1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới thứ 3 lao đao trong "bão" giá lương thực

(Dân trí)- Haiti vừa phải trải qua một ngày nổi loạn làm 4 người thiệt mạng. Tại Ai Cập, người dân đang phải chống chọi với lạm phát phi mã, ảnh hưởng mạnh đến giá sản phẩm lương thực, còn ở Cameroun, có khoảng 12 người chết đói từ đầu tháng 4 đến nay…

Ngày 8/4, nổ ra cuộc tổng đình công làm tê liệt hoàn toàn thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso. Những ngày gần đây, Argentina, Yemen, Zimbabwe, Mexico, Senegal, Bangladesh, Philippines, Guinée, Mauritania, Marocco, Sénégal, Uzbekistan.... và khoảng 30 nước khác đang phải đương đầu với các bất ổn do giá cả leo thang.

 

Giá cả tăng cao đang là thảm hoạ với hầu hết các gia đình ở các nước thuộc thế giới thứ 3, nơi mà 70% thu nhập là dành mua thực phẩm, trong khi ở các nước phát triển chỉ là 15%. Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề phát triển và giúp đỡ nhân đạo của EU, ông Louis Michel cảnh báo về một “đợt sóng thần kinh tế và nhân đạo” sắp xảy ra ở châu Phi.

 

Còn theo Giám đốc Ngân hàng thế giới Bob Zoellick, tình trạng đang diễn ra hiện nay một số nước như Indonesia có thể quét sạch mọi nỗ lực xoá đói giảm nghèo mà thế giới đạt được trong 10 năm trở lại đây. Các chuyên gia phân tích nhận định, khi đại nạn đói bùng nổ, thế giới thứ ba nổi dậy.

 

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính, trong năm 2007 giá lúa mì đã tăng trung bình 40%, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, giá ngô, gạo, đậu tương, cải dầu và dầu cọ cũng tăng mạnh, ảnh hương nhiều nhất đến các nước nghèo. Do giá dầu lửa tăng cao, các nước giàu phát triển đã không nhận thức được một hiện tượng đã phát triển âm ỉ, đó là nạn đói thế giới. Đối với 2/3 dân số thế giới, những biến động tiêu cực của giá gạo và bột mì đồng nghĩa với việc họ sẽ phải thắt lưng buộc bụng tránh bị đói.

 

Thế giới đang hàng ngày chứng kiến những vụ nổi loạn vì đói chưa từng xảy ra. Đầu năm ngoái, đất nước Mexico hỗn loạn vì những vụ nổi dậy do đói kém, do lúa mì và ngô, những thành phần thiết yếu cho món bánh ngô của người dân nước này đã tăng lên hơn 40% so với năm 2006. Giọt nước làm tràn ly vào đầu tháng 4/2008, đến lượt giá gạo tăng 50% trong vòng 2 tuần sau khi các nước xuất khẩu gạo chính của thế giới là Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ quyết định hạn chế xuất khẩu gạo. Tuần trước, giá gạo đã đạt đến đỉnh kỷ lục, 1.000 USD/tấn. Một nửa nhân loại sống không thể thiếu gạo và xem ra cuộc khủng hoảng này còn lâu mới kết thúc. Không chỉ có Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ xiết chặt xuất khẩu gạo. Campuchia, Ai Cập cũng có động thái tương tự. Tại Philippines, quân đội đã được triển khai để phát gạo cho dân sống tại các khu phố nghèo của thủ đô Manilla.

 

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay là do đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp (quá trình đô thị hoá và sa mạc hoá), nhu cầu tăng cao (liên quan đến tốc độ phát triển quá nhanh của một số quốc gia), mối liên quan giữa thị trường năng lượng và thị trường lương thực (nhu cầu phát triển nhiên liệu sinh học)....

 

Đài phát thanh Canada cho biết, trong năm 2008, gần 18% hoạt động sản xuất ngũ cốc của Mỹ sẽ phục vụ sản xuất ethanol và theo ước tính của Viện nghiên cứu môi trường Earth Policy Institute, lượng ngũ cốc đó đủ để nuôi sống 250 triệu người trong vòng 2 năm.

