1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thiên đường cho các công ty Hàn Quốc ở CHDCND Triều Tiên

Trong những nhà xưởng ở khu công nghiệp Kaesong gần biên giới liên Triều, nơi hàng trăm công nhân người miền bắc cắm cúi cắt may, một thương nhân miền nam đang vui mừng vì đã tìm được nơi thay thế Trung Quốc. Giá công nhân ở đây là 26 cent (4.000 đồng) mỗi giờ.

"Ở Kaesong thuận lợi hơn Việt Nam, Trung Quốc hay Guatemala", Hwang Woo Seung, chủ tịch Shinwon Ebenezer Company, nhắc đến các nước mà công ty có nhà máy. "Chúng tôi mới mở nhà máy ở đây hồi tháng 3 năm ngoái, và sắp xây một cái khác to gấp đôi, cũng ở đây".

 

Nhà máy của Hwang, với 326 công nhân CHDCND Triều Tiên và 7 viên quản lý người Hàn Quốc, sẽ có thể trở thành biểu tượng của nền kinh tế tương lai trên bán đảo.

 

"Khu công nghiệp Kaesong, nơi vốn và công nghệ của miền nam cùng đất đai và nhân công của miền bắc đang hợp lại để tạo ra sự thịnh vượng mới", băng video giới thiệu về khu công nghiệp được thuyết minh bằng tiếng Anh giọng Mỹ, tại địa điểm chỉ cách khu phi quân sự liên Triều vài trăm mét.

 

Gần sáu năm kể từ khi những thỏa thuận đầu tiên được ký, có vẻ như những rào cản về pháp lý và hạ tầng đã bắt đầu nhường chỗ cho sự tăng trưởng nhanh chóng. Năm tới, số nhà máy do Hàn Quốc đầu tư sẽ tăng gấp 4, lên con số 39, và số công nhân đạt mức 15.000 người.

 

Ước tính đến 2012, khu công nghiệp này có quy mô 67 km2, sử dụng 730.000 nhân công người miền bắc, chiếm đến gần 8% lực lượng lao động của CHDCND Triều Tiên. (Với dân số 23 triệu).

 

Cứ một trong số tòa nhà cho thuê có thời hạn 50 năm trong Kaesong được đem ra đấu giá hồi năm ngoái, thì có tới 4 công ty Hàn Quốc muốn nhảy vào. Khi giá nhân công ở miền nam bán đảo ngày càng lên cao, nhiều chủ công ty vừa và nhỏ đứng trước hai lựa chọn: đóng cửa và dời sang Trung Quốc, hoặc đóng cửa và dời đến Kaesong.

 

"Chúng tôi có kế hoạch xây một nhà máy mới ở đây, với quy mô gấp 4 lần cơ sở hiện tại", ông Oh Sung Chang, giám đốc điều hành cấp cao của Taesung Hata, một công ty sản xuất bao bì mỹ phẩm, vừa nói vừa bwocs qua những máy dập khuôn nhựa do công nhân Bắc Triều Tiên điều hành. Ông thêm rằng việc xây nhà máy mới sẽ khởi động mùa hè này, và "phía Bắc rất thiện chí hợp tác".

 

Miền Bắc, sau những ngần ngại ban đầu, đã quyết tâm theo đuổi mô hình kinh tế ở khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước này. "Chúng tôi sẽ đem lại hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên thông qua khu công nghiệp Kaesong", Kim Hyo Jeong, quan chức CHDCND Triều Tiên làm việc cho Ủy ban Quản lý khu công nghiệp, nói với một đoàn phóng viên nước ngoài đến thăm. Miền Bắc được tuyên truyền là thiên đường của công nhân và người lao động, nhưng với những viên quản lý đến từ miền nam thì đây lại là thiên đường của giới chủ.

 

Ở phía nam, gần 1.000 công ty Hàn Quốc đang trong danh sách chờ được lên khu công nghiệp phía bắc. Nơi đó có một biển nhân công - vốn không có quá nhiều việc làm kể từ khi nền công nghiệp CHDCND Triều Tiên mất nguồn trợ giúp thương mại từ khối Liên Xô cũ.

 

"Nhân công miền bắc có tay nghề rất tốt, và đó là lý do chúng tôi quyết định chuyển đến đây", ông Moon nói, và cho biết thêm rằng ông muốn đưa hết cả dây chuyền sản xuất của mình lên Kaesong.

 

Hiện nay, 11 nhà máy giày ở Kaesong đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu của thị trường Hàn Quốc. Để lớn mạnh được như mong đợi, khu công nghiệp này phải vươn ra thị trường thế giới. Một trong những nguy cơ với các món đầu tư ở đây sẽ xảy ra nếu Nhật, châu Âu và Mỹ trừng phạt kinh tế với CHDCND Triều Tiên do chương trình hạt nhân của nước này. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hy vọng sản phẩm làm ra ở Kaesong được phép vào thị trường Mỹ theo hiệp định thương mại tự do song phương. Tuy nhiên, phía Mỹ lại cho rằng hàng hóa đó là "made in CHDCND Triều Tiên" và không mặn mà với đề xuất của Seoul.

 

Thêm nữa, các nhà hoạt động nhân quyền của Mỹ có thể phản đối việc nhập hàng sản xuất ở Kaesong. Tại đây, lương tối thiểu cho một tuần lao động là 57,5 USD. Trong đó, 7,5 USD được trích ra để đóng vào một loại quỹ do chính quyền quản lý. Phần còn lại cũng không trả trực tiếp cho nhân công, mà chuyển cho công ty môi giới và quản lý những người miền bắc làm việc trong khu công nghiệp. Giới chủ Hàn Quốc không biết đích xác mỗi tháng công nhân làm việc cho họ được nhận bao nhiêu tiền.

 

Theo T. Huyền

Vnexpress/IHT