1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Thầy phù thủy” Maliki có giải được lời nguyền ở Iraq?

(Dân trí) - Có lẽ người Iraq hy vọng Thủ tướng mới được đề cử Jawad al-Maliki có thể thực hiện được lời hứa đoàn kết đất nước đang "tan đàn xẻ nghé", song vẫn đang chờ đợi một kế hoạch quan trọng của nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite này.

Ngày 23/4, Bagdad choàng tỉnh trước một vụ nổ làm chết 7 người, một ngày sau khi Tổng thống Iraq yêu cầu ông Maliki thành lập nội các. Một tờ báo của Iraq nhận định rằng chỉ riêng việc phá vỡ tình trạng bế tắc kéo dài bốn tháng qua xung quanh chính phủ đã là một kỳ công.

 

Người dân Iraq, tuyệt vọng trước tình trạng bạo động đẫm máu, hy vọng rằng Thủ tướng được đề cử Maliki có thể ngăn không để cho đất nước này rơi vào cuộc nội chiến phe phái, nhưng ông chưa đề ra được một chiến lược quan trọng nhằm cải thiện tình hình an ninh, cứu vớt nền kinh tế hoặc phân chia quyền lực một cách công bằng giữa các cộng đồng đối địch nhau.

 

Washington hoan nghênh việc chỉ định ông Maliki vào chức thủ tướng Iraq là một bước khai thông và nói chính phủ Mỹ có thể hợp tác với ông này. Người Ảrập dòng Sunni hy vọng Maliki làm trong sạch Bộ Nội vụ vốn do người Shiite điều hành mà họ cáo buộc là đang dung túng những đội quân thần chết. Nếu Maliki quá "hiền lành", người Sunni có khả năng sẽ tố cáo ông theo đuổi chính sách bè phái. Nếu quá cứng rắn, ông có nguy cơ sẽ chọc giận những thành viên ôn hòa thuộc cộng đồng đa số người Shiite của mình. Maliki sẽ phải hết sức thận trọng "luồn lách" qua những bãi mìn phe phái, trong khi duy trì hình ảnh của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ quyết đoán.

 

Nhà lãnh đạo đảng Dawa này đã đề cập đến vấn đề dân quân dễ gây bùng nổ liên quan đến các chính đảng cầm quyền, trong đó có cả các đảng phái thuộc Liên minh Shiite cầm quyền. Sau khi được chỉ định vào chức thủ tướng, ông Maliki đã công khai tuyên bố rằng cần phải sáp nhập các lực lượng dân quân vào các lực lượng vũ trang - một quan điểm có thể trấn an Đại sứ Mỹ Zalmay Khalilzad, người từng nói các lực lượng dân quân giết hại người Iraq nhiều hơn so với quân nổi dậy. Các sĩ quan quân đội Mỹ ước tính Lữ đoàn Badr, lực lượng dân quân của người Shiite, có khoảng 5.000-7.000 quân. Các nhà lãnh đạo Sunni tố cáo lực lượng dân quân này đang điều hành những đội quân thần chết.

 

Đồng minh của Maliki trong chính phủ lâm thời bị chỉ trích gay gắt về hồ sơ nhân quyền, đặc biệt là sau khi binh sĩ phát hiện trong Bộ Nội vụ nơi giam giữ 173 người hầu hết là tù nhân người Sunni có dấu hiệu bị suy nhược và bị tra tấn. Từng bị các đối thủ tố cáo là bè phái, chính khách từng sống lưu vong này sẽ bị xét nét khi ông tiến hành trấn áp các cuộc nổ dậy của người Sunni trong nỗ lực mới nhằm bình ổn Iraq.

 

Saleem al-Jubouri, giáo sư luật thuộc Đại học Diyala ở Iraq, đã liệt kê những thách thức mà ông Maliki sẽ phải đối mặt là: sự chiếm đóng của liên quân, những sự can thiệp khu vực, các lực lượng dân quân và những khu giam giữ bất hợp pháp. Ông Jubouri nói: "Ông ta (Maliki) sẽ phải giải quyết được tất cả những vấn đề này. Chỉ đến lúc đó, chúng tôi mới có thể nói rằng ông là phù hợp với công việc này".

 

Không giống những nhân vật sống lưu vong khác từng thu hút sự chú ý của báo giới sau khi trở lại Iraq sau cuộc xâm lược do Mỹ cầm đầu năm, Jawad al-Maliki hoạt động hậu trường để hoạch định các chính sách hậu chiến. Ông đã tham gia soạn thảo hiến pháp và giành được sự tôn trọng tại bàn đàm phán. Ông Maliki có quan điểm cứng rắn đối với quân nổi dậy người Sunni, tuyên bố những kẻ giết hại người Iraq sẽ phải bị hành quyết, một biện pháp mà một số người cho rằng sẽ chỉ càng phá hoại những nỗ lực nhằm lôi kéo quân nổi dậy tham gia tiến trình chính trị.

 

Chắc chắn các đối tác Sunni của chính phủ sẽ yêu cầu ông cho phép một số thành viên trong đảng Baath của Saddam Hussein trở lại quân đội để góp phần dập tắt cuộc nổi loạn mà nhiều người cho là bị châm ngòi bởi quyết định của Mỹ loại trừ họ hồi tháng 5/2003. Dự đoán, Maliki đã lôi kéo được sự ủng hộ của thành phố Najaf của người Shiite, quê hương của Đại giáo chủ Ali al-Sistani, người góp phần kiềm chế các tín đồ Shiite sau các vụ đánh bom của người Sunni.

 

Việc tạo sự cân bằng giữa người người Shiites, người Cuốc và người Sunni đã trở nên phức tạp hơn nhiều kể từ khi vụ đánh bom một ngôi đền của người Shiite đẩy Iraq tới bờ vực của cuộc nội chiến. Có lẽ Maliki là người có thể đoàn kết nhân dân Iraq, song ông đang phải gánh vác một nhiệm vụ rất to lớn, nặng nề.

 

Nguyễn Sơn

Theo Reuters