1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thông cáo chung AMM 50 thể hiện sự đồng thuận trong ASEAN

Thông cáo chung AMM 50 lần này được đánh giá là có quan điểm mạnh mẽ và rất rõ ràng liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Ngày 7/8, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bước vào ngày họp thứ 3 với các cuộc họp của ASEAN+3 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Australia, New Zealand) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 24 (với sự tham dự của 10 nước ASEAN và 17 đối tác). Với sự đồng thuận cao về một loạt vấn đề, nước chủ tịch Philippines tối qua đã ra thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50.


Phiên toàn thể Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM-50).

Phiên toàn thể Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM-50).

Thông cáo dài 48 trang, kiểm điểm, đánh giá và đề ra phương hướng cụ thể để triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể về chính trị-an ninh, kinh tế, và văn hoá-xã hội.

Về các mối quan hệ đối ngoại, ASEAN khẳng định cam kết tăng cường hợp tác với các đối tác đối thoại, tái khẳng định duy trì vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN trong việc định hình cấu trúc khu vực, dựa trên các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực ARF. .. Trong thông cáo chung cũng có những tuyên bố giữa ASEAN với từng nước đối tác.

Thông cáo chung AMM 50 lần này được đánh giá là có quan điểm mạnh mẽ và rất rõ ràng liên quan đến vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “không quân sự hóa và kiềm chế” trong việc thực hiện các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Thông cáo cũng khẳng định những lo ngại của một số bộ trưởng ASEAN về vấn đề cải tạo đất và những hoạt động tại các khu vực có thể làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Thông cáo cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Ngoài vấn đề Biển Đông các nước ASEAN cũng bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, cũng như đối phó với chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan và tình hình trên Biển Đông.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar, thông cáo được đưa ra là sự đồng thuận của các nước ASEAN.

"Thông cáo được đưa ra sau các cuộc thảo luận, trao đổi sâu rộng,đối thoại giữa các bên trong những cuộc họp. Vẫn có những thắc mắc về một số nội dung nhưng tôi xin khẳng định, khi thông cáo đã được đưa ra là đã dựa trên sự nhất trí và đồng thuận quan điểm giữa các nước thành viên ASEAN”, ông Robespierre Bolivar nêu rõ.

Trong ngày họp cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 5, sáng nay (7/8) Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tham gia cuộc họp ASEAN+3 với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các bên nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò của ASEAN trong khuôn khổ khung hợp tác giúp tăng cường hòa bình an ninh ổn định và thịnh vượng ở khu vực Đông Á.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kano nhấn mạnh: “Năm nay kỉ niệm 20 năm thiết lập cơ chế ASEAN+3. Nhật Bản hoan nghênh mối quan hệ hợp tác thực chất trong lĩnh vực kinh tế và tài chính giữa ASEAN và Nhật Bản trong 20 năm qua, đang có nhiều bước tiến và mang lại lợi ích cho các bên. Hiện có nhiều mối lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước ASEAN thúc đẩy cơ chế thương mại tự do và công bằng”.

Các Bộ trưởng hôm nay thông qua kế hoạch hành động cho giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022 làm nền tảng cho mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong 5 năm tới.

Chiều 7/8 tiếp tục diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Australia, New Zealand) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 24 với sự tham dự của 10 nước ASEAN và 17 đối tác.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên dự kiến làm nóng chương trình nghị sự của Diễn đàn lớn nhất khu vực này, khi ngay trước thềm Hội nghị, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố sẽ gia tăng sức ép lên Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên trong phiên thảo luận trực tiếp này.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan, các nước ASEAN cũng đã ra một tuyên bố bày tỏ quan ngại về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây, kêu gọi nước này tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Theo Phạm Hà

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm