1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế giới tất bật chuẩn bị đón năm mới 2016

(Dân trí) - Với việc năm mới 2016 đã cận kề, các thành phố lớn trên thế giới, từ Sydney tới London, New York đều đang tất bật với những khâu chuẩn bị cuối cùng cho đêm giao thừa. An ninh cũng được tăng cường do lo ngại nguy cơ tấn công khủng bố.

New York chuẩn bị sẵn sàng đón năm mới 2016

Tại Sydney, một trong những thành phố lớn đầu tiên đón năm mới, công tác chuẩn bị cho màn pháo hoa được chờ đợi nhất năm đã sẵn sàng. Theo tờ Sydney Morning Herald, bữa tiệc ánh sáng đêm thứ Năm sẽ diễn ra với 100.000 ống bắn pháo hoa khai hỏa.

Các ống bắn pháo hoa tại Cầu Cảng Sydney đã vào vị trí. (Ảnh: SMH)
Các ống bắn pháo hoa tại Cầu Cảng Sydney đã vào vị trí. (Ảnh: SMH)

Rất nhiều hiệu ứng và màu sắc sẽ xuất hiện, từ hình những con bướm, tới thác nước đa sắc màu, hình con bạch tuộc cùng những đóa hoa lớn sẽ nở bung trên Cầu Cảng Sydney.

Với mục tiêu tạo ra màn trình diễn pháo hoa lớn chưa từng có, giám đốc công ty pháo hoa Foti, ông Fortunato Foti cho biết đã tăng thêm 2400 quả pháo hoa so với năm ngoái cho màn trình diễn trên Cầu Cảng Sydney. Gia đình ông Foti đã có 7 đời chuyên chế tác pháo hoa, và ý tưởng về màn trình diễn đến từ mọi thành viên.

Trung tâm giám sát an ninh tại London đã sẵn sàng làm nhiệm vụ đêm giao thừa. (Ảnh: Getty)
Trung tâm giám sát an ninh tại London đã sẵn sàng làm nhiệm vụ đêm giao thừa. (Ảnh: Getty)

Màn trình diễn đã được lên kế hoạch tỉ mỉ tới từng mili giây, trong đó đoạn cao trào sẽ có 1/4 lượng pháo hoa của cả đêm giao thừa được cho nổ trong vòng 30 giây cuối.

Tổng chi phí cho màn pháo hoa vào khoảng 7 triệu đô la Úc (5,1 triệu USD), nhưng không khí lễ hội của sự kiện sẽ giúp kinh tế Sydney thu về khoảng 113 triệu đô la Úc (82,2 triệu USD).

 

Hàng nghìn binh sỹ Pháp đã được lệnh xuống đường bảo vệ Paris trong tối 31/12. (Ảnh: EPA)
Hàng nghìn binh sỹ Pháp đã được lệnh xuống đường bảo vệ Paris trong tối 31/12. (Ảnh: EPA)

Trong khi Úc đón năm mới với bầu không khí lễ hội, năm mới 2016 có lẽ sẽ đến lặng lẽ tại khu vực Đông Á. Tại Tokyo, sẽ không có những sự kiện ồn ào, bởi năm mới, hay “oshogatsu”, là dịp dành cho gia đình và người thân. Hầu hết người Nhật sẽ ở nhà.

Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Thượng Hải đã quyết định hủy sự kiện trình diễn ánh sáng thường niên mừng năm mới, sau thảm kịch giẫm đạp năm ngoái, làm 36 người thiệt mạng và 49 người khác bị thương.

Trời Bắc Kinh mịt mờ ô nhiễm hôm 29/12. (Ảnh: Reuters)
Trời Bắc Kinh mịt mờ ô nhiễm hôm 29/12. (Ảnh: Reuters)

Tại Bắc Kinh, pháo hoa nhiều khả năng cũng bị cấm do tình trạng ô nhiễm khói bụi. Chính quyền thành phố Bắc Kinh hôm 16/12 còn cho biết sẽ cấm bán pháo hoa dịp Tết âm lịch, nếu cảnh báo ô nhiễm không khí lên mức màu da cam hoặc cao hơn. Trong ngày 29/12, một số khu vực tại Bắc Kinh đã có mức độ ô nhiễm không khí vượt 20 lần mức khuyến cáo, nhưng cơ quan chức năng vẫn chỉ đưa ra cảnh báo màu vàng.

Quảng trường Đỏ tại Thủ đô Mátxcơva của Nga cũng sẽ đón năm mới 2016 ít náo nhiệt so với thường lệ, khi địa điểm tập trung đông người tới ăn mừng này sẽ đóng cửa. Đây là lần đầu tiên Quảng trường Đỏ không mở cửa cho công chúng dịp năm mới, do “phục vụ quay phim một buổi hòa nhạc trực tiếp cho Kênh 1, truyền hình quốc gia”, thông cáo của chính quyền Mátxcơva cho biết. Chỉ những khán giả được chọn mới được đến dự.

Một phụ nữ Nga xách theo giỏ quà trên đường phố Moscow hôm 29/12 (Ảnh: EPA)
Một phụ nữ Nga xách theo giỏ quà trên đường phố Moscow hôm 29/12 (Ảnh: EPA)

Trong khi đó tại Paris, người dân sẽ có dịp cùng đổ ra đường đầu tiên kể từ sau khi tình trạng khẩn cấp và cấm tụ tập đông người được ban bố hồi tháng 11, sau loạt vụ tấn công khủng bố hôm 13/11.

Hàng trăm nghìn người dự kiến sẽ tập trung tại đại lộ Champs-Elysees để đón năm mới. Nhưng năm nay, lễ ăn mừng sẽ mang màu sắc “điềm tĩnh và tưởng nhớ”, tờ Journal du Dimanche cho biết.

Cảnh sát Paris sẽ tuần tra đông đảo quanh Khải hoàn Môn, nơi màn trình diễn ánh sáng sẽ diễn ra trong 10 phút, thay vì 20 phút như thường lệ. Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cũng đã hủy kế hoạch bắn pháo hoa, và thừa nhận “sự kiện này trên hết sẽ mang tính biểu tượng, để gửi đi một thông điệp tới thế giới rằng Paris vẫn đứng vững và người Paris sẽ tiếp tục sống”.

Tờ Guardian dẫn lời cảnh sát địa phương cho biết, 9000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai khắp thủ đô nước Pháp trong ngày 31/12.

Thợ kỹ thuật lắp ghép những mảnh cuối cùng cho quả cầu pha lê tại New York. (Ảnh: AP)
Thợ kỹ thuật lắp ghép những mảnh cuối cùng cho quả cầu pha lê tại New York. (Ảnh: AP)

An ninh cũng là mối lo ngại hàng đầu tại quốc gia Đức láng giềng, khi giới chức nước này tin rằng các phần tử cực đoan có thể sử dụng “thiết bị nổ tự tạo…hoặc vũ khí”, trong âm mưu tấn công dịp năm mới. Cảnh sát Berlin đã cấm người dân đốt pháo hoa, hay mang theo túi xách, ba lô tới các địa điểm mừng năm mới tại Cổng Brandenburg.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trưởng New York Bill de Blasio khẳng định công tác đảm bảo an ninh cho hàng trăm nghìn người đón năm mới tại đây “kỹ lưỡng hơn bao giờ hết”.

An ninh quanh khu vực Cổng Brandenburg của Berlin đã được thắt chặt từ nhiều ngày qua (Ảnh: DPA)
An ninh quanh khu vực Cổng Brandenburg của Berlin đã được thắt chặt từ nhiều ngày qua (Ảnh: DPA)

Quảng trường Thời đại lâu nay vẫn là địa điểm thu hút đông du khách và người dân nhất trong đêm 31/12, với khoảng 1 triệu người tham gia đếm ngược. “Tôi chắc chắn hiểu rõ sự lo lắng của mọi người. Và tôi muốn mọi người cũng hiểu và biết rằng Sở cảnh sát New York đã sẵn sàng”.

Tổng cộng khoảng 6000 cảnh sát sẽ tuần tra quanh khu vực quả cầu pha lê được thả xuống. Năm nay, quả cầu khổng lồ này sẽ có thêm 288 mảnh ghép mới, bổ sung cho hơn 2100 mảnh ghép như truyền thống, với thiết kế “Quà tặng kỳ quan”. Khối pha lê sẽ được đặt trên độ cao 143m so với Quảng trường Thời đại trước khi được thả xuống đúng thời khắc giao thừa.

Thanh Tùng

Theo AP, AFP, SMH, Guardian