1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thổ Nhĩ Kỳ mơ đế chế Ottoman mới: Cuộc chơi Qatar

Sau khi triển khai binh sĩ tại Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục thực hiện một cuộc phiêu lưu mới khi quyết định thành lập căn cứ quân sự ở Qatar.

Kẻ thù chung

Ngày 16/12, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo  nước này sẽ thành lập một căn cứ quân sự trên lãnh thổ Qatar và đây sẽ là căn cứ quân sự đầu tiên của Ankara ở nước ngoài.

Theo ông Ahmet Demirok - Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar, việc thành lập căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar là một phần của hiệp định năm 2014 và mới được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn vào tháng 6/2015.

Phát biểu trên Reuters, Đại sứ Demirok khẳng định: “Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đang phải đối mặt với những vấn đề chung, cả hai nước đều quan ngại trước những diễn biến tình hình trong khu vực và chính sách không rõ ràng của các quốc gia khác.

Thổ Nhĩ Kỳ mơ đế chế Ottoman mới: Cuộc chơi Qatar - 1

Một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chúng tôi cùng phải đấu tranh với những kẻ thù chung. Sự hợp tác giữa hai nước chúng tôi là rất cần thiết cho khu vực Trung Đông vào thời điểm đầy bất ổn như hiện nay”.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bố trí ở căn cứ này khoảng 3.000 quân của các lực lượng Hải quân, Lục quân và Không quân, các công trình quân sự cũng như lực lượng đặc nhiệm. Tuy nhiên, thời điểm mở căn cứ này vẫn chưa được tiết lộ.

Căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ dự định mở ở Qatar sẽ là căn cứ đa năng, trước mắt sẽ được sử dụng để tiến hành các đợt huấn luyện binh sỹ chung.

Ngoài ra, Qatar cũng đang nghiên cứu khả năng mở một căn cứ quân sự tương tự trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ tham vọng khôi phục đế chế Ottoman?

Các chuyên gia cho rằng đây lại tiếp tục là một cuộc phiêu lưu mới của chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đồng thời thể hiện khát vọng làm chủ Trung Đông, muốn tái lập đế chế Ottoman thống trị khu vực như trong quá khứ.  Điều này không phải là không có cơ sở.

Bởi lẽ, trước khi quyết định thành lập căn cứ quân sự tại Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đơn phương  triển khai lực lượng tới doanh trại Bashiqua, một căn cứ gần thành phố Mosul đang bị IS nắm quyền kiểm soát thuộc lãnh thổ của Iraq.

Sau động thái đầy bất ngờ này của chính quyền Ankara, Baghdad đã kịch liệt lên án và cho rằng quyết định đơn phương này của Thổ Nhĩ Kì là một hành động trái phép, xâm lược và vi phạm chủ quyền nghiêm trọng của Iraq.

Thổ Nhĩ Kỳ mơ đế chế Ottoman mới: Cuộc chơi Qatar - 2

Các chuyên gia cho rằng  quyết định lập căn cứ quân sự ở Qatar thể hiện khát vọng làm chủ Trung Đông, muốn tái lập đế chế Ottoman thống trị khu vực như trong quá khứ.

Tuy nhiên trái ngược với tuyên bố của Iraq và cộng đồng quốc tế,  Ankara tuyên bố rằng họ triển khai binh sĩ tới miền bắc Iraq do lo sợ mối đe dọa của IS đối với các binh sĩ Thổ Nhĩ Kì đang làm nhiệm vụ huấn luyện lực lượng chống khủng bố tại khu vực đó.

Ankara cũng nhấn mạnh rằng hành động này được thực hiện theo đề nghị của chính phủ Iraq và tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận trước đó giữa 2 nước.

Thực tế cho đến thời điểm này, những mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq vẫn tồn tại và khó lòng giải quyết nếu như Ankara cương quyết không rút quân khỏi lãnh thổ Baghdad.

Còn nhớ hồi tháng 2, Thổ Nhĩ Kỳ không đợi Damascus cho phép và đã đơn phương khởi động một chiến dịch “giải cứu” tiến đến khu lăng mộ để thu gom di vật và sơ tán 40 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang canh giữ một khu đền.

Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad cáo buộc Ankara vi phạm chủ quyền của Syria và cảnh báo rằng nước ông có quyền tự vệ.

“Damascus có quyền tự bảo vệ lãnh thổ của mình và đáp trả xứng đáng hành vi xâm lược này vào đúng lúc,” ông nói với kênh truyền hình Arab Al Mayadeen.

Vai trò của Mỹ: Hối thúc và... kêu gọi

Trong một động thái có liên quan, mới đây Mỹ đã lên tiếng hối thúc Thổ Nhĩ Kì rút lực lượng binh sĩ triển khai “trái phép” khỏi miền bắc Iraq, đồng thời kêu gọi Ankara tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi về vấn đề liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kì triển khai quân tại Iraq.

Sau cuộc nói chuyện này, Nhà Trắng đã đưa ra những tuyên bố khẳng định lập trường cứng rắn của mình đối với việc Ankara đưa 150 binh sĩ cùng với pháo binh và 25 xe tăng tới doanh trại Bashiqua của Iraq.

Tuyên bố nêu rõ: “Phó Tổng thống Biden đã tái khẳng định lại cam kết của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, kêu gọi Thổ Nhĩ Kì cũng nên làm như vậy bằng cách rút mọi lực lượng quân sự không được chính phủ Baghdad cho phép ra khỏi lãnh thổ Iraq”.

Thổ Nhĩ Kỳ mơ đế chế Ottoman mới: Cuộc chơi Qatar - 3

Mỹ đã lên tiếng hối thúc Thổ Nhĩ Kì rút lực lượng binh sĩ triển khai trái phép khỏi miền bắc Iraq, đồng thời kêu gọi Ankara tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq.

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra hai ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ gặp gỡ Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu. Nhấn mạnh đến cam kết hợp tác chặt chẽ  giữa Washington với cả Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS, ông Biden đề nghị Ankara tiếp tục đối thoại với Baghdad.

“Phó Tổng thống khẳng định rằng bất kỳ sự hiện diện của quân đội nước ngoài nào ở Iraq cũng cần phải được sự cho phép của chính phủ nước này”, tuyên bố của Nhà Trắng cho hay.

Trước đó, Baghdad cũng đã kêu gọi NATO có những động thái mạnh mẽ đối với hành vi xâm phạm trắng trợn lãnh thổ Iraq của Ankara.

"Tổ chức NATO phải dùng quyền lực của liên minh để yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ lập tức rút quân khỏi lãnh thổ Iraq", Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi từng tuyên bố.

Theo Trung Hiếu (Tổng hợp)

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm