1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thiệt hại khủng khiếp mà Ukraine phải gánh chịu trong xung đột với Nga

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Nhà chức trách Ukraine cho biết thiệt hại mà cuộc xung đột với Nga gây ra cho nước này có thể lên tới 326 tỷ USD.

Thiệt hại khủng khiếp mà Ukraine phải gánh chịu trong xung đột với Nga - 1
Một tòa nhà ở vùng thủ đô Kiev tan hoang sau trận pháo kích của quân đội Nga (Ảnh: Reuters).

"Cùng với Ngân hàng Thế giới, Bộ Phát triển Cộng đồng và Lãnh thổ Ukraine xác nhận thiệt hại vật chất mà đất nước chúng tôi phải gánh chịu trong cuộc xung đột với Nga tính đến thời điểm hiện tại rơi vào khoảng 326 tỷ USD", Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tiết lộ trong một cuộc họp của Hội đồng hợp tác EU - Ukraine hôm 5/9.

Theo đó, con số khổng lồ trên bao gồm 105 tỷ USD cho việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị phá hủy do xung đột. Ngoài ra, Ukraine cũng cần chi thêm nhiều khoản tiền lớn khác, chẳng hạn như hơn 10 tỷ USD để phục hồi môi trường tự nhiên hay 17 tỷ USD cho việc tái thiết nhanh.

Để khắc phục những hậu quả nặng nề do xung đột gây ra, Ukraine kêu gọi các đồng minh tăng cường thêm viện trợ cho nước này. Đáp lại, tính đến giữa tháng 8/2022, Mỹ cùng nhiều nước phương Tây đã cam kết gửi cho Kiev hơn 100 tỷ USD dưới dạng viện trợ quân sự và hỗ trợ tài chính.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khoản viện trợ này có lẽ là chưa thấm vào đâu so với những gì mà Ukraine cần để duy trì thanh toán cho các khoản chiến phí khổng lồ mà quốc gia này đang phải gánh chịu.

"Theo ước tính mới nhất, chi phí mà Ukraine bỏ ra cho cuộc chiến này là từ 5 đến 6 tỷ USD mỗi tháng. Đây là mức chi tiêu đáng kinh ngạc", giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power tiết lộ vào cuối tháng 6.

Thiệt hại khủng khiếp mà Ukraine phải gánh chịu trong xung đột với Nga - 2
Binh sĩ Ukraine kiểm tra các kiện hàng tên lửa phòng không vác vai Stinger do Mỹ sản xuất (Ảnh: Reuters).

Chuyên gia quân sự Stephen Bryen cho rằng con số này có thể tiếp tục tăng lên, đặc biệt là khi quân đội Ukraine đang cần thêm rất nhiều vũ khí để bù đắp những tổn thất trước đây cũng như hoàn thành nhiệm vụ phản công giành lại vùng lãnh thổ phía Nam nước này.

Vì vậy, việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine sẽ đặt ra một bài toán hóc búa cho nhiều chính phủ khi phải cân bằng giữa lợi ích quốc gia và nghĩa vụ hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky, đặt trong bối cảnh nhiều nước phương Tây đang gặp khó khăn về kinh tế do giá cả leo thang.

Bên cạnh đó, hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong một thời gian dài cũng đặt ra trở ngại lớn với kho vũ khí của nhiều quốc gia.

"Kho dự trữ quân sự của hầu hết các nước thành viên đã cạn kiệt bởi vì chúng ta đã cung cấp một lượng lớn khí tài cho Ukraine. Chúng ta phải bù đắp lại. Cách tốt nhất để bù đắp là phối hợp với nhau, khi đó chi phí sẽ thấp hơn", Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell thừa nhận hôm 5/9.

Theo Ukrainska Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine