1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thấy gì từ vụ Trung Quốc “chèn ép” Phillipines tại Scarborough?

Dư luận quốc tế tự hỏi, liệu căng thẳng có leo thang hơn nữa? Và đâu là lối ra cho tình hình?

Theo phía Phillippines, vào sáng 28/4, Trung Quốc đã có hành động chèn ép bằng cách cho một tàu lớn bất ngờ tăng tốc lên 20 hải lý/h (37 km/h), đi xuyên qua hai tàu tuần duyên nhỏ của Philippines, tạo ra những đợt sóng lớn đánh vào hai tàu này. Đây là vụ việc nghiêm trọng nhất, kể từ khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng do tranh chấp tại bãi đá ngầm Scarborough / Hoàng Nham vào ngày 8/4.

Phía Philippine cho biết, "Tàu của chúng tôi đã không phản ứng trước  hành động ức hiếp này". Nhưng Phillippines đòi đưa vụ việc ra xử tại Tòa án Quốc tế, điều mà phía Trung Quốc bác bỏ, như lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân đã nói: “Quốc tế hóa vấn đề này sẽ chỉ làm phức tạp và thổi phồng vấn đề”.

Rõ ràng là Phillippines không muốn bị đơn độc trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Và Trung Quốc, như đã nói, lại không chấp nhận giải pháp đa phương để giải quyết căng thẳng qua con đường ngoại giao. Vụ việc dường như bị lâm vào bế tắc. Không bên nào chịu rút tàu của mình ra khỏi nơi tranh chấp. Ngược lại, Phillippines vừa đưa thêm 6 tầu cá tới bãi ngầm để cân bằng với số tàu cá của Trung Quốc.  Dư luận quốc tế tự hỏi, liệu căng thẳng có leo thang hơn nữa? Và đâu là lối ra cho tình hình?

Thấy gì từ vụ Trung Quốc “chèn ép” Phillipines tại Scarborough? - 1

Một tàu hải giám của Trung Quốc gần bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham.

 

Cần nói ngay là vụ việc sẽ không leo thang thành xung đột vũ trang giữa hai nước, dù chỉ giới hạn tại điểm xẩy ra tranh chấp. Trung Quốc cho tàu hải giám, không phải tàu hải quân, đến hỗ trợ các tàu cá, nên Phillippines không thể kéo Mỹ vào một cuộc xung đột có tính quân sự, dựa trên hiệp ước phòng thủ chung. Mà đứng một mình, thì việc lựa chọn thế đối đầu có vũ trang với Trung Quốc sẽ là một sự mất mát chắc chắn nhất cho Phillippines.

Vậy việc giải quyết chỉ hoặc qua con đường ngoại giao đa phương, có lợi cho Phillippines; hoặc qua đối thoại song phương, mà Trung Quốc có lợi. Nếu Phillippines tin là áp lực khu vực và quốc tế tới cuộc xung đột ngày càng tăng, và biết là Trung Quốc biết rõ điều đó, thì sự kiên định của Phillippines theo đường lối “giữ thế cân bằng”,không phản ứng trước sự chèn ép của Trung Quốc, sẽ làm tăng cơ hội giải quyết vấn đề theo hướng đa phương.

Ngược lại, nếu Trung Quốc tin là Phillippines bị bỏ rơi, thì căng thẳng sẽ leo thang. Trung Quốc sẽ tăng các biện pháp chèn ép (hay khiêu khích?) mà một phản ứng không kiểm soát của phía Phillippines với sự chèn ép sẽ ép nước này  phải ngồi vào bàn đối thoại song phương với Trung Quốc.

Chính vì vậy mà có vụ Trung Quốc cho tầu hải giám tăng tốc, gây nguy hiểm cho tàu của Phillippines. Vấn đề là Trung Quốc tin rằng Phillippines chưa kêu gọi được sự ủng hộ toàn diện của ASEAN và Mỹ lại không thể dính vào cuộc tranh chấp.

Nói khác đi, Trung Quốc tin rằng Phillippines đang ở thế cô lập. Nếu cơn sóng lớn gây ra bởi cú tăng tốc làm tàu Phillippines bị chao đảo và nếu sự chao đảo đó khiến một người lính của Phillippines mất bình tĩnh, bắn một phát súng chỉ thiên thôi, thì cũng đủ để đưa Phillippines ngồi vào bàn đối thoại song phương với Trung Quốc.

Vậy tình huống hiện nay không phải là sự bế tắc, nhưng có thể diễn ra nhiều bất ngờ mới, có tính chèn ép của Trung Quốc, để khiến tranh chấp bị xoay vào thế song phương. Như vừa nêu, sẽ là khôn ngoan nếu Phillippines tuyệt đối không phản ứng gì với những sự chèn ép này, như người pháp ngôn Bộ ngoại giao Phillippines là Raul Hernandez đã nói.

Việc lôi kéo dư luận quốc tế vào vụ việc, thông qua việc gắn lợi ích các nước lớn với Phillippines qua các vụ việc khác, sẽ là phản ứng tốt nhất để xoay diễn biến tranh chấp về phía đa phương. Tất nhiên là sự lựa chọn phải xuất phát từ điều kiện cụ thể của Phillippines. Chẳng hạn vừa rồi, binh sỹ Mỹ và Philippines  đã tiến hành cuộc tập trận chung với giả định xông lên tái chiếm đảo Palawan của Philippines, đảo nằm cách không xa nơi xảy ra căng thẳng thực giữa Philippines và Trung Quốc.

Trong một diễn biến mới nhất, tại buổi nói chuyện tại Quỹ Heritage, khi đề cập đến cuộc tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông, Bộ trưởng ngoại giao Philippines là Del Rosario khẳng định: "Chúng tôi cần ngăn cản mọi cuộc xâm nhập tiếp theo vào các vùng biển mà chúng tôi có chủ quyền. Chúng tôi đang đệ trình một danh mục các vũ khí hạng nặng mà Mỹ có thể giúp chúng tôi, dưới dạng các tàu tuần tiễu, máy bay tuần tra, hệ thống rađa và các trạm theo dõi bờ biển. Chúng tôi đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đối tác quốc tế khác, những nước cũng rất sẵn lòng giúp đỡ".

Ông Del Rosario cho biết "trong khi chờ các vũ khí mới, điều quan trọng đối với Philippines và đồng minh Mỹ là hai bên tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự theo cách thức tốt hơn, tại nhiều địa điểm hơn và thường xuyên hơn". Ngoài ra, Philippines cũng đang tăng cường quan hệ đối tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các nước khác trong các lĩnh vực như an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thảm họa.

Dĩ nhiên, tập trận chung, mua sắm vũ khí hạng nặng, hay tăng quan hệ hợp tác về an ninh biển chẳng làm thay đổi thế “trứng chọi đá” về mặt quân sự của Phillippines với Trung Quốc. Nhưng rõ ràng là lợi ích của các nước lớn về an ninh biển và ý muốn của Phillippines nhằm giữ các vùng biển mà Phillippines có chủ quyền theo công ước quốc tế là có gắn kết nhau.

Giờ đây, Trung Quốc sẽ phải lựa chọn giữa việc làm cho tranh chấp kéo dài và ngày càng thúc đẩy các nước lớn dính líu vào vụ việc một cách gián tiếp, có lợi cho họ, như tập trận chung Mỹ - Phillippines; hoặc sẽ phải gia tăng sự chèn ép, đẩy nhanh diễn tiến tranh chấp.

Nhưng điều đó sẽ lôi kéo các tiếng nói đa phương vào bênh vực bên bị chèn ép là Phillippines và yêu cầu các bên phải xử lý tranh chấp thông qua con đường quốc tế.
 
Theo TS. Lê Hồng Nhật
Tuần Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm