Thế giới “nóng” cùng tình hình Syria và Iran ở Trung Đông
(Dân trí) - Thế giới những ngày qua “nóng” chưa từng có với hai “lò lửa” ở Trung Đông vốn nhiều bất ổn: nguy cơ nội chiến ở Syria và xảy ra chiến tranh giữa Mỹ/đồng minh Israel với Iran, kéo theo những dự báo về hậu quả thảm khốc với cả khu vực.
Tình hình đang “rối” cả bên trong và bên ngoài Syria.
Sau 10 tháng biểu tình phản đối phi bạo lực vấp phải sự đàn áp dã man, các phiến quân Syria vũ trang hiện đang phát động các trận chiến kéo dài với lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại nhiều khu vực ngay ở cửa ngõ thủ đô Damas.
Phe đối lập, thất vọng trước việc các quan sát viên của Liên đoàn Arập (AL) không đạt được tiến bộ trong việc chấm dứt sự đàn áp với các cuộc biểu tình ở nước này, dọa sẽ tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng của Tổng thống al-Assad. Nguy cơ nội chiến đang đến rất gần với Syria.
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an LHQ đang bị chia rẽ về một dự thảo nghị quyết do AL đề xuất, trong đó kêu gọi chấm dứt tình trạng đổ máu tại Syria và bắt đầu tiến trình chuyển giao chính trị tại nước này.
Mỹ và đồng minh Israel trong khu vực đã xúc tiến một dự thảo nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria, yêu cầu Tổng thống al-Assad từ chức kèm theo các chi tiết khác liên quan đến tiến trình chuyển sang dân chủ tại nước này. Nhưng Nga, nước thành viên nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an - phản đối dự thảo này.
Nga dường như kiên quyết không để điều này xảy ra một lần nữa ở Syria, nước được cho là đồng minh Arập cuối cùng của Nga tại Trung Đông . Cả Trung Quốc lẫn hầu hết các nước trong nhóm BRICs (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đều chia sẻ quan điểm này của Nga. Quan hệ giữa Nga và phương Tây tại Hội đồng Bảo an LHQ trở nên xấu đi nghiêm trọng hồi năm ngoái xung quanh tranh cãi về một nghị quyết của LHQ cho phép dùng vũ lực bảo vệ dân thường trong các cuộc nổi dậy tại Libya.
Washington được cho là không muốn can thiệp vào Syria. Tuy nhiên, sự hiện diện của một trong những hàng không mẫu hạm của Mỹ ở vùng biển khá gần Syria đã làm dấy lên nhiều đồn đoán. Tuần này, truyền thông Nga cho biết Mátxcơva sẽ đưa hàng không mẫu hạm tiên tiến nhất của mình tới Syria – động thái mà hầu hết các nhà phân tích cho rằng đây có thể là lời cảnh báo ngầm tới các cường quốc phương Tây đang tính đến việc can thiệp quân sự vào Syria.
Nguy cơ các cuộc nổi dậy ở Syria đang leo thang thành một cuộc nội chiến quy mô lớn đã thấy rõ. Nguy hiểm hơn, một cuộc nội chiến không loại trừ sẽ hút các quốc gia khác vào cuộc, sẽ không chỉ khoét sâu thêm những mâu thuẫn khu vực mà còn làm gia tăng sự đối đầu giữa các cường quốc trên thế giới. Những đồn đoán về sự can thiệp quân sự của nước ngoài có nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp theo kiểu "Chiến tranh Lạnh" giữa Nga và Mỹ.
Báo chí Mỹ từng dẫn lời Robert Danin, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại Washington, nói: "Rõ ràng, Syria đang rơi vào nội chiến và xung đột phe phái ác liệt. Tuy nhiên, với việc Syria có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực, giáp biên giới với các nước quan trọng đối với các lợi ích của Mỹ - trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordan, Israel và Lebanon - chắc chắn những biến động và bất ổn tại Syria sẽ vượt khỏi biên giới của nước này".
