Thế khó của Nga sau lệnh động viên 300.000 quân sang Ukraine
(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, động thái động viên tối đa 300.000 quân của Nga sang Ukraine sẽ làm gia tăng sức mạnh cho Moscow nhưng cũng khiến họ đối mặt với nhiều thách thức để thực thi hiệu quả.
Ngày 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành lệnh động viên một phần, diễn biến cho phép Moscow huy động tối đa 300.000 quân cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Theo giới chức Nga, nước này sở hữu khả năng tổng động viên lớn, có thể triệu tập gần 25 triệu người với một số kinh nghiệm quân sự, vì vậy, quyết định động viên hiện nay mới chỉ là huy động hơn 1% lực lượng dự bị.
Giới chức Nga khẳng định, việc huy động một phần lực lượng là hợp lý và cần thiết để củng cố tiền tuyến ở Ukraine hiện kéo dài hơn 1.000km. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Nga đang phải đối phó không chỉ với Ukraine mà với cả phương Tây.
Cuộc chiến có thể kéo dài hơn
Giới quan sát nhận định, động thái động viên lực lượng đầu tiên của Nga sau Thế chiến II cho thấy chính quyền ông Putin dường như đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine.
Breaking Defense cho hay, động thái của Nga dường như phát đi thông điệp tới Ukraine về tiềm lực quân sự của Moscow trong bối cảnh xung đột giữa 2 bên đã trở thành cuộc chiến tiêu hao. Giờ đây, bên nào có thể duy trì nhịp độ chiến đấu tốt hơn sẽ là bên có lợi thế hơn trên bàn đàm phán.
Theo Moscow Times, vận động thêm quân là một quá trình kéo dài, nghĩa là nó chưa thể có tác động nhanh chóng lên cục diện chiến trường, nhưng nó có ý nghĩa về mặt lâu dài.
Lực lượng dự bị của Nga dù là lực lượng có kinh nghiệm nhưng đã từ lâu chưa được huấn luyện thường xuyên, nên Nga sẽ cần thời gian để thực hiện việc này, theo chuyên gia Mark Cancian từ trung tâm CSIS (Mỹ).
Ông Cancian cho biết, động thái này sẽ gây áp lực cho Ukraine trong chiến dịch phản công giành lại lãnh thổ. Sẽ mất một khoảng thời gian để lực lượng mới của Nga ra tiền tuyến nhưng khi họ được bổ sung ra chiến trường, cục diện của chiến sự có thể sẽ thay đổi. Điều đó có nghĩa là Ukraine sẽ có ít thời gian hơn để tiếp tục chiến dịch phản công hiện tại và họ buộc phải tăng tốc trong thời gian tới trước khi lực lượng dự bị của Nga tham chiến.
Chuyên gia Samuel Charap từ tổ chức RAND nhận định, tác động của lệnh động viên tới cục diện chiến sự vẫn chưa rõ, nhưng Nga đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nhịp độ chiến dịch quân sự để đạt được mục tiêu đề ra ban đầu.
Nga có thể kỳ vọng, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ khiến phương Tây giảm hỗ trợ Ukraine vào mùa đông năm nay và khi đó Nga sẽ có được lợi thế nhờ chuẩn bị sẵn từ trước.
Mặt khác, theo giới quan sát, động thái động viên thêm quân có thể liên quan tới việc 4 vùng ở Ukraine đã công bố kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga từ ngày 23-27/9.
Với lực lượng mới được bổ sung tới Donbass ở miền Đông cũng như Zaporozhye và Kherson ở miền Nam, Nga có thể gia tăng đảm bảo an ninh cho các khu vực này trước nỗ lực phản công dồn dập của Ukraine những tuần qua và trong tương lai.
Với lực lượng dự bị cần phải huấn luyện thêm, vai trò ban đầu của họ ở Ukraine có thể sẽ là phòng ngự ở các khu vực mà Nga và lực lượng thân Nga kiểm soát.
Những thách thức
Lệnh động viên một phần được xem là nước đi dài hơi của Nga, nhưng nó cũng ẩn chứa những thách thức nhất định.
Nga sẽ phải đối mặt với việc huấn luyện thêm cho các quân nhân dự bị dù họ đã có kinh nghiệm từ trước đó. Theo các chuyên gia, quá trình từ lúc huy động cho tới huấn luyện và đưa ra tiền tuyến có thể kéo dài vài tháng. Điều đó có nghĩa là, việc động viên có thể chưa tạo được hiệu ứng ngay lập tức trên chiến trường.
Mặt khác, giới quan sát cho biết, Nga sẽ đối mặt với thách thức về mặt trang bị hậu cần và vũ khí cho các quân nhân.
"Quân đội Nga hiện chưa trang bị đủ nhanh và hiệu quả cho 300.000 quân nhân dự bị khi họ cũng đối mặt với bài toán khó trong việc tiếp viện cho các quân nhân chuyên nghiệp đang tham chiến ở Ukraine", chuyên gia Alex Lord từ công ty Sibylline (Anh), nhận định.
Để giải quyết vấn đề về số lượng vũ khí, các nhà thầu quốc phòng Nga đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu của quân đội, sau lệnh động viên quân của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức khác khi ngành công nghiệp quốc phòng của Nga vừa phải đẩy nhanh tốc độ sản xuất nhằm bù đắp các thiệt hại trên chiến trường trong khi đối mặt với tình trạng thiếu linh kiện và trang thiết bị do các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Mặt khác, Nga sẽ phải giải bài toán về vấn đề tiếp tế hậu cần trong thời gian tới khi phương Tây tăng cường gửi cho Ukraine vũ khí chính xác như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS. Việc đảm bảo nguồn cung vũ khí ổn định sẽ có vai trò sống còn trong giai đoạn kế tiếp của chiến dịch quân sự.
Thêm vào đó, 300.000 là con số mục tiêu mà Nga đặt ra, nhưng hiệu quả và tốc độ huy động như thế nào vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Nga chưa động viên lực lượng trong hàng chục năm qua và họ có thể cần thời gian để vận hành cơ chế này trơn tru. Nga khẳng định họ sẽ không huy động đồng loạt 300.000 quân cùng lúc, nhưng dù có huy động theo từng nhóm nhỏ, thì tốc độ cũng là yếu tố quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng tới một loạt các quá trình huấn luyện, triển khai ra chiến trường sau đó.
Nga tiến hành cải cách quân đội vào năm 2008 với mục tiêu hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa lực lượng. Họ đã đóng cửa nhiều cơ sở chỉ huy và hậu cần để làm tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, điều này đã làm ảnh hưởng tới cấu trúc quản lý từng cho phép quân đội Liên Xô cũ có thể huy động tốc độ cao quân nhân, cũng như huấn luyện và trang bị.
Chuyên gia Lord ước tính, Nga có thể mất khoảng 3 tháng để thực hiện động viên lực lượng. Đây là thời gian Ukraine bước vào mùa đông khắc nghiệt và ít có khả năng các bên sẽ dồn lực tấn công vào thời điểm không thuận lợi này. Do đó, lệnh động viên có thể chưa phát huy hiệu quả vào thời điểm mùa xuân năm 2023.