1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ đấu Nga: Kích hoạt phong tỏa tử huyệt Crimea?

Các chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch trả thù Nga khi quyết định viện trợ cho người Tatar phong tỏa bán đảo Crimea.

Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ cho người Tatar phong tỏa bán đảo Crimea

Hãng tin RIA Novosti của Nga ngày 26/12/2015 dẫn lời ông Lenur Islyamov, một trong những người tổ chức chiến dịch phong tỏa bán đảo Crimea cho biết,  Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự cho tiểu đoàn tình nguyện mang tên Noman Celebicihan đang được thành lập ở Ukraine, gồm nhiều thành viên là người Tatar Crimea.

“Ngày thứ sáu vừa qua (24/12), chúng tôi đã nhận được lô quân trang đầu tiên từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Ukraine hiện nay không có khả năng trang bị, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi đang nhận được 250 bộ quân phục, ủng”, Lenur Isliamov tuyên bố.

Theo ông Islyamov dự kiến trong tương lai gần Ankara sẽ cung cấp quân phục và giày bốt cho tiểu đoàn Noman Celebicihan gồm khoảng 560 người. Lực lượng này đến ngày 15/1/2016  sẽ được chính quyền Kiev cấp phiên chế như một đơn vị quân đội để "lách luật" không vi phạm thỏa thuận Minsk.

Mục đích chính của kế hoạch này là "bảo vệ bán đảo Crimea ngay trong lòng bán đảo" và "sẵn sàng tấn công các mục tiêu" nếu cần thiết.

Ngoài ra, Islyamov cũng nhấn mạnh rằng họ cần tiếp tục mở rộng các sáng kiến, bổ sung lực lượng đường thủy để thực hiện kế hoạch phong tỏa trên nhiều mặt.

Islyamov cũng không giấu giếm nói rằng nếu họ có các tàu nhỏ, họ sẵn sàng tấn công các tàu lớn chở hàng hóa, nhu yếu phẩm đến Crimea.

Thổ Nhĩ Kỳ đấu Nga: Kích hoạt phong tỏa tử huyệt Crimea? - 1

Thổ Nhĩ Kỳ quyết định viện trợ cho người Tatar ở Ukraine nhằm phong tỏa bán đảo Crimea.

Tuần trước, truyền thông Ukraine  và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng loạt đưa tin , Tổng thống Erdogan đã có cuộc gặp gỡ với hai chính trị gia Ukraine là Mustafa Dzhemilev và Refat Chubarov, những người được xem là đứng đằng sau kế hoạch âm mưu phong tỏa bán đảo Crimea.

Ông Sergey Menyailo, Tỉnh trưởng tỉnh Sevastopol của Crimea đã phản ứng gay gắt trước quyết định này của Ankara.

Ông nêu rõ: “Đây là hành động không đúng đắn. Đây là cú “đâm sau lưng” tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đang cho thấy bộ mặt thật của mình. Bộ mặt thật đã một lần được bày ra khi nước này bắn hạ máy bay của Nga”.

Còn Chủ tịch Ủy ban an ninh và chống tham nhũng thuộc Hạ viện Nga Irina Yarovaya cho rằng uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tiếp tục bị hủy hoại nếu như Ankara thực sự hỗ trợ cho các phần tử “phá hoại” ở Ukraine.

Theo bà Yarovaya, Thổ Nhĩ Kỳ đang “tiếp tục củng cố hình ảnh của một kẻ đồng lõa (với khủng bố) và kẻ phản bội”.

Đòn trả đũa vụ người Kurd

Quyết định viện trợ cho người Tatar phong tỏa bán đảo Crimea của chính quyền Tổng thống Erdogan được đưa ra trong bối cảnh những căng thẳng giữa Ankara và Moskva tiếp tục gia tăng sau hành động đơn phương bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga hôm 24/11.

Các chuyên gia cho rằng, Ankara dường như đang muốn lợi dụng Ukraine trong kế hoạch này để trả đũa điện Kremlin khi cố tình thọc sâu vào tử huyệt Crimea. Điều này không phải là không có cơ sở.

Thực tế kể từ khi bị Nga tiến hành các biện pháp cấm vận, trừng phạt về kinh tế, quân sự, ngoại giao, du lịch, chính quyền Tổng thống Erdogan đã rơi vào tình thế khủng hoảng trầm trọng.

Thổ Nhĩ Kỳ đấu Nga: Kích hoạt phong tỏa tử huyệt Crimea? - 2

Nhóm của Lenur Islyamov đã phá hoại dường dây dẫn điện tới Crimea

Không những thế, Moskva đã lợi dụng triệt để điểm yếu của Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng người Kurd để thọc sâu và tung ra các đòn phản công khiến giới chức Ankara trở tay không kịp.

Trong khi chính quyền Tổng thống Erdogan coi lực lượng này là kẻ thù đe dọa nền hòa bình và ra sức tìm cách ngăn cản, tiêu diệt thì Moskva lại ra sức ủng hộ và đẩy mạnh hợp tác với tổ chức bán quân sự này.

Liên minh mới giữa Nga và lực lượng người Kurd đã giáng một đòn chí mạng vào tham vọng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

Chính vì thế, nhằm tránh những bất lợi có thể tiếp tục xảy đến với mình và trả đũa ngược lại chính quyền Tổng thống Putin, giới chức Ankara đã nhanh chóng hướng đến Kiev, coi như là một đồng minh chiến lược trong các kế hoạch đối phó với lại điện Kremlin.

Hành động viện trợ, hợp tác này đã được giới chức Ankara tiến hành áp dụng nhiều lần trước đó với chính quyền Kiev.

Còn nhớ, hôm 29/11, đúng 5 ngày sau khi xảy ra mâu thuẫn với Moskva, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng bắt tay với Kiev khi quyết định sẽ tăng cường phối hợp xây dựng ngành công nghiệp hải quân để tăng cường an ninh và bảo vệ vùng lãnh hải trên biển Đen.

Hay ngày 17/12 vừa qua trong cuộc gặp gỡ với Bộ Quốc phòng Ukraine, giới chức Ankara cũng mạnh mẽ tuyên bố ủng hộ các kế hoạch quân sự của nước này, đồng thời đề nghị Kiev giúp đỡ để chống lại cuộc chiến tuyên truyền của Moskva.

"Mới đây, các đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi yêu cầu đề nghị chúng tôi giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại các thông tin sai lệch mà phía Nga đưa ra", Thứ trưởng Bộ Thông tin Ukraine Tatyana Popova cho biết

Rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn dùng Ukraine làm lá chắn để gia tăng thêm sức ép và ngăn cản các nỗ lực của điện Kremlin tại Crimea, thông qua đó để tự cứu mình.

Ukraine cho phép hàng nghìn lính NATO vào lãnh thổ diễn tập

Theo Sputnik của Nga, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 26/12 đã thông qua một kế hoạch cho phép các lực lượng vũ trang nước ngoài tham gia tập trận ở nước này trong năm 2016, theo đó sẽ cho phép hàng nghìn binh sỹ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể tham gia diễn tập.

Sắc lệnh được đăng tải trên trang mạng chính thức của Tổng thống Poroshenko nêu rõ: “Kế hoạch tập trận đa phương với sự tham gia của các đơn vị thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine trên lãnh thổ nước này và sự tham gia của họ trong các cuộc tập trận đa phương bên ngoài Ukraine trong năm 2016 đã được thông qua.”

Như vậy, sẽ có tới 5.000 quân của các thành viên của NATO cũng như các nước là một phần trong chương trình Hòa bình và Đối tác mở rộng của NATO được phép tham gia tập trận trên lãnh thổ Ukraine trong năm 2016.

Sắc lệnh này cũng quy định rằng các vũ khí và trang bị quân sự, bao gồm 12 máy bay và trực thăng, có thể được sử dụng trong các cuộc tập trận.

Năm 2015, Ukraine là chủ nhà của một loạt cuộc tập trận của NATO, bao gồm các cuộc diễn tập hải quân Saber Guardian/Rapid Trident-2015 và Sea Breeze.

Là một phần trong chương trình hỗ trợ an ninh được triển khai năm 2014, Mỹ đã cử hàng trăm nhân viên huấn luyện quân sự tới Ukraine.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga khuyến cáo các thành viên của NATO cần phải nhận thấy rằng các cuộc tập trận ở Ukraine có thể hủy hoại giải pháp hòa bình dành cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Theo Lương Sơn (Tổng hợp)

Đất Việt