1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ: Biểu tình chống chính phủ ngày càng dữ dội

(Dân trí) – Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo sang ngày thứ 4 và có phần dữ dội hơn. Đã có 2 người biểu tình thiệt mạng và 8 người khác bị thương nặng. Công đoàn nước này quyết định đình công 2 ngày để phản đối chính phủ.

Theo hãng tin AP, lực lượng cảnh sát chống bạo động Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày hôm qua đã liên tục bắn đạn hơi cay về phía người biểu tình trong khi bạo lực tiếp tục leo thang.

Bạo lực tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài 4 ngày
Bạo lực tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài 4 ngày

Thủ tướng nước này, ông Recep Tayyip Erdogan đã bác bỏ yêu sách của những người biểu tình đòi ông phải từ chức và cho rằng các cuộc biểu tình bị phe đối lập xúi giục. Trong khi đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul lại ngợi khen hầu hết những người biểu tình hòa bình như một cách thức thể hiện quyền dân chủ.

Trong năm tới, hai chính trị gia này có thể sẽ chạy đua với nhau trong cuộc bầu cử Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ hôm thứ Sáu tuần trước, đất nước nằm vắt qua hai lục địa Á – Âu này đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình sau khi cảnh sát dùng vũ lực giải tán một cuộc biểu tình ngồi hòa bình tại quảng trường Taksim. Họ tụ tập để phản đối kế hoạch phá bỏ khu công viên Gezi để xây dựng các trung tâm thương mại, văn hóa, đền thờ Hồi giáo…của chính phủ.

Kể từ đó đến nay, các cuộc biểu tình, chủ yếu do những người theo tư tưởng thế tục tiến hành, đã leo thang trở thành những cuộc bạo động chống chính phủ nghiêm trọng nhất nước này nhiều năm qua. Đến tận đêm qua, theo giờ địa phương, xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình vẫn diễn ra cả tại Istanbul lẫn thủ đô Ankara.

Tại Istanbul, thành phố lớn nhất nước này, khắp các đường phố tại khu Besiktas bị phủ một màn khói hơi cay dày đặc. Lực lượng chức năng đã dùng vòi rồng để đẩy lùi đám đông. Trong khi đó tại quảng trường Taksim, người biểu tình đang thay phiên nhau dựng lên rào chắn bằng những ô tô, xe buýt bị đập phá, để ngăn lực lượng chức năng tiến vào.

Tại Ankara, người biểu tình đồng loạt hô vang đòi ông Erdogan từ chức.

Trong ngày hôm qua, tình hình bất ổn đã khiến thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc 10,5% do các nhà đầu tư ngày càng lo lắng.

Hiệp hội bác sỹ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một người biểu tình đã thiệt mạng sau khi một chiếc xe lao thẳng vào đám đông tại Istanbul. Trong khi đó văn phòng thị trưởng thành phố khẳng định đây chỉ là một tai nạn. Các bác sỹ cũng cho biết có 8 người bị thương tại Ankara đang trong tình trạng nguy kịch.

Thủ tướng Erdogan quyết không từ chức
Thủ tướng Erdogan quyết không từ chức

Tại thành phố Antakya ở miền Nam nước này, chính quyền thành phố xác nhận một thanh niên 22 tuổi, thành viên của đảng Cộng hòa nhân dân đối lập đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình.

Người biểu tình đang thể hiện sự giận dữ đối với ông Erdogan, người bị cho là đang ngày càng độc tài. Nhiều người cáo buộc ông cố áp đặt quan điểm bảo thủ, thiên về Hồi giáo lên cuộc sống của những người thế tục tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù bác bỏ cáo buộc này, ông Erdogan cho rằng các cuộc biểu tình chủ yếu do mục đích chính trị. “Các cuộc biểu tình không phải vì những quảng trường hay cây xanh. Một số đảng đang không hài lòng về kết quả bầu cử”, vị thủ tướng khẳng định trong chuyến thăm Monaco. “Tình hình đã yên ắng hơn nhiều. Tôi nghĩ mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường. Các cuộc biểu tình không xảy ra khắp Thổ Nhĩ Kỳ mà chỉ tại một số thành phố lớn”.

Công đoàn đình công

Dù vậy, tình hình có lẽ không sớm yên tĩnh như mong muốn của ông Erdogan. Theo BBC, nhiều người lao động trong khu vực công đã quyết định tiến hành đình công 2 ngày, bắt đầu từ hôm nay, để ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Liên minh công đoàn cánh tả Kesk, đại diện cho khoảng 240.000 công nhân đã cáo buộc chính phủ phạm tội “khủng bố quốc gia”.

Các cuộc biểu tình này dự kiến sẽ khiến nhiều trường học, trường đại học và cơ quan chính phủ phải đóng cửa.

Trong thông báo của mình Kesk khẳng định: “Những hành động khủng bố quốc gia chống lại người biểu tình hoàn toàn hòa bình vẫn đang tiếp diễn theo hướng có thể đe dọa tới sinh mạng của người dân”. Liên minh đại diện cho 11 tổ chức công đoàn này cáo buộc chính phủ làm xói mòn sự dân chủ.

Theo giới chức địa phương, đến nay đã có 1700 người biểu tình bị bắt giữ tại 67 thành phố và thị trấn. Tuy nhiên nhiều người đã được trả tự do sau đó.

Một số hình ảnh về các cuộc biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ

Khẩu hiệu đòi ông Erdogan từ chức xuất hiện khắp nơi
Khẩu hiệu đòi ông Erdogan từ chức xuất hiện khắp nơi
Khẩu hiệu đòi ông Erdogan từ chức xuất hiện khắp nơi
Khẩu hiệu đòi ông Erdogan từ chức xuất hiện khắp nơi
Khẩu hiệu đòi ông Erdogan từ chức xuất hiện khắp nơi
Khẩu hiệu đòi ông Erdogan từ chức xuất hiện khắp nơi

Khẩu hiệu đòi ông Erdogan từ chức xuất hiện khắp nơi
Thanh Tùng


Thanh Tùng
Theo AP, BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm