1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới lạc quan với kết quả của thượng đỉnh Mỹ - Triều

(Dân trí) - Sau những cái bắt tay nồng ấm và cam kết của 2 nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Donald Trump vì một bán đảo Triều Tiên hòa bình và phi hạt nhân hóa hoàn toàn, dư luận và các lãnh đạo thế giới đã bày tỏ sự lạc quan về sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Ngày 12/6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp thượng đỉnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore, trong một sự kiện đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp người đứng đầu chính quyền Bình Nhưỡng.

Sau một năm với hàng loạt các động thái đẩy căng thẳng lên cao trào, cuối cùng 2 nhà lãnh đạo đã ngồi lại và bàn bạc nhằm hợp tác tháo gỡ những khúc mắc. Tuy nhiên, hy vọng về một nền hòa bình tại khu vực vẫn chưa quá chắc chắn do 2 nước đã từng đàm phán nhưng chưa đạt được mục tiêu như mong muốn.

“Mỹ và Triều Tiên đã ở trong tình trạng đối đầu nhau hơn một nửa thế kỷ qua. Hôm nay, 2 nhà lãnh đạo cấp cao nhất có thể ngồi lại và trao đổi một cách công bằng. Đây có thể được coi là một động thái mang ý nghĩa tích cực và quan trọng, và họ dường như đang viết nên một trang sử mới”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhận định.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng sau đó cho biết các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) chống lại tham vọng hạt nhân của Triều Tiên có thể tạm dừng hoặc được gỡ bỏ tùy vào hành động của Triều Tiên. “Chúng tôi tin là Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nỗ lực trong việc ủng hộ các nỗ lực ngoại giao vào thời điểm này (nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên)”.

Phát biểu về hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông không ngủ được vì lo lắng cho cuộc họp và cho biết ông rất hy vọng vào một tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa toàn diện trên khu vực. Tại ga tàu ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, người dân nước này hò reo và vỗ tay khi chứng kiến cú bắt tay lịch sử giữa 2 nhà lãnh đạo.

“Tôi thực sự rất kỳ vọng vào một kết quả tốt đẹp. Tôi đang nuôi hy vọng về tiến trình phi hạt nhân hóa và hiệp ước hòa bình và cả việc nền kinh tế Triều Tiên sẽ mở cửa”, giáo sư Yoon Ji từ đại học Sungshin ở Seoul nói.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá cao cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn mà ông Kim đã đặt bút kí trong thỏa thuận chung với ông Trump tại sự kiện lần này. Ông Abe đã gửi lời cảm ơn tới ông Trump vì đã nêu ra một số vấn đề mà Nhật Bản quan tâm và khẳng định Nhật bản sẽ "thương lượng mặt đối mặt một cách dứt khoát với Triều Tiên”. Tờ báo hàng đầu Nhật Bản ,Yomiuri, dành hẳn một chuyên trang viết về sự kiện trọng đại này.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng 2 bên Mỹ và Triều Tiên nên chuẩn bị cho việc phải hy sinh một điều gì đó để mang lại kết quả tốt cho đại cục.

Phát biểu sau kết quả của hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moscow nhận thấy kết quả của cuộc gặp mặt là rất tích cực. “Đến lúc này, chúng tôi ủng hộ sự thật rằng một bước tiến quan trọng đã được đặt nền móng”, ông Ryabkov nói, đồng thời kỳ vọng về mô hình đàm phán 6 bên (thêm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga) sẽ được khôi phục.

Đức Hoàng

Theo New York Times