1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thỏa thuận Brexit lần thứ 3 “tắc” ở Hạ viện: Nước Anh mất phương hướng

Nước Anh thực sự đang rơi vào tình trạng mất phương hướng sau khi thỏa thuận Brexit lần thứ 3 không thể vượt qua được ải Hạ Viện.

Tính đến ngày 29/3 - thời hạn ban đầu mà theo đó Brexit phải chính thức có hiệu lực, tiến trình vẫn đang bế tắc nghiêm trọng. Trong chiều 29/3, Hạ viện Anh đã tiến hành phiên bỏ phiếu thứ 3 về thoả thuận Brexit và cũng giống như hai lần bỏ phiếu trước, thoả thuận này lại tiếp tục bị đa số nghị sĩ Anh bác bỏ.

Thỏa thuận Brexit lần thứ 3 “tắc” ở Hạ viện: Nước Anh mất phương hướng - 1..jpg

Người dân Anh có vẻ đã quá mệt mỏi với Brexit. Ảnh: AFP/Getty.

Như vậy, sau gần 3 năm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về Brexit và 2 năm sau khi các cuộc đàm phán Brexit chính thức diễn ra, hiện tại nước Anh đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc sẽ phải rời khỏi EU mà không có bất cứ thoả thuận nào. Mọi phương án được đưa ra cho đến lúc này đều bị bác bỏ. Thoả thuận Brexit mà chính phủ Anh đã đàm phán được với EU vào cuối tháng 11/2018 đã 3 lần bị từ chối. Hôm 27/3, Hạ viện Anh nắm quyền điều khiển Brexit từ tay chính phủ Anh để tiến hành bỏ phiếu về 8 phương án thay thế do chính các nghị sĩ Anh đưa ra. Kết quả là cả 8 phương án đều bị bác bỏ. 

Vấn đề lớn nhất với nước Anh bây giờ là không có bất cứ phương án nào nhận được đa số ủng hộ tại Hạ viện và các cuộc bỏ phiếu liên miên nhiều tháng qua không tạo nên bất cứ đột phá nào. Cả hai nhánh hành pháp và lập pháp đều đang bất lực. Nước Anh thực sự đang rơi vào tình trạng mất phương hướng. Trong khi trên chính trường cả chính phủ lẫn Hạ viện đều bế tắc thì trên đường phố hàng triệu người đã xuống đường biểu tình đòi trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit, thậm chí đòi huỷ bỏ Brexit. Tuy nhiên, tạm thời thì sự bế tắc trong tiến trình Brexit chưa tạo nên các bất ổn xã hội lớn.

Câu hỏi đặt ra là trước mắt sẽ là gì? Bây giờ thì cột mốc quan trọng nhất sẽ là ngày 12/4, tức là từ nay cho đến ngày đó nếu nước Anh không tìm ra được một phương án nào khả dĩ nhận được sự ủng hộ của đa số thì vào ngày 12/4, nước Anh sẽ rời EU mà không có thoả thuận. Khi đó thì sự hỗn loạn có lẽ sẽ đến. Tất cả các bên, cả Anh và EU đều muốn tránh kịch bản đó nhưng bây giờ thì cả hai phía đều đang chuẩn bị một cách cực kỳ nghiêm túc cho tình huống đó.               

Thủ tướng Anh thấy chút “ánh sáng cuối đường hầm”?

Diễn biến cuộc bỏ phiếu lần 3 về thoả thuận Brexit vào chiều 29/3 cho thấy, mặc dù thoả thuận này tiếp tục bị bác bỏ nhưng đang có những động thái mới đáng chú ý. Thứ nhất, thoả thuận này Brexit của bà May đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.

Cụ thể, trong lần bỏ phiếu đầu tiên vào tháng 1/2019, chênh lệch giữa phe phản đối và phe ủng hộ lên tới 230 phiếu. Lần bỏ phiếu thứ hai vào hôm 12/3 vừa qua, chênh lệch này là 149 phiếu. Tuy nhiên, đến lần bỏ phiếu hôm qua, con số này được rút ngắn xuống còn 58 phiếu. Vì thế, nếu có phiên bỏ phiếu thứ 4, khả năng cao là bà May sẽ tiếp tục rút ngắn được chênh lệch này và có thể đạt được đa số cần thiết.

Trên thực tế, trong lần bỏ phiếu thứ 3 này, bà May đã thuyết phục thêm được 44 phiếu từ các nghị sĩ được gọi là “switcher”, tức là những người thay đổi quan điểm, trong đó chủ yếu là các nghị sĩ nổi loạn trong chính nội bộ đảng Bảo thủ, mà dẫn đầu là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson. Sở dĩ có điều này là do bà May đã chấp nhận hy sinh quyền lực cá nhân, khi tuyên bố là nếu các nghị sĩ chống đối này ủng hộ thoả thuận Brexit thì bà sẽ từ chức Thủ tướng Anh.

Ngoài ra, với 286 phiếu ủng hộ trong lần bỏ phiếu thứ 3, nếu so với với tất cả 8 phương án thay thế mà Hạ viện Anh đã bỏ phiếu hôm 27/3 thì thoả thuận Brexit của bà May hiện cũng là phương án có nhiều số phiếu ủng hộ nhất tại Hạ viện Anh. Nói cách khác là dù chưa thể phá vỡ thế bế tắc nhưng có vẻ như việc bà May sẵn sàng hy sinh ghế Thủ tướng Anh cũng đang hé mở các lối thoát cho Brexit hiện nay.

Trong tối 29/3, phe của bà May cũng đã tuyên bố sẽ đưa thoả thuận Brexit ra bỏ phiếu lần 4, nếu thất bại thì sẽ cho tổng tuyển cử, tức là bà May không chỉ sẵn sàng hy sinh ghế Thủ tướng của cá nhân mình mà còn sẵn sàng chấp nhận rủi ro cho đảng Bảo thủ, với mục đích chính là để lôi kéo những nghị sĩ còn phản đối bên Công đảng đối lập. Đây là một canh bạc chính trị phức tạp nhưng có thể sẽ là giải pháp khả dĩ cho Brexit hiện nay.

Theo Quang Dũng

VOV-Paris