“Thiên nga sắt trắng” khẳng định sức mạnh Kremlin
(Dân trí) - Trung tá Alexander Khabarov trông hơi mệt nhưng không giấu được niềm phấn chấn của một người vừa có vinh dự điều khiển một chiếc phi cơ ném bom, có khả năng mang vũ khí hạt nhân, trong “hành trình bay 12 giờ” đâu đó trên bầu trời Đại Tây Dương.
Sau khi hạ cánh, viên phi công này kiểm tra lại chiếc chiến đấu cơ Tu-160, và cẩn thận ghi chép lại để một ngày nào đó nhận lệnh “xung trận”. “Các phi công thường chúc tụng khi nâng ly rằng: “Chúc cho năng lực, kiến thức, kỹ năng và khả năng trình diễn của chúng ta không bao giờ được dùng đến”, anh cho biết.
Khabarov và phi đội bay ném bom của anh là lực lượng chiến tuyến trong chiến dịch mà nhiều người cho rằng Kremlin đang “phô” sức mạnh, niềm kiêu hãnh của mình kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ.
Hai chiếc Tu-160, được các phi công Nga đặt cho biệt danh là “Thiên nga trắng”, tháng 9 vừa qua đã bay từ căn cứ quân sự ở Engels trên bờ sông Volga tới Venezuela. Theo các nhà phân tích đây là chuyến đi đã được Nga tính toán rất kỹ, chứng tỏ nước này không sợ phải “gồng cơ bắp” quân sự ngay dưới mũi của Mỹ.
Sứ mệnh tới Venezuela của Không quân Nga được xem như là “bữa tiệc” chào mừng khoảng thời gian tròn 12 tháng kể từ khi máy bay ném bom chiến lược của Nga nối lại hoạt động tuần tra đường trường trên vùng biển Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương và thậm chí là Alaska từ thời Liên Xô cũ. Trong 12 tháng này máy bay chiến đấu của NATO luôn cảm thấy bất an về ý định của những “vị khách” Nga.
Giới phân tích quân sự đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về mục đích của Nga khi nối lại các chuyến tuần tra đường trường của máy bay ném bom chiến lược. Một số người cho rằng chúng là mối đe dọa đối với an ninh của các quốc gia phương Tây. Một số khác lại chỉ xem chúng là sự phô trương của một Kremlin mong muốn làm hài lòng các cử tri của mình. Bản thân các phi công Nga cũng gọi sứ mệnh của họ là sứ mệnh thân thiện.
Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là các chuyến bay là minh chứng cụ thể cho hạm đội máy bay ném bom Nga, hạm đội suốt nhiều năm qua phải chịu “nằm yên” do không có kinh phí cho nhiên liệu, một lần nữa được chú ý tới.
Các chuyến tuần tra đường trường là “biểu tượng cho cả sức mạnh và thiện chí” của Nga, đại tá Dmitry Kostyunin, phó chỉ huy Đơn vị bay số 22 cho biết.
“Thiên nga sắt trắng”
Nga trước kia thường rất thận trọng khi để người nước ngoài tiếp cận với nền quân sự của mình. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 8 vừa qua, trong một động thái thể hiện sự tự tin mới, Không quân nước này đã mời một nhóm các nhà báo nước ngoài tới thăm căn cứ tại Engels. Chuyến viếng thăm diễn ra chỉ một ngày trước khi quân đội Nga tiến hành cuộc tấn công đáp trả ồ ạt, đánh bại tham vọng chiếm lại vùng tự trị Nam Ossetia của Gruzia.
Khoảng hơn một chục chiếc máy bay ném bom Tu-160, được NATO gọi là “Blackjack”, đậu gần các đường bay lớn, được bảo vệ bằng hàng rào bê tông và các điểm kiểm soát nghiêm ngặt ở căn cứ Engels.
Được đưa vào sử dụng năm 1987 và đã được hiện đại hóa kể từ đó đến nay, Tu-160 là một trong những phi cơ ném bom siêu thanh lớn nhất thế giới, có khả năng mang theo hơn 40 tấn đạn hạt nhân hoặc đạn thông thường, và có thể bay tầm xa tới 14.000km. Với khả năng tiếp nhiên liệu trên không, Tu-160 gần như có thể vươn tới bất cứ địa điểm nào trên toàn cầu và trở về an toàn.
Và để trình diễn trước ống kính truyền hình của bạn bè quốc tế, một cặp “Thiên nga trắng” bay là là mặt đất với tiếng gầm rú đinh tai của các động cơ phản lực.
Tăng giờ bay
Căn cứ quân sự Engels được xây dựng ngay sau Thế chiến II, và nhiều tòa nhà có từ đó hiện vẫn còn. Căn cứ trông đơn giản nhưng có trật tự và vận hành rất trơn tru.
Tại căng-tin của sỹ quan, các nhân viên phục vụ đang chuẩn bị bữa cho các phi công, với bắp cải muối, súp, thịt và khoai tây. Hầu hết các sỹ quan sống cùng với gia đình họ tại khu nhà ở trong căn cứ. Theo tiêu chuẩn trong quân đội Nga, họ có cuộc sống khá sung túc. Một sỹ quan cho biết mức lương hàng tháng của anh là 30.000 rúp, tương đương 1.200 USD, gấp hai lần lương của một sỹ quan cùng cấp khác.
Đại tá Kostyunin cho biết mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ tháng 8/2005, khi Tổng thống Putin khi đó đích thân lên một chiếc Tu-160 và bắn thử tên lửa.
“Sau sự kiện có tính biểu tượng đó, vai trò của các chuyến bay chiến lược đã được xem lại”, Kostyunin cho biết tại phòng họp của các phi công trước mỗi chuyến bay.
“Một số phi công của chúng tôi hiện có 100 giờ bay hoặc thậm chí tới 200 giờ bay mỗi năm. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với các đồng nghiệp Mỹ, bay tới 250 giờ mỗi năm”.
Ông cũng phủ nhân thông tin cho rằng Nga có mục đích hiếu chiến trong những chuyến bay chiến lược trên. Ông cho biết, hầu hết các máy bay hiện nay đều mang đạn giả, và các phi công của họ thậm chí còn giữ mối quan hệ thân thiện với phi công trên máy bay NATO được cử để giám sát họ.
Phan Anh
Theo Reuters