 

Chuyên gia kinh tế nông lâm Sushil Pandey của Viện nghiên cứu quốc tế về gạo của Manilla cho hay, cho đến những năm gần đây, khả năng giá cả leo thang đã được chính phủ nhiều nước vô hiệu hoá bằng việc củng cố các kho gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực. Nhưng chi phí duy trì các kho gạo dự trữ này quá cao buộc các chính phủ phải giảm bớt số lượng trong thập kỷ gần đây, trong khi nhu cầu tiêu thụ gạo vượt quá khả năng sản xuất, chỉ có khối lượng tương đối nhỏ được trao đổi qua biên giới, còn lại là thực hiện trên các sàn giáo dịch.

 

Giá gạo niêm yết trên thị trường thế giới có tác động ngày càng lớn đến giá áp dụng tại các nước, đặc biệt trong kỷ nguyên internet và điện thoại di động hiện nay. Các chủ trang trại ở những vùng xa xôi nhất cũng có thể các biến động về giá và điều chỉnh chúng cho phù hợp với thị trường thế giới. Theo biểu đồ giá gạo mà trang Univers Nature của Pháp công bố ngày 5/4 cho thấy, trong hai năm liên tiếp, sản xuất gạo của thế giới không theo kịp tăng trưởng dân số, dẫn đến khẩu phần trung bình của người dân giảm.

 

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ đã vượt quá mức sản xuất, trong khi dự trữ thế giới không ngừng giảm và xuống đến mức đáng báo động. Trong 7 năm, dự trữ gạo trắng giảm 1 nửa, từ 147 triệu tấn trong năm 2000 xuống còn 71 triệu tấn trong năm 2007. Theo tổng kếtcủa FAO, gạo là lương thực cơ bản của hơn một nửa dân số thế giới, ví dụ như ở châu Á, hơn 2 tỷ người ăn gạo và các chế phẩm từ gạo. Cuộc khủng hoảng lương thực này đe doạ đến an ninh quốc tế.

 

Tờ The Guardian của Anh trích dẫn phát biểu ở Dubai của ngài John Holmes, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách nhân đạo, sau hai ngày bạo loạn tại Ai Cập cho hay, những hệ luỵ của cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay đã không được đánh giá đúng, trong khi tiếp tục xảy ra các vụ bạo loạn vì đói kém ở nhiều nước. Nếu giá lương thực vẫn tiếp tục tăng cao sẽ đẩy thế giới vào tình trạng mất an ninh lương thực, kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng.

 

Khủng hoảng lươpng thực toàn cầu càng củng cố thêm thái độ phản đẳng dụng nhiên liệu sinh học, vốn được các nhà sinh thái học coi là một trong những lựa chọn có thể thay thế dầu lửa. Vấn đề khai thác nhiên liệu sinh học trên thực tế có hại có các ngành trồng trọt. Cơn sốt giá dầu lửa tác động đến giá của nhiều sản phẩm khác, trong đó có các sản phẩm lương thực. Giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng kéo theo giá gas thế giới tăng theo. Khí gas tự nhiên là yếu tố chính trong sản xuất phân đạm, giá gas nhảy múa kéo giá phân đạm tăng lên 200%. Không những thế dầu thô tăng góp phần đẩy giá lương thực tăng, vì nông dân cần xăng dùng cho máy cày và các phương tiện vận chuyển hàng hoá ra chợ.

 

Nhưng nguyên nhân tồi tệ nhất, đó là do ethanol sinh học. Nhiều chính trị gia của Mỹ và châu Âu cho rằng, để độc lập về năng lượng cần chuyển hoá khối lượng lớn thức ăn thành nhiêu liệu sinh học. Nhưng theo con số mà tạp chí Reason của Mỹ công bố, trong năm 2007 đã có 100 triệu tấn ngũ cốc được chuyển hoá thành nhiên liệu, khiến dự trữ lương thực toàn cầu xuống đến mức thấp nhất từ trước đến này. 100 triệu tấn ngũ cốc đó có thể nuổi được 100 triệu người trong 1 năm. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu nhiên liệu sinh học đã thực sự là lựa chọn tốt cho môi trường chưa trong khi nó là một nguyên nhân chính khiến con người chết vì đói.

 

Ngọc Nhàn

Tổng hợp