1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thiết bị bay không người lái của IS có thể khủng bố châu Âu?

Việc IS đẩy mạnh hoạt động sử dụng các thiết bị bay không người lái giết người ở Iraq đang khiến châu Âu không khỏi lo ngại.

IS và nguy cơ từ các thiết bị bay không người lái

Những thiết bị bay không người lái có khả năng giết người do phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng điều khiển đã lần đầu xuất hiện tại miền Bắc Iraq, làm dấy lên lo ngại về một phương tiện khủng bố mới có thể nhanh chóng được IS sử dụng rộng rãi bên ngoài lãnh thổ Iraq.

Việc IS đẩy mạnh hoạt động sử dụng các thiết bị bay không người lái giết người ở Iraq đang khiến châu Âu không khỏi lo ngại. (Ảnh: Quietshadow)
Việc IS đẩy mạnh hoạt động sử dụng các thiết bị bay không người lái giết người ở Iraq đang khiến châu Âu không khỏi lo ngại. (Ảnh: Quietshadow)

“Tôi có thể xác nhận rằng, kẻ thù (IS) đã sử dụng thiết bị bay không người lái để thả các loại bom mini có kích cỡ bằng quả lựu đạn”, người phát ngôn của liên minh quốc tế chống IS, Đại tá không quân John Dorrian trả lời phỏng vấn của Washington Times qua email cho biết.

Ông Dorrian thừa nhận, các lực lượng Iraq tham gia chiến dịch giải phóng Mosul – thành trì của IS ở Iraq đang gặp không ít khó khăn trong việc giải quyết bài toán khó này.

Trang web của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho biết, phiến quân IS đã tiến hành hơn 37 cuộc không kích sử dụng thiết bị bay không người lái ở miền bắc Iraq kể từ ngày 3/2. Trong đó có khoảng 10 cuộc không kích đã được đài truyền hình Iraq và các trang tin tức chính thống xác nhận.

Hầu hết các cuộc không kích do thiết bị bay không người lái của IS tiến hành ở khu vực phía Đông Mosul nhưng cũng có một vài vụ được thực hiện ở khu vực núi Sinjar, gần biên giới Syria và một số vụ khác ở khu vực cách Mosul khoảng 160 km về phía Nam.

Lần đầu tiên, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thả bom mini từ hai thiết bị bay không người lái trong một hoạt động gây rối ở phía nam Tal Afar ngày 13/2.

“Mục đích chính của các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái chính là tâm lý”, Đại tá Dorrian nhận định.

Dù vậy, ông Dorrian cho biết, các cuộc tấn công sử dụng thiết bị bay không người lái của IS không làm liên quân bị bất ngờ: “Chúng tôi không ngạc nhiên trước việc kẻ địch sử dụng thiết bị bay không người lái bởi đây là số ít những lựa chọn còn lại trong tầm tay IS.

IS không thể tự do đi lại, vì vậy mà chúng phải dùng đến các cuộc tấn công bằng thiết bị không người lái có ít hoặc không có tác động chiến lược, mà chỉ mang đến một số giá trị tuyên truyền”.

Tướng không quân về hưu Mamoun Abu Nowar, người từng có thời gian phục vụ trong lực lượng Không quân Jordan, nhà phân tích chiến tranh Iraq nhận định, mặc dù các thiết bị bay không người lái thương mại được IS sử dụng có kích cỡ nhỏ, tầm bay hạn chế (chỉ khoảng 3,2km) và chỉ mang được 1/2 kg thuốc nổ nhưng hoàn toàn có thể gây ra sự hoảng loạn ở London, Paris hay Washington DC.

Tướng Nowar nói trong một cuộc phỏng vấn: “Những thiết bị bay không người lái thương mại có thể được mua dễ dàng từ các cửa hàng và đó là món hàng hấp dẫn với những kẻ khủng bố. Chúng hoàn toàn có thể sử dụng những thiết bị bay này trong tương lai như một loại vũ khí tấn công vào đám đông hoặc các mục tiêu có giá trị cao”.

Lính đặc nhiệm Mỹ kiểm tra một thiết bị bay không người lái thu được của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Mosul. (Ảnh: Reuters)
Lính đặc nhiệm Mỹ kiểm tra một thiết bị bay không người lái thu được của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Mosul. (Ảnh: Reuters)

Tướng Nowar nói thêm: “Chúng ta đã nhìn thấy những thiết bị bay không người lái hạ cánh gần Nhà Trắng và chúng ta cũng thấy nhiều người sử dụng thiết bị này để chụp ảnh gần những địa điểm quan trọng trên thế giới.

Cơ quan quản lý hàng không Liên bang Mỹ (FAA) không thể ngăn chặn các thiết bị bay không người lái và các hoạt động của chúng nếu chúng được sử dụng để mang theo chất độc hóa học và lao vào đám đông. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ dẫn đến sự hỗn loạn”.

Nguy cơ chưa đến trong tương lai gần

Mặc dù đây là kịch bản hoàn toàn có khả năng xảy ra, nhưng một chuyên gia chống khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ lại cho rằng, điều này rất khó trở thành hiện thực trong tương lai gần.

“Những thiết bị bay không người lái giết người không có khả năng được sử dụng ở các nước ngoài lãnh thổ Syria và Iraq trong tương lai gần”, Ahmet Yayla, cựu Giám đốc đơn vị chống khủng bố của lực lượng cảnh sát Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ nhận định.

Ông Yayla nói thêm: “Về mặt kỹ thuật, IS đã có thể làm điều đó, nhưng giờ đây các kỹ sư của IS - những người chế lại thiết bị bay không người lái có thể mang theo và thả chất nổ - đang bị mắc kẹt ở Raqqa và Mosul”.

Ông Yayla nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ rằng, những kẻ khủng bố ở châu Âu hiện nay có kỹ thuật để chế thiết bị bay không người lái thành cỗ máy giết người. Mặt khác, phiến quân IS ở châu Âu rất khó có thể có được lựu đạn cầm tay và đạn dược.

Nếu một kẻ khủng bố mua chất nổ thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc vỏ bọc của hắn có nguy cơ bị bóc trần. Tình hình sẽ chỉ thay đổi khi hàng nghìn phiến quân IS rời khỏi Iraq. Một số trong số đó có thể mang kỹ thuật cải tiến thiết bị bay không người lái của IS sang châu Âu”.

Ông Yayla cảnh báo, điều nguy hiểm nhất đang đe dọa châu Âu không phải là thiết bị bay không người lái giết người mà chính là những kẻ khủng bố có nguồn gốc từ phương Tây. Đây mới chính là “mầm mống” của mối nguy hại thực sự đối với những quốc gia tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Syria.

Theo một báo cáo của Chính phủ Đức được công bố gần đây, có tới hơn 800 công dân nước này đang chiến đấu cho IS ở Syria và Iraq. Đó là chưa kể hàng nghìn chiến binh khác đứng trong hàng ngũ của IS đến từ Pháp, Hà Lan, Nga và Mỹ.

Theo Washington Times, một trong những chỉ huy bay, phụ trách hoạt động của các thiết bị bay không người lái IS tấn công máy bay của liên quân hồi tuần trước là một tên khủng bố người Nga, ngoài ra còn có 7 chiến binh nước ngoài khác tham gia vào hoạt động này./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN