1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới nói gì về việc Tổng thống Ai Cập bị lật đổ?

(Dân trí) - Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng đầu tiên trước thông tin Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự.

Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Quân đội Ai Cập ngày 3/7 đã phế truất Tổng thống Morsi sau khi những người phản đối ông tiến hành các cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài cả tuần qua nhằm kêu gọi ông này từ chức. Ông Morsi đã bác bỏ tối hậu thư của quân đội nhằm giải quyết các bất đồng chính trị để chấm dứt khủng hoảng, dẫn tới sự can thiệp của quân đội hôm qua.

Ông Adly Mansour, nhân vật mới được bổ nhiệm là người đứng đầu Tòa án hiến pháp tối cao, đã được chỉ định làm tổng thống lâm thời của Ai Cập.

Phản ứng trước thông tin trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông "rất lo ngại" về diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập và kêu gọi nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự.

Ông Obama cũng yêu cầu xem xét lại viện trợ quốc tế của Mỹ cho Ai Cập, mà theo luật pháp Mỹ là sẽ bị đình chỉ trong trường hợp một nhà lãnh đạo dân cử bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự.

Hôm qua, Washington đã yêu cầu sơ tán hầu hết các nhân viên tại đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Cairo.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ lo ngại, kêu gọi sự bình tĩnh và kiềm chế tại Ai Cập.

Một phát ngôn viên cho hay ông Ban tin rằng người Ai Cập có "những lo ngại chính đáng", nhưng ông cũng quan ngại về việc quân đội phế truất Tổng thống Morsi.

"Điều quan trọng là phải nhanh chóng củng cố chính quyền dân sự phù hợp với các nguyên tắc của dân chủ", phát ngôn viên Eduardo del Buey của ông Ban nói.

Trong khi đó, bà Catherine Ashton, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, đã lên án tình trạng đổ máu tại Ai Cập, vốn làm gần 50 người thiệt mạng, và kêu gọi nhanh chóng khôi phục nền dân chủ.

"Tôi hối thúc tất cả các bên nhanh chóng trở lại tiến trình dân chủ, trong đó có việc tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống một cách tự do và công bằng, và phê chuẩn hiến pháp", Bà Ashton nói.

Anh đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về những diễn biến mới nhất tại Ai Cập.

"Tình hình rõ ràng là rất nguy hiểm và chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh bạo lực", Ngoại trưởng Anh William Hague nói.

"Anh không ủng hộ sự can thiệp của quân đội là cách thức để giải quyết các tranh cãi trong một hệ thống dân chủ", ông Hague nói trong một tuyên bố.
 
Ngoại trưởng Hague đã kêu gọi "các cuộc bầu cử sớm và công bằng, trong đó tất cả các đảng phái có thể chạy đua, và một chính phủ dân sự.

Còn phát ngôn viên Bộ ngoại giao Canada đã kêu gọi sự bình tĩnh, đối thoại giữa các đảng đối lập và khôi phục dân chủ.

Tuy nhiên, Quốc vương Ả-rập Xê-út Abdullah hôm qua đã bày tỏ ủng hộ đối với sự can thiệp của quân đội Ai Cập và chúc mừng Tổng thống lâm thời Mansour.

"Chúng tôi cầu mong Thượng đế giúp ông đảm nhận được trọng trách nhằm đạt được những kỳ vọng của người dân Ai Cập", Quốc vươngAbdullah nói.

An Bình
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm