1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thế "tiến thoái lưỡng nan" của Mỹ trước thương vụ vũ khí tỷ "đô" giữa Nga-Ấn

(Dân trí) - Triển vọng trong việc ký kết thương vụ mua bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD giữa Nga và Ấn Độ dường như đã đưa Mỹ vào thế khó.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp hồi tháng 7 năm nay (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp hồi tháng 7 năm nay (Ảnh: Reuters)

Ngày 4/10, Tổng tống Nga Vladimir Putin thực hiện chuyến thăm 2 ngày tới Ấn Độ nhằm bàn bạc về các thương vụ mua bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trước đó, điện Kremlin cho biết nội dung chính trong chuyến công du của ông Putin sẽ là việc Nga ký kết hợp đồng trị giá 5 tỷ USD cung cấp hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ.

Trước đó, Mỹ từng cảnh báo có thể sẽ trừng phạt bất cứ quốc gia nào mua khí tài quân sự của Nga theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận" (CAATSA) được thông qua hồi năm ngoái. Đây là đạo luật cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cũng như chống các quốc gia mua vũ khí của Nga. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn thể hiện sự quyết tâm theo tới cùng vụ mua bán này.

Theo AFP, Ấn Độ được cho là đã và sẽ tiếp tục đề xuất Mỹ không trừng phạt New Delhi vì thương vụ vũ khí. Tuy nhiên, kể cả sau cuộc gặp 2+2 giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng 2 nước ở Ấn Độ hồi tháng trước, Washington tới giờ vẫn chưa đưa ra bảo đảm về vấn đề này.

Vì vậy, Mỹ dường như bị đẩy vào “thế tiến thoái lưỡng nan” vì họ đang cần sự ủng hộ của Ấn Độ để kiềm chế lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, về cả lĩnh vực kinh tế lẫn an ninh. Hồi tháng trước, Washington và New Delhi đã công bố kế hoạch tập trận chung vào năm 2019 và đồng ý sẽ trao đổi các thông tin quân sự có tính nhạy cảm cao.

Đối tác lâu năm

Mặc dù vậy, Nga lại là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ và việc Nga bán được các vũ khí cho Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng hiện tại sẽ được coi là thành công lớn cho Moscow, ngược lại sẽ tác động tới chiến lược của Mỹ.

Ngoài thương vụ S-400, ông Putin và ông Modi được cho là sẽ bàn về thương vụ mua 4 tàu hộ vệ lớp Krivak trị giá 2 tỷ USD, và 200 trực thăng hạng nhẹ Ka-226 với giá 1 tỷ USD. Trước đó, Nga và Ấn Độ đã thống nhất rằng Moscow sẽ sản xuất 60 chiếc ở Nga, và 140 chiếc còn lại sẽ được phối hợp sản xuất tại Ấn Độ.

“Nga là một người bạn lâu năm. Tôi rất vui mừng vì Ấn Độ đã có những động thái thể hiện điều đó. Đã đến lúc, chúng ta cần cho Mỹ thấy rằng chúng ta sẽ không bị tác động nữa”, nhà phân tích chính trị đối ngoại R. R. Subramanian nói với AFP.

Các chuyên gia ở Ấn Độ cho biết New Delhi cần hệ thống tiên tiến S-400 để nâng cao sức mạnh của lá chắn phòng thủ, trước những mối quan ngại về mối đe dọa an ninh từ Pakistan và Trung Quốc.

Lãnh đạo lực lượng không quân Ấn Độ Birender Singh Dhanoa ngày 3/10 nói rằng hệ thống S-400 và 36 máy bay chiến đấu Rafale New Delhi mua từ Pháo năm 2016, giống như “liều thuốc tăng lực” giúp cho nền quốc phòng Ấn Độ thêm mạnh mẽ.

Ngoài ra, trong cuộc gặp cấp cao, ông Putin và ông Modi dự kiến sẽ bàn bạc về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ 2 tại Ấn Độ. Trong chương trình nghị sự, 2 lãnh đạo dự kiến sẽ bàn về việc Nga đào tạo các phi hành gia Ấn Độ, trong bối cảnh New Delhi muốn đưa phi hành đoàn đầu tiên của họ vào không gian trong năm 2022.

Theo AFP, Ấn Độ hiện tại đang là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và họ đang thực hiện kế hoạch chi 100 tỷ USD nâng cấp toàn bộ hệ thống khí tài quân sự cũ kĩ, hầu hết từ thời Liên Xô cũ. Trong khi đó, Nga vẫn đều đặn bán vũ khí cho Ấn Độ suốt từ năm 1953 tới nay, dẫn đầu trong danh sách các nhà cung cấp, vượt qua Mỹ.

Đức Hoàng

Theo Straits Times