Thổ Nhĩ Kỳ tung quân vào Idlib, đánh khu tự trị Afrin?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan đã thông báo rằng Ankara đang chuẩn bị các hoạt động quân sự mới tại Syria.
Tờ Hurriyetdailynews ngày 4/4 cho biết, trong một cuộc mít tinh mới đây ở tỉnh Trabzon hôm 3/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai tuyên bố về một chiến dịch quân sự mới “chống tất cả các tổ chức bị họ coi là khủng bố” trên lãnh thổ Syria.
Giới phân tích nhận định rằng, ngoài Manbij màThổ Nhĩ Kỳ đang muốn nhắm tới nhưng vô phương tấn công bởi đã có sự hiện diện của hơn 500 quân Mỹ làm lực lượng “bảo kê”, chính quyền Erdogan hiện có 4 phương án quân sự ở Syria nhưng chỉ 2 là có tính khả thi.
Thứ nhất: Tham gia trực tiếp vào chiến dịch giải phóng Raqqa
Thổ Nhĩ Kỳ đã không dưới 1 lần bày tỏ ý định tham gia vào chiến dịch giải phóng Raqqa khỏi tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo và mới đây đã chuyển tới Mỹ một dự thảo kế hoạch tấn công Raqqa.
Tuy kế hoạch này không được tiết lộ và Mỹ cũng chưa chính thức trả lời về vấn đề này nhưng chắc chắn là trong đó, chính quyền Erdogan sẽ tự giành cho mình một vai trò không nhỏ.
Thế nhưng các chuyên gia quân sự nhận định rằng, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ được tham gia vào chiến dịch này là vô cùng thấp, do mục đích chính của Ankara là chia sẻ ảnh hưởng với Mỹ trong tiến trình chính trị Syria và ngăn chặn người Kurd mở rộng phạm vi kiểm soát ở phía Bắc Syria.
Người Kurd sẽ không bao giờ chấp thuận cho ông Erdogan ngăn cản việc mở rộng phạm vi kiểm soát của mình, còn Mỹ cũng không thể cho Thổ Nhĩ Kỳ thò tay vào khu vực hiện đã và đang là “lãnh thổ riêng” của mình. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không còn lá bài nào để ép Mỹ bỏ rơi người Kurd.
Khu tự trị của người Kurd sau này sẽ là “tiểu vương quốc” của Mỹ, nơi hiện nay Lầu Năm Góc đã và sẽ lập nhiều căn cứ quân sự, với ít nhất là 3 căn cứ không quân, hoàn toàn có thể thay thế cho căn cứ không quân Incirlik mà Thổ Nhĩ Kỳ suốt ngày đem ra làm con bài đe nẹt Washington.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng không thể đem con bài Nga ra dọa nạt Mỹ bởi Washington hiểu rằng, Moscow và Ankara sẽ không bao giờ có thể trở thành đồng minh, mối quan hệ này chỉ xoay quanh vấn đề lợi ích kinh tế chứ không có bất cứ sự đồng điệu nào khác.
Tuy nhiên, bất kể thái độ “không hợp tác” của Mỹ và người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể tự cho phép mình tham gia chiến dịch giải phóng Raqqa, nhưng buộc phải theo con đường vòng đầy khó khăn.
Thứ hai: Tung quân sang Idlib “gìn giữ hòa bình”
Khả năng thứ hai là ông Erdogan sẽ tung quân vào tỉnh Idlib (đối diện với tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ), bởi nếu bế tắc ở phía Bắc Syria, chính quyền Erdogan sẽ chỉ có hướng Tây Bắc để mở rộng tầm ảnh hưởng ở Syria và tăng cường vị thế trong khu vực.
Tỉnh Idlid là đại bản doanh của Liên minh khủng bố Hai'at Tahrir al-Sham (nòng cốt là nhóm khủng bố Fateh al-Sham, tức al-Nusra, chi nhánh al-Qaseda ở Syria) và phiến quân FSA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Tuy nhiên, xung quanh tỉnh Idlib không có lực lượng khủng bố IS, Thổ không thể mượn cớ đánh khủng bố để tung quân sang lãnh thổ Syria ở khu vực này, họ chỉ có thể lợi dụng phe đối lập và khủng bố đánh chiếm vùng quản lý của Quân đội Syria để đạt được mục đích của mình.
Để làm được điều này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở rộng biên giới cho khủng bố và phiến quân tràn sang Idlib, cung cấp thật nhiều vũ khí hạng nặng cho chúng tấn công mở rộng hết mức khu vực kiểm soát.
Đến một thời điểm nào đó, khi đà tiến của khủng bố đã hết, ông Erdogan sẽ xuất hiện với một kế hoạch hòa bình nào đó, giống như sau khi Quân đội Syria giải phóng thành phố Aleppo, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng thống nhất một thỏa thuận ngừng bắn và sau đó hợp pháp hóa nhóm đối lập FSA thành “người gìn giữ hòa bình ở phía Bắc Syria”.