Chiến tranh với Iran – đồn đoán và những động thái
Tình trạng bế tắc giữa Iran và phương Tây liên quan đến vấn đề hạt nhân đã khiến quan hệ vốn căng thẳng giữa hai bên leo thang đến mức cao chưa từng thấy. Những đồn đoán về nguy cơ xảy ra chiến tranh đã xuất hiện từ những ngày cuối năm 2011, nay đã được “củng cố” thêm bằng những động thái của các bên.
Báo chí khu vực đầu tháng 1/2012 đưa tin các lực lượng không quân và hải quân của Mỹ, Nga, Pháp và Anh đã đổ về vùng duyên hải của Syria và Iran để sẵn sàng cho những diễn biến mới tại hai điểm nóng Trung Đông này. Báo chí phương Tây một tháng sau đó xác nhận Mỹ, Anh và Pháp đã bắt đầu điều quân đến khu vực vịnh Persian “để chuẩn bị tham chiến với Iran”.
Theo thông tin hiện có, các đội quân hiện đang di chuyển đến đảo Masira thuộc Oman, nằm về phía Nam của Eo biển Hormuz, nơi lập căn cứ quân sự của lực lượng không quân Mỹ; Mỹ đã điều máy bay chiến đấu đến Qarta, cũng sẽ tăng cường quân ở Israel và Kuwet. Binh lính Anh và Pháp cũng đã bắt đầu đến Arập Xêút và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất.
“Mục tiêu chính là Iran và chương trình hạt nhân của Tehran mà các nước phương Tây quan ngại lâu nay”, báo chí Nga viết.
Iran đã không ngừng khiêu khích Mỹ trong 10 ngày qua. Theo giới chuyên gia Nga, trong những tháng gần đây đã xuất hiện nguyên cớ để mở màn sự đối kháng công khai - đó là Eo biển Hormuz, hành lang biển chủ đạo để chuyên chở dầu mỏ từ khu vực vịnh Péc-xích ra thị trường quốc tế, đang bị Tehran đe dọa sẽ ngăn chặn.
Các nước đồng minh rõ ràng là đang chuẩn bị tấn công nếu như Tehran thực hiện lời đe dọa này. Nhưng ở một khía cạnh khác, không một nước nào trong số các quốc gia kể trên sẵn sàng tham chiến.
Lo ngại xung quanh vấn đề Iran còn liên quan tới cả Israel đang để ngỏ khả năng tấn công quốc gia hồi giáo này, và nước Mỹ lúc đó sẽ khó xử. Tờ Washington Post ngày 2/2 đã đề cập tới khả năng Israel có thể đang chuẩn bị tấn công Iran. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Penetta tin rằng thời điểm xảy ra có thể trong khoảng thời gian từ tháng 4 tới tháng 6.
Israel lo ngại rằng Iran sẽ sớm có đủ lượng urani đã được làm giàu tại các cơ sở nằm sâu trong lòng đất. Israel không thể kiên nhẫn chờ Mỹ bật đèn xanh và sẵn sàng phớt lờ những lời khuyên của Mỹ, bởi nếu chờ cho tới khi Iran chế tạo thành công bom hạt nhân và tấn công trước, quốc gia Do thái này lúc ấy sẽ không có khả năng chống đỡ.
Nhưng cũng có nhiều phân tích cho rằng cả Mỹ và Israel đều không thể hiện mong muốn một cuộc chiến sắp xảy ra. Một cuộc tấn công nhằm vào Iran sẽ tạo ra những thách thức nghiêm trọng: giá dầu tăng cao, khả năng Iran báo thù nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ và cả Israel, sự hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố…, trong khi thiệt hại đối với chương trình hạt nhân của Iran chỉ là hạn chế.
Đây rõ ràng là điều mà cả Israel và Mỹ đều không muốn.
Việt Hà