1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới lại thêm một quốc gia hạt nhân?

(Dân trí) - Chính phủ Brazil quyết định tái khởi động lại chương trình hạt nhân của nước này bằng việc xây dựng trung tâm hạt nhân thứ 3, bất chấp sự phản đổi của bộ trưởng môi trường và các nhà sinh thái học.

Quyết định xây dựng trên được đưa ra sau khi được Hội đồng chính sách năng lượng quốc gia thông qua ngày 25/6 vừa qua và còn chờ được Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva phê chuẩn trong vài ngày tới.

Bộ trưởng môi trường, bà Marina Silva là người duy nhất trong số 10 thành viên Hội đồng phản đối dự án trên. Cách đây 15 ngày, Tổng thống Lula khẳng định ủng hộ quyết định trên trong tuyên bố: “Năng lượng nguyên tử là loại năng lượng sạch, nó không gây ô nhiễm, không thải khí CO2 nên không gây ra hiệu ứng nhà kính. Công nghệ mà Brazil đang có hiện nay rất hoàn thiện, nên sẽ không có một thảm họa hạt nhân như đã xảy ra tại Chernobyl, Ukraina năm 1986”. 

Theo giải thích của người đứng đầu nhà nước, việc lại tiếp tục xây dựng trung tâm hạt nhân Angra III là nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 5% của Brazil. Chính phủ Brazil muốn bảo đảm với các nhà đầu tư rằng từ năm 2010, nước này sẽ không thiếu hụt năng lượng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Brazil cực lực phản đối dự án này. Bà nhấn mạnh: "Trong suốt 15 năm nay, không một nước nào xây dựng các trung tâm  hạt nhân do vấp phải những vấn đề lớn khó giải quyết liên quan đến chất thải hạt nhân. Chúng ta có những nguồn tài nguyên khác, tiềm năng thủy điện lớn và các năng lượng sạch khác đáng được đầu tư hơn". Giám đốc nhà máy điện quốc gia Eletronuclear, ông Luiz Pinheirp mới đây cho hay, Brazil dự kiến xây dựng 8 trung tâm khác từ nay đến 2030 nhằm đối phó với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Hiện nay, 80% nhu cầu năng lượng của Brazil là do các nhà máy thủy điện cung cấp. Chương trình hạt nhân của nước này ra đời năm 1956. Hiện có hai trung tâm là Angra I và II đang hoạt động với công suất 2.000 MW, chiếm 2,2% tổng sản lượng điện của nước này và đều được xây dựng tại bang Rio de Janeiro. Lò phản ứng Angra III, công suất dự kiến 1.350 MW, đã được xây dựng cách đây 20 năm với chi phí là 750 triệu USD nhưng hiện đang bị gián đoạn. Việc tiếp tục xây dựng trung tâm hạt nhân này đòi hỏi một khoản đầu tư lên tới 3,58 tỷ USD.

 

Từ năm 1979, Brazil đã sở hữu một chương trình hạt nhân do Hải quân và Viện nghiên cứu năng lượng hạt nhân của nước này soạn thảo và thành công trong việc làm giàu uranium (ở mức 5%) nhằm mục đích cung cấp nhiên liệu cho các trung tâm. Nước này cũng có ý định chế tạo một tàu ngầm động cơ hạt nhân.

 

Theo Bộ trưởng năng lượng Nelson Hubner, với việc tái khởi động chương trình hạt nhân, Brazil, nước có nguồn dự trữ uranium lớn thứ 6 trên thế giới sẽ trở thành một trong 3 nước có dự trữ, khả năng sản xuất và làm làm giàu uranium. Một phần trang thiết bị lắp đặt tại trung tâm này do tập đoàn Areva của Pháp cung cấp.

 

Ngọc Nhàn

Theo AFP.