Khi đó, Erdogan có thể tung quân sang lãnh thổ Syria để làm nhiệm vụ “kiểm soát phe đối lập thực hiện lệnh ngừng bắn”, mà thực chất là bảo vệ các nhóm phiến quân được họ hậu thuẫn, giữ vững các khu vực đã chiếm đóng được làm con bài mặc cả trên bàn đàm phán.
Với hành động này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể tránh được sự phê phán của Syria và cộng đồng quốc tế về hành động “xâm lược”.
Thứ ba: Tung quân sang Idlib đánh tới Raqqa
Với phương án tung quân sang Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ còn có thể áp sát Raqqa bằng con đường vòng hoặc chí ít là ngăn chặn người Kurd tiếp tục chiếm nốt toàn tỉnh Raqqa hoặc tràn xuống Deir Ezzor.
Trong trường hợp này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thúc phiến quân tấn công mạnh sang phía Tây Aleppo, đánh bại quân đội Syria ở khu vực xung yếu nhất, hẹp nhất ở Khanaser, tiến đến khu vực kiểm soát của IS ở phía Nam Aleppo thì Thổ có thể tung quân vào dưới cớ tấn công khủng bố IS.
Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục truy quét IS theo hướng Đông, áp sát khu vực kiểm soát của người Kurd và đánh vào Raqqa.
Vừa qua, các nguồn tin quốc tế cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn cho Liên minh khủng bố Hai'at Tahrir al-Sham và bí mật đưa một phần lực lượng phiến quân đối lập FSA sang lãnh thổ của mình, rồi quay về Idlib. Đây có thể là một phần trong kế hoạch này.
Tuy nhiên, có vẻ như Mỹ và người Kurd đã đề phòng Thổ Nhĩ Kỳ khi cuối tháng trước Mỹ dùng trực thăng bốc các tay súng người Kurd nhảy dù xuống đánh chiếm đập Tabqah ở phía Nam Raqqa và trực tiếp điều quân trấn thủ con đập này.
Đây có thể là điểm chốt khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải dừng lại. Nhưng nếu không thể tham gia vào trận đánh Raqqa, quân Thổ cũng sẽ cắt rời khu vực thành phố Aleppo do Quân đội Syria kiểm soát với các tỉnh phía dưới và chí ít cũng ngăn cản được việc người Kurd tiếp tục tiến xuống phía nam Raqqa.
Tuy nhiên, nếu tiến quân theo hướng này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tiến quá sâu trong lãnh thổ Syria nên chắc chắn sẽ bị Nga, Syria và cộng đồng quốc tế phản đối kịch liệt. Ngoài ra, khoảng cách rất xa đến Raqqa cũng có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể đạt được mục tiêu.
Do đó, hướng tiến công này là không khả thi và có xác suất được Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn là khá thấp.
Thứ tư: Đánh chiếm khu tự trị Afrin của người Kurd
Hiện nay, khu tự trị Afrin của người Kurd và vùng lân cận của nó thuộc khu vực Tây bắc tỉnh Aleppo đang nằm trong “chảo lửa” bởi khu tự trị này bị ngăn cách khỏi vùng tự trị lớn của người Kurd ở đông bắc Syria ở tỉnh Aleppo là Kobani và al-Hasakah.
Lưu ý đến phân tích của các chuyên gia về thành quả chiến dịch Lá chắn Euphrates là “Thổ Nhĩ Kỳ chưa đạt được mục đích truy quét sạch người Kurd khỏi khu vực biên giới thuộc tỉnh Aleppo và phía tây sông Euphrates” mới thấy rằng, khu tự trị này rất dễ trở thành mục tiêu của một chiến dịch quân sự tiếp theo mà Ankara sẽ mở.
Không được quân Mỹ đồn trú để bảo vệ, lại tứ bề giáp với lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực kiểm soát của phiến quân do Ankara hậu thuẫn nên Afrin có thể bị tiến công từ mọi hướng, mà người Kurd hay Mỹ không có bất cứ con đường nào để tiếp tế hay ngăn chặn.
Hiện ở khu tự trị này có một nhóm nhỏ quân nhân Nga đang làm nhiệm vụ giám sát thỏa thuận ngừng bắn của các nhóm đối lập nhưng đây không phải là nhóm quân đồn trú của Nga, hơn nữa, xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd là “việc riêng” nên nếu có bị tấn công, Moscow cũng khó mà can thiệp được.
Tuy nhiên, có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không trực tiếp tấn công vào người Kurd để tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ mà sẽ sử dụng lực lượng phiến quân và khủng bố để tấn công vào Afrin. Khi đó, xung đột sẽ được coi là mâu thuẫn nội bộ giữa các phe nhóm vũ trang ở Syria, còn Thổ sẽ chỉ đứng đằng sau và xuất hiện vào phút chót.
Hiện nay, so sánh cả 4 phương án can thiệp quân sự trên, các chuyên gia cho rằng, khu tự trị Afrin của người Kurd là mục tiêu dễ bị nhắm tới nhất cho một chiến dịch quân sự mới của Ankara, còn điểm nóng tiếp theo là Idlib và Hama, bởi các khu vực này đều giáp với lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Thiên Nam
Đất Việt