1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào miền Bắc Iraq: Nói dễ hơn làm

(Dân trí) - Trong một động thái được coi là để chiều lòng công luận trong nước và phớt lờ sự phản đối của phương Tây và Iraq, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/10 đã <a href="http://www11.dantri.com.vn/Thegioi/2007/10/201858.vip">bỏ phiếu thông qua</a> yêu cầu của chính phủ, cho phép mở các chiến dịch quân sự vào miền Bắc Iraq để tiêu diệt quân nổi dậy thuộc Đảng Công Nhân người Kurd (PKK).

Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây là một việc nói dễ hơn làm. Và nếu làm thì ngoài khả năng trấn an dư luận trong nước, hiệu quả về mặt quân sự sẽ chẳng thu được bao nhiêu.

Hiệu quả thấp

Theo giới phân tích, với những căn cứ nằm sâu trong lãnh thổ Iraq và ở những khu vực khó tiếp cận, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó có thể đánh quỵ được các phiến quân PKK trong một sớm một chiều. Bởi lực lượng này không có vũ khí hạng nặng nên khả năng cơ động rất cao.

 

Trên thực tế, trước quyết định này, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã từng có tới 24 lần ra và vào miền Bắc Iraq kể từ năm 1984. Hiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang triển khai một lữ đoàn chiến đấu thường trực ở phía bên kia biên giới theo một thỏa thuận ký kết với Iraq vào đầu những năm 1990.

 

Để bảo đảm thành công, Ankara cần được sự ủng hộ của người Kurd Iraq và quân đội Mỹ - điều rất khó xảy ra - vì các tay súng PKK sẽ dễ dàng tẩu thoát theo các tuyến đường phía Nam miền Bắc Iraq trước khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các đợt truy kích.

 

Bài học trên được rút ra từ những năm 1990 khi Thổ Nhĩ Kỳ điều động 35.000 quân trong một chiến dịch quy mô vượt biên giới: thay vì tiêu diệt "tận gốc" lực lượng của PKK, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ phá hủy được các cơ sở hạ tầng nghèo nàn của nhóm phiến quân này. Và trong mọi trường hợp, PKK chỉ đợi Thổ Nhĩ Kỳ rút quân để quay lại củng cố các doanh trại của mình.

 

Nhà phân tích có trụ sở tại Istanbul, ông Jerome Bastion cho biết một chiến dịch mới, nếu diễn ra, sẽ không thể chấm dứt theo hình thức đánh nhanh rút gọn. Ông nói: “Việc săn lùng phiến quân không hề dễ dàng, họ sẽ ‘tan biến’ vào dân chúng. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đương đầu với lực lượng quân sự người Kurd Iraq có kỷ luật tốt đang kiểm soát khu vực”.

 

Ông Bastion cho biết chiến dịch này sẽ chẳng đi đến đâu nếu không thiết lập được một khu vực đệm giữa biên giới hai nước, nhằm ngăn không cho các phiến quân Kurd xâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, có lẽ cũng cảm nhận được khó khăn này. Phát biểu sau khi Quốc hội phê chuẩn quyết định trên với đa số áp đảo, ông này nói rằng việc thông qua quyết định này không có nghĩa Arkara sẽ gửi ngay lập tức 60.00 quân sang tới miền Bắc Iraq. Có vẻ như ông Erdogan vẫn cân nhắc về giải pháp quân sự, bởi nó có thể dẫn đến tình trạng sa lầy và gây ra những vấn đề nghiêm trọng về ngoại giao và kinh tế.

 

Hậu quả “nhãn tiền”

 

Mặc dù, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cùng là thành viên của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong hơn nửa thế kỷ qua, nhưng quan hệ giữa hai nước đã bị xấu đi do việc Quốc hội nước này không cho phép quân đội Mỹ lấy lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ làm bàn đạp để lật đổ cựu Tổng thống Saddam Hussein. Trong khi đó, người Kurd lại là một đồng minh mạnh của Mỹ trong bức tranh Iraq và Washington dường như sẽ không ngồi yên trước bất kỳ động thái nào có nguy cơ gây ra bất ổn tại khu vực vốn được coi là yên bình nhất ở quốc gia Trung Đông này.

 

Ông Sedat Laciner, Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ trở ở Ankara cho biết việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào miền Bắc Iraq có thể bị “bên ngoài” coi là xâm lược và chiến đóng, điều sẽ làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc qua biên giới. Hiện ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, còn có khoảng 4 triệu người Kurd đang sinh sống ở Iran, khoảng 2 triệu người sống ở Syria và khoảng 5 triệu người sống ở miền Bắc Iraq.

 

Ngoài ra, theo ông Laciner, chi phí để Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công vào miền Bắc Iraq có thể lên tới 10 tỷ USD. Chưa kể nó có có thể ảnh hưởng tới nỗ lực trở thành một thành viên EU của Ankara.

 

Ông David Moore, nhà chiến lược hàng hoá làm việc tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia ở Sydney nói: "Bất cứ khi nào có sự leo thang căng thẳng chính trị ở Trung Đông, các thị trường dầu mỏ đều bị tác động. Người ta lo ngại việc sản xuất dầu mỏ và các đường ống dẫn dầu có thể bị ảnh hưởng nếu có bất kỳ vấn đề gì ở Iraq".

 

Ông Gazi Ercel, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng việc đưa quân vào Iraq có thể khiến thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ và đồng tiền của nước này yếu đi, cũng như làm các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại và coi Thổ Nhĩ Kỳ như một "địa điểm làm ăn nhiều rủi ro".

 

Trong khi đó, Giáo sư Llter Turan, một nhà phân tích hàng đầu về Thổ Nhĩ Kỳ và là Phó Chủ tịch của Hiệp hội Khoa học Chính trị Quốc tế, cho rằng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn khả năng giải quyết được các bất đồng tại miền Bắc Iraq mà không cần tới một một chiến dịch quân sự.

 

Ông Turan nói: “Mỹ có thể làm điều này bằng cách gây sức ép buộc người Kurd Iraq bắt và giao cho Thổ Nhĩ Kỳ một hoặc hai lãnh đạo của PKK. Điều này sẽ giúp xoa dịu dư luận của Thổ Nhĩ Kỳ và tránh được một chiến dịch quân sự của Ankara”.

 

Giới phân tích cho rằng, trước những hậu quả “nhãn tiền” mà hiệu quả lại không đáng kể như trên, việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phát động một chiến dịch quân sự lớn vào miền Bắc Iraq có lẽ sẽ chưa diễn ra. Trước mắt, Chính phủ chỉ Thổ Nhĩ Kỳ có thể chỉ tiến hành những chiến dịch quân sự ở quy mô rất hạn chế trong khi sẽ nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhằm giải tỏa cuộc khủng hoảng hiện nay.

 

Kiến Văn