1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thổ đường hoàng vào Idlib/Syria: Đòn độc, hiểm của Erdogan

Khác với đợt tung quân vào Aleppo, với thỏa thuận lập 4 vùng an ninh, Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp pháp hóa sự hiện diện quân sự của họ ở Idlib/Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tung quân vào Idlib

Theo một nguồn tin mới nhất của kênh truyền hình al-Mayadeen ở Beirut (thân Syria) dẫn lời các nhà hoạt động giấu tên, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi điện tín cho các phiến quân đối lập ở Idlib, thông báo rằng, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vào Idlib.

Al-Mayadeen cho biết, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố trong điện tín rằng, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai tại các làng biên giới trong tỉnh bằng xe thiết giáp và bộ binh, trong khi các nhân viên kỹ thuật cũng sẽ tìm cách phục hồi cơ sở hạ tầng nước và điện.

Bức điện tín thúc giục các chiến binh không được xem quân đội Thổ Nhĩ Kỳ như là lực lượng chiếm đóng, đồng thời nó cũng đưa ra "cảnh báo an ninh" sẽ đập tan bất kỳ sự chống đối nào.

Báo cáo trích lời một sĩ quan Syria ly khai sang hàng ngũ đối lập xác nhận việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị vào Idlib và thiết lập căn cứ quân sự ở đó. Trước đó, một phái viên từ Ankara đã đích thân chuyển tải thông điệp này trong một cuộc họp với các thủ lĩnh khủng bố và phiến quân đối lập ở Idlib.

Bản báo cáo cũng tuyên bố rằng, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tấn công nhóm khủng bố liên kết với al-Qaeda là Fatah al-Sham (tức al-Nusra) ở Idlib, mà tìm cách “giải quyết ngoại giao” vấn đề này, bằng cách yêu cầu các tay súng của nhóm khủng bố rời khỏi Idlib và chuyển giao các vị trí của chúng cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.

Được biết, Fatah al-Sham không được xếp vào hàng ngũ các nhóm đối lập được tham gia vào thỏa thuận thành lập 4 vùng an ninh trên lãnh thổ Syria. Do đó, nếu Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Idlib thì việc đầu tiên của họ sẽ là tấn công al-Nusra chứ không phải “đuổi khéo” chúng đi để chiếm đất.

Tuy nhiên, văn phòng Thống đốc Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ (đối diện Idlib của Syria) đã phủ nhận hoàn toàn bản báo cáo của giới truyền thông và cho đó là những thông tin bịa đặt.

"Những thông tin được một số trang web tiếng Ả Rập và các tài khoản truyền thông xã hội phát ra, có liên quan đến việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến vào khu vực tỉnh Idlib của Syria là không phản ánh sự thật" - tuyên bố của Thống đốc Hatay cho biết.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tung quân sang tỉnh Idlib của Syria
Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tung quân sang tỉnh Idlib của Syria

Một cơ sở khác là theo thông tin của truyền thông Israel, khu vực Damascus (gần biên giới Lebanon) và phía Nam Syria (giáp với Israel) có thể sẽ do phái đoàn quân sự của Iran (gồm cả lực lượng Hezbollah mới chịu sự chỉ huy thống nhất của Tehran) đảm trách, do đó, thông tin khu vực Idlib sẽ có sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là điều hợp logic.

Xét theo tình hình thực tế trên chiến trường Syria và thỏa thuận về 4 khu vực thu hẹp xung đột ở Syria thì điều này hoàn toàn có thể trở thành sự thật bởi Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã muốn can thiệp sâu vào tình hình Syria, mà minh chứng rõ ràng nhất là việc nước này xâm nhập vào tỉnh Aleppo, phía Bắc Syria.

Trước đây, vào ngày 5/4, báo Đất Việt cũng đã có bài bình luận mang tiêu đề “Thổ Nhĩ Kỳ tung quân vào Idlib, đánh khu tự trị Afrin? ” bàn về những phương án mở chiến dịch quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, trong đó đặc biệt chú ý tới kịch bản chính quyền Erdogan tung quân vào Idlib để thực hiện sứ mệnh “gìn giữ hòa bình” ở Syria.

Và với những thông tin mà giới truyền thông mới đưa ra, kịch bản này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế.

Tóm lược 4 kịch bản quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

Một là: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia trực tiếp vào chiến dịch giải phóng Raqqa:

Ankara đã không dưới 1 lần bày tỏ ý định tham gia chiến dịch giải phóng Raqqa. Tuy nhiên, kịch bản này rất khó xảy ra bởi cả Mỹ và người Kurd đều đã cự tuyệt nguyện vọng của ông Erdogan, bởi Mỹ luôn coi các khu tự trị của người Kurd là lãnh địa của họ, với không dưới 6 căn cứ quân sự đang được thiết lập.

Thậm chí Mỹ còn điều quân đến trấn thủ các khu vực kiểm soát của người Kurd - đối thủ mà Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố là “không đội trời chung” - để ngăn chặn chính quyền Erdogan “làm liều” và người Kurd yên tâm tập trung vào chiến dịch giải phóng Raqqa. Do đó, khả năng hiện diện quân sự của Thổ ở thành phố được coi là “thủ đô không chính thức” của IS là bằng 0.

Cùng giống như phương án 1, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó có thể thực hiện được phương án 2, bởi cũng như Mỹ, dường như Nga luôn cảnh giác đối với tham vọng của Thổ nên họ đã điều một nhóm quân và xe bọc thép đến Afrin nhằm “giám sát lệnh ngừng bắn” ở khu vực này.

Trong bối cảnh Ankara chính là một bên bảo lãnh cho lệnh ngừng bắn ở khu vực Aleppo trong cuộc hội đàm ở Astana lần trước, ông Erdogan cũng không thể liều lĩnh tung quân đánh người Kurd ở khu tự trị Afrin, tự mình phá vỡ lệnh ngừng bắn do mình khởi xướng. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thực hiện phương án này.

Thứ ba là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tung quân sang Idlib để đánh tới Raqqa:

Theo phương án này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tung quân sang tỉnh Idlib của Syria, mượn cớ chống khủng bố IS để đánh sang hướng Đông nhằm tiến tới Raqqa. Mục đích của Ankara là ngăn chặn người Kurd tiếp tục chiếm nốt toàn tỉnh Raqqa hoặc tràn xuống Deir Ezzor, mở rộng khu tự trị.

Tuy nhiên, có vẻ như Washington đã đề phòng Ankara khi vào cuối tháng 3, Mỹ đã dùng trực thăng bốc các tay súng người Kurd nhảy dù xuống đánh chiếm đập Tabqah ở phía Nam Raqqa và trực tiếp điều quân trấn thủ con đập, khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể áp sát thành phố này.

Bởi vậy, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn sự lựa chọn thứ 4.

Thứ tư là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tung quân sang Idlib “gìn giữ hòa bình”:

Khả năng cao là ông Erdogan sẽ tung quân vào tỉnh Idlib (đối diện với tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ), bởi nếu bế tắc ở phía Bắc Syria, chính quyền Erdogan sẽ chỉ có hướng Tây Bắc để mở rộng tầm ảnh hưởng ở Syria và tăng cường vị thế trong khu vực.

Tỉnh Idlid là đại bản doanh của Liên minh khủng bố Hai'at Tahrir al-Sham (nòng cốt là nhóm khủng bố Fateh al-Sham (tức al-Nusra, chi nhánh al-Qaseda ở Syria) và phiến quân FSA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Tuy nhiên, xung quanh tỉnh Idlib không có lực lượng khủng bố IS, Thổ không thể mượn cớ đánh khủng bố để tung quân sang lãnh thổ Syria ở khu vực này, họ chỉ có thể lợi dụng phe đối lập và khủng bố đánh chiếm vùng quản lý của Quân đội Syria để đạt được mục đích của mình.

Để làm được điều này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở rộng biên giới cho khủng bố và phiến quân tràn sang Idlib, cung cấp thật nhiều vũ khí hạng nặng cho chúng tấn công Quân đội Syria, mở rộng hết mức khu vực kiểm soát. Thực tế đợt liên minh khủng bố Hai'at Tahrir al-Sham, do Fateh al-Sham lãnh đạo tấn công vào tỉnh Hama đã chứng minh cho nhận định này.

Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn phương án tung quân sang Idlib “gìn giữ hòa bình”
Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn phương án tung quân sang Idlib “gìn giữ hòa bình”

Vào thời điểm cuối tháng 3 vừa qua, đã xuất hiện một số lượng lớn các tay súng Quân đội Syria Tự do (FSA) được Ankara hậu thuẫn ở địa bàn tỉnh Hama (địa bàn hoạt động tập trung của họ ở Aleppo), cùng với các xe vận chuyển bộ binh APC-15 của Thổ Nhĩ Kỳ trong đoàn xe treo cờ FSA.

Số quân này dự kiến được Thổ Nhĩ Kỳ đưa về bên lãnh thổ của mình, sau đó di chuyển sang địa bàn tỉnh Hatay và từ đó được vận chuyển sang địa bàn tỉnh Idlib của Syria đẻ tiến xuống phía Nam, tham gia đánh Hama.

Đến thời điểm đà tiến của khủng bố đã hết (vào thời điểm hiện nay, phiến quân đã bị Quân đội Syria chặn đứng), ông Erdogan sẽ xuất hiện với một kế hoạch hòa bình, mà thực chất là kế hoạch cứu các nhóm phiến quân được họ hậu thuẫn, giữ vững các khu vực đã chiếm đóng được làm con bài mặc cả trên bàn đàm phán.

Với chiêu bài “gìn giữ hòa bình”, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đường hoàng tung quân sang lãnh thổ Syria để làm nhiệm vụ “kiểm soát phe đối lập thực hiện lệnh ngừng bắn” (đúng như tình hình hiện tại). Nếu Ankara cắm rễ ở đây giống như ở Aleppo thì Syria sẽ rất khó để đòi lại lãnh thổ của mình.

Với hành động lợi dụng và thúc đẩy việc thành lập 4 khu vực an ninh ở Syria, chính quyền Ankara đã đường hoàng hiện diện quân sự ở Syria, tránh được sự phê phán của Damascus và cộng đồng quốc tế về hành động xâm lược lãnh thổ Syria.

Có thể nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ chính là “một con cáo ma mãnh” trong ván cờ địa-chính trị ở Syria hiện nay. Với việc đang kiểm soát cả khu vực phía Bắc Aleppo, Ankara đã trở thành một nhân tố bất ngờ khó chịu mà Nga và Mỹ sẽ buộc phải tính đến cả ở thời điểm hiện tai và trong tương lai.

Theo Thiên Nam

Đất Việt