ”, ông Tập Cận Bình khẳng định.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương “cần nâng lòng tin chiến lược lên một cấp độ cao hơn”. Ông Tập cũng cam kết “Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương, ủng hộ sự phát triển của họ, và giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa phía bắc và phía nam”. Nói cách khác, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn nhấn mạnh rằng viện trợ của Trung Quốc thực chất sẽ mang lại lợi ích cho các nước tiếp nhận.

Lôi kéo các nước


Toàn quyền Papua New Guinea Bob Dadae đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại Port Moresby (Ảnh: Reuters)

Toàn quyền Papua New Guinea Bob Dadae đón Chủ tịch Tập Cận Bình tại Port Moresby (Ảnh: Reuters)

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là tầm nhìn của Trung Quốc về hợp tác đầu tư và thương mại “thực chất” tập trung vào Sáng kiến Vành đai và Con đường. Xét trong bối cảnh này, chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Papua New Guinea đã giành được thành công lớn. Trung Quốc muốn lấy sự hiện diện của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Papua New Guinea, bao gồm cuộc họp với lãnh đạo của 7 quốc đảo Thái Bình Dương khác, làm động lực để lôi kéo thêm nhiều nước Thái Bình Dương vào “quỹ đạo” của Bắc Kinh.

Papua New Guinea chính thức ký tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường từ tháng 6/2018 trong chuyến thăm của Thủ tướng Peter O’Neill tới Trung Quốc. Sau Papua New Guinea, các quốc đảo khác cũng lần lượt tham gia, gồm Niue (cuối tháng 7), Samoa và Micronesia (tháng 10) và Fiji (ngày 12/11). Quần đảo Cook (một khu vực tự trị song phụ thuộc vào New Zealand về phòng vệ) cũng thông báo sẽ ký một thỏa thuận tương tự với Trung Quốc trong tuần này, trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình và phái đoàn Trung Quốc.

Trong khi đó, một quan chức từ Tonga cũng tiết lộ với Reuters rằng nước này đang xem xét lời đề nghị từ Trung Quốc về việc gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường. Reuters cũng đưa tin Vanuatu sẽ trở thành một thành viên mới của Sáng kiến Vành đai và Con đường, mặc dù ngoại trưởng Vanuatu nói rằng ông chưa nắm được kế hoạch này.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp lãnh đạo của Papua New Guinea, quần đảo Cook, Micronesia, Fiji, Niue, Samoa, Tonga và Vanuatu. Không phải ngẫu nhiên nhà lãnh đạo Trung Quốc sắp xếp gặp mặt đại diện của cả 8 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia hoặc đang cân nhắc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Ngoài ra, thông qua chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Papua New Guinea tuần này, Trung Quốc hy vọng có thể chứng minh cho tất cả các quốc đảo Thái Bình Dương thấy giá trị của việc hợp tác với Bắc Kinh, thay vì với Đài Loan. Từ sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên nắm quyền tại Đài Loan từ năm 2016, Trung Quốc đã lôi kéo 5 đối tác ngoại giao của Đài Loan, song không có nước nào ở Thái Bình Dương. Đài Loan hiện vẫn có quan hệ ngoại giao với 6 quốc đảo Thái Bình Dương, gồm Kiribati, quần đảo Marshall, Nauru, Palau, quần đảo Solomon, Tuvalu, chiếm 1/3 trong tổng số 17 đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan.

Thủ tướng Papua New Guinea đã mời lãnh đạo của tất cả các nước thành viên thuộc Diễn đàn Đảo Thái Bình Dương tới dự các sự kiện chào mừng hội nghị APEC năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc lãnh đạo từ các nước đồng minh với Đài Loan như quần đảo Solomon sẽ được chứng kiến cảnh Trung Quốc chào đón lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh. Trung Quốc hy vọng có thể thuyết phục lãnh đạo của 6 nước vẫn còn duy trì quan hệ với Đài Loan để họ sẽ không còn cảm thấy bị “gạt ra ngoài lề” trong các chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới khu vực này sắp tới.

Thành Đạt

Theo Diplomat