Ukraine sắp hết võ đòi Crimea từ tay Nga
Theo tin mới nhất, dòng điện từ Nga đã được nối thông sang Crimea, khiến việc Ukraine cắt điện bán đảo này để gây sức ép trở nên vô nghĩa.
Luồng điện đầu tiên từ lãnh thổ Nga tới Crimea
Truyền thông Liên bang Nga và truyền thông địa phương Crimea vừa cho biết, vào đêm ngày 2-12 nhân dân nơi đây đã bày tỏ sự hân hoan trong lễ hội “Đêm Ánh sáng ở Crimea”, khi bán đảo nhận dòng điện đầu tiên qua cầu năng lượng nối từ lãnh thổ Liên bang Nga sang.
Vào buổi tối thứ 2-12, Crimea bắt đầu nhận được điện qua cầu năng lượng từ phần đất mẹ Nga. Trước đó, đẻ thực hiện việc khởi động việc cung cấp điện cho Crimea từ lưới điện toàn Liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện nhiều chuyến đi đặc biệt đến bán đảo.
Như vậy, sau hơn một tuần lễ không điện và bị tách biệt khỏi lưới điện Ukraine, từ nay Crimea đã được kết nối vào nguồn điện cung cấp toàn Nga, nhờ kết nối với “cầu năng lượng”, tức là hệ thống đường dây chuyển tải được xây dựng ngầm dưới đáy eo biển Kerch.
Việc vận hành dòng điện đầu tiên qua cầu năng lượng tạo điều kiện để chuyển 200 MW điện sang bán đảo Crimea, khối lượng này đã đạt đủ vào ngày 3 tháng 12.
Theo lời Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Aleksandr Novak, tới 20 tháng 12, cơ quan điện lực nước này sẽ chính thức kết nối tuyến thứ hai, cũng có công suất truyền tải 200 MW, nâng tổng số điện lượng cung cấp lên 400 MW, hoàn thành giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch xây dựng cầu năng lượng.
Theo nhà lãnh đạo cơ quan điện lực Nga, số lượng bổ sung 400 MW điện theo cầu năng lượng đến Crimea từ Kuban sau ngày 20 tháng 12 sẽ cho phép đảm bảo tới 80-90% nhu cầu tiêu thụ điện trên toàn bán đảo này của nước Nga.
Ukraine đã bắt đầu hòa lưới điện quốc gia Nga (Ảnh minh họa)
Bộ trưởng Novak cho biết, nếu điều tiết hợp lý, khối lượng điện này sẽ đáp ứng đủ yêu cầu điện cho toàn bộ các hoạt động của bán đảo.
Giai đoạn thứ 2 trong kế hoạch xây dựng cầu năng lượng nối bán đảo Crimea với hệ thống truyền tải điện Liên bang Nga với công suất thêm 400 MW nữa sẽ được hoàn tất vào tháng 5 năm 2016. Khi đó, dân chúng trên bán đảo sẽ thừa thãi điện sử dụng và phục vụ cho phát triển kinh tế.
Vừa qua, hệ thống năng lượng Crimea suốt hơn một tuần lễ làm việc trong chế độ cô lập. Toàn bộ bán đảo bị mất điện trong đêm 22 tháng 11 do kết quả của vụ phá hoại hai tháp tải điện ở Ukraine. Chính quyền Crimea đã ban hành chế độ tình trạng bất thường và lịch cúp điện khẩn cấp.
Theo giới truyền thông, các nhà hoạt động xã hội theo đường lối dân tộc quá khích, với sự hậu thuẫn của phần tử thuộc các tổ chức dân cực đoan Ukraine như “Khu vực cánh hữu” (Pravyi Sector) còn tổ chức lực lượng ngăn cản việc nhân viên điện lực sửa chữa trụ điện và đường dây cáp điện bị hỏng.
Ngay sau đó, Bộ Các tình huống khẩn cấp LB Nga đã điều điều một máy bay vận tải Il-76 chuyển đến Simferopol 300 máy phát điện di động, với công suất 30 kW/chiếc, phân phối đến các cơ sở xã hội quan trọng như cơ quan chính quyền, trường học, bệnh viện, cơ quan quân đội…
Ukraine cắt điện và ngừng vận chuyển hàng hóa tới Crimea
Vào hôm 23-11, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã ra lệnh ngừng tất cả các loại hình vận chuyển và ngừng cung cấp tất cả các loại hàng hóa tới Crimea, trong bối cảnh người dân trên bán đảo đang sống rất khó khăn trong tình cảnh không có điện, toàn bộ các cơ sở sản xuất đang đình trệ.
Tuyên bố của ông Yatsenyuk nhấn mạnh, quyết định này chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, ông này cũng đã yêu cầu Nội các chuẩn bị một bản dự thảo để tiến tới… “dừng toàn bộ” hoạt động vận chuyển hàng hóa và cung cấp dịch vụ từ Ukraine tới Crimea.
Được biết đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Ukraine thực hiện các chính sách phong tỏa Crimea nhằm mục đích “đòi bán đảo từ tay Nga”.
Thậm chí, Kiev còn đe dọa bỏ tù những công dân Ukraine đến du lịch ở Crimea, cấm tàu thuyền du lịch nước ngoài cập các cảng Crimea, cấm các đoàn đại biểu nghị viện các nước Pháp, Italia sang thăm bán đảo, lên án các chuyến thăm và làm việc của nguyên thủ cùng lãnh đạo các ban ngành Nga.
Chính quyền Kiev cũng đã từng nhiều lần cắt điện, cắt nước ngọt, làm ngơ cho các phần tử dân tộc cực đoan thuộc tổ chức “Khu vực cánh hữu” (Pravyi Sector) phong tỏa các tuyến đường vận tải trên bộ và trên biển tới Crimea nhằm bóp nghẹt cuộc sống của nhân dân nơi đây.
Kiev giải thích rằng, những hành động này là nhằm khơi dậy sự bức xúc của nhân dân trên bán đảo với chính quyền Nga, tạo dư luận chống đối sự trở về Nga của Crimea, nhằm đòi lại bán đảo từ tay Moscow.
Bán đảo Crimea sẽ dần thoát sự phụ thuộc vào Kiev
Tuy nhiên, những biện pháp đánh vào đời sống nhân dân đã phản tác dụng, càng làm gia tăng sự căm phẫn của nhân dân nơi đây với chính quyền Kiev, củng cố lòng tin và quyết tâm hướng về đất mẹ Nga.
Được biết, tuy Crimea đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga vào tháng 3-2014 nhưng trong hơn 1 năm rưỡi qua, bán đảo này vẫn phải phụ thuộc vào điện năng, nguồn nước và cung cấp nhu yếu phẩm cung cấp từ các tỉnh miền nam Ukraine, khiến Kiev nhiều lần lợi dụng tình thế để o ép.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Nga đã triển khai kế hoạch toàn diện để thay thế những mảng còn phụ thuộc vào Kiev. Việc hoàn tất cung cấp điện cho Crimea chỉ là viên gạch đầu tiên trong kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế toàn diện trên bán đảo.
Hiện Nga còn đang xây dựng cầu nối lục địa Nga với Crimea ở đoạn eo biển Kerch và xây dựng đường dẫn nước, chạy ngầm dưới đáy biển qua eo biển này. Dự kiến đến hết năm 2016 khi cầu và hệ thống cấp nước hoàn thành, bán đảo này sẽ chấm dứt phụ thuộc vào Ukraine.
Khi đó, Kiev không còn nắm được điểm yếu nào của Moscow để đòi Crimea từ tay Nga.
Theo Huy Bình
Đất Việt