1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria: 1 chiến trường, 2 liên minh

Liên minh “kép” giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và với Nga liệu có giúp quốc gia này tìm ra giải pháp cho tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” ở Syria?

Có 2 tiến trình quân sự đang diễn ra mà lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan mật thiết ở Syria là Manbij và Idlib.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters.

Manbij và liên minh Mỹ - Thổ

Manbij là kết quả của một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ hồi đầu tháng 6/2018 với nội dung về việc Lực lượng bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) phải rút khỏi Manbij và chuyển giao quyền kiểm soát thành phố này cho các nhóm người Arab địa phương.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang chỉ trích Mỹ trì hoãn việc thực hiện thỏa thuận này khi gần đây Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc đồng minh NATO không giữ lời hứa mà tổ chức này đã đưa ra về Manbij. Ông Erdogan cũng hối thúc Washington bằng những tuyên bố mạnh mẽ trong một bài phát biểu dài tại nghị viện ngày 1/10 khi kêu gọi Mỹ hãy "quay trở về con đường đúng đắn" trong mối quan hệ với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu, trong thông điệp mềm dẻo hơn ngày 2/10 đã nhấn mạnh đến yêu cầu của việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận mà ông đã ký với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. "Bây giờ là lúc để hoàn thành việc đưa lực lượng YPG rời khỏi Manbij và để lại khu vực này cho những người dân địa phương kiểm soát, cả trên mặt chính quyền và an ninh", ông Cavusoglu tuyên bố với báo giới. Khác với ông Erdogan, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng thỏa thuận này vẫn có hiệu lực và đang được thực hiện dù có một vài trì hoãn.

Những nhận định của ông Cavusoglu được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis thông báo rằng cuộc tuần tra chung quanh Idlib của quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm diễn ra.

Dù vậy, những tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ, rằng các cuộc tấn công quân sự tiếp theo ở Syria sẽ nhắm vào khu vực phía đông Euphrates do lực lượng YPG kiểm soát đã cho thấy tương lai mờ mịt trong quan hệ Mỹ - Thổ khi 2 quốc gia vẫn chưa nhất trí với nhau về những gì đang diễn ra ở Manbij.

Idlib và liên minh Nga - Thổ

Bối cảnh ở Idlib phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với Manbij. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vừa ký một thỏa thuận ngăn chặn cuộc tấn công quân sự trên quy mô lớn của lực lượng chính phủ Syria vào tỉnh Idlib do lực lượng nổi dậy kiểm soát, với nỗ lực nhằm tránh một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra. Trong thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm phải thuyết phục các nhóm cực đoan rời khỏi khu vực phi quân sự trước ngày 15/10 tới và yêu cầu các nhóm đối lập từ bỏ các vũ khí hạng nặng ngày 10/10.

Lực lượng quân đội và tình báo của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc giám sát quá trình rút quân của các nhóm cực đoan khỏi khu vực bị bao vây này. Tuy nhiên, những nguy cơ ở Idlib vẫn còn hiện diện và không có nhiều người cho rằng thỏa thuận này có thể ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự lớn trong thời gian dài.

Dù vậy, các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ thường thể hiện rõ sự hài lòng với vai trò can dự của Nga trong việc thực hiện thỏa thuận ở Idlib. Ông Erdogan đã có một cuộc trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc và cũng thông báo trước về Hội nghị Thượng đỉnh 4 bên sắp diễn ra về vấn đề Syria với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga tại Istanbul.

Ông đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc gặp 4 bên này, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ nằm ngoài Nhóm nhỏ về Syria (Small Group on Syria) do Mỹ thành lập với sự tham gia của 7 nước gồm: Ai Cập, Pháp, Đức, Jordan, Saudi Arabia, Anh và Mỹ.

"Giờ thì chúng ta sẽ là Nhóm nhỏ hơn (Smaller Group)", Tổng thống Erdogan khẳng định với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Berlin vào tuần trước.

Dù cả Pháp và Đức đều tham gia Hội nghị Thượng đỉnh 4 bên nhưng không có gì đảm bảo về kết quả của cuộc gặp này bởi Pháp và Đức đều là thành viên trong Nhóm nhỏ của Mỹ và 2 quốc gia này sẽ không bao giờ tham gia vào một chiến dịch ngoại giao được mô tả là sẽ chống lại Tổng thống Trump. Hơn nữa, Pháp và Đức này đều có những mối quan ngại về những mục tiêu thực tế của Tiến trình Astana.

Ngoài ra, Pháp và Đức sẽ không sẵn sàng tài trợ cho quá trình tái thiết Syria trừ khi có một sự sắp xếp về mặt chính trị đảm bảo chính phủ đủ sức đứng vững được tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Cuối cùng, hai quốc gia này chắc chắn sẽ còn phải chờ đợi những kết quả từ thỏa thuận về Idlib mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra.

Nếu như thỏa thuận này thất bại và một chiến dịch quân sự trên quy mô lớn của chính phủ Syria được Nga và Iran hậu thuẫn diễn ra thì điều này sẽ khiến tiến trình của Hội nghị Thượng đỉnh 4 bên này trở nên phức tạp hơn.

Syria hiện nay đang ở trong tình cảnh "nghìn cân treo sợi tóc" với nhiều điều không chắc chắn mà trước hết là về việc liệu liên minh đa phương của Ankara có thể đem đến giải pháp gì cho nước láng giềng phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ này.

Theo Kiều Anh

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm