1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thất bại được báo trước

(Dân trí) - Sau hơn một tuần đàm phán vòng I và 5 ngày đàm phán vòng II, Hội nghị quốc tế lần thứ hai về Syria (gọi tắt là Geneva II) đã chính thức kết thúc thất bại. Một thất bại được báo trước do có quá nhiều lý do khiến mọi việc không thể khác.


Thất bại được báo trước


Dự cảm thất bại ngay từ đầu khiến nhà trung gian hòa giải quốc tế Lakhdar Brahimi chưa một lần nở nụ cười. So với vòng đàm phán đầu tiên diễn ra tháng trước, vòng đàm phán thứ hai vừa kết thúc ở Geneva có ghi nhận một số thay đổi trong thái độ của các bên.

Thay vì việc mỗi đoàn đàm phán (đại diện cho chính phủ và phe đối lập Syria) bước vào trung tâm hội nghị từ các cửa khác nhau và ngồi ở hai phòng riêng rẽ buộc nhà trung gian hòa giải quốc tế Lakhdar Brahimi phải tất bật qua lại giữa hai nơi để bắc cầu quan điểm, thì lần này, hai bên đã vào cùng một cửa và ngồi cùng một bàn đàm phán.

Tuy nhiên, những nghi kỵ và khác biệt quan điểm giữa các bên vẫn tạo ra rào cản khiến hai phái đoàn chưa thể đối thoại trực tiếp. Vì thế, dù ông Lakhdar Brahimi không còn phải đứng lên ngồi xuống ở hai phòng như lần trước, nhưng vẫn phải đàm phán riêng rẽ với từng bên ngay trước sự chứng kiến của bên còn lại.

Nếu quay chậm lại những thước phim trong phòng đàm phán có thể thấy Hội nghị Geneva II không khác nào một sân khấu kịch mà trên đó các vai diễn dù chính hay phụ đều mâu thuẫn nhau về lợi ích ở các mức độ khác nhau.

Thứ nhất, về mục đích đàm phán. Trong khi phe đối lập Syria bước đến bàn đàm phán với tâm thế muốn đạt được hai mục tiêu chính là chấm dứt chiến tranh và lập nên một chính phủ chuyển tiếp không có sự tham gia của Tổng thống Bashar al-Assad, thì đoàn đàm phán chính phủ Syria lại muốn đặt vấn đề chống khủng bố (thuật ngữ ám chỉ các tay súng nổi dậy) lên ưu tiên hàng đầu trên bàn nghị sự. Đây là lý do chính khiến các bên khởi sự đàm phán một cách căng thẳng và quay sang đổ lỗi cho nhau về việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở thành phố Homs, nơi thường xuyên chứng kiến các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng phiến quân nắm quyền kiểm soát với lực lượng quân đội đang bao vây vòng ngoài.

Thứ hai, phương Tây và phe đối lập Syria đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng, bằng việc “kéo” được đoàn đàm phán chính phủ tới Geneva, họ đã có thể chạm được một tay vào chiến thắng. Chẳng thế mà khi phe đốilập Syria muốn đề cập đến vấn đề thành lập chính phủ chuyển tiếp, một quan chức Syria đã khẳng định:“Phái đoàn Syria đến Geneva không phải để đàn phán cho sự diệt vong của mình”.

Thứ ba, sự mâu thuẫn lợi ích và khác biệt trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề Syria của hai cường quốc Nga, Mỹ - lần lượt chống lưng cho hai lực lượng đối lập nhau ở Syria - cũng khiến cho vòng đàm phán thêm phần căng thẳng. Một khi những lực lượng cầm trịch còn chưa ngã ngũ quan điểm thì đương nhiên, các quân cờ của họ cũng sẽ khó bề có được những bước tiến mạnh mẽ và khôn ngoan.

Thứ tư, trước một hồ sơ gai góc như cuộc xung đột Syria, việc các bên phó thác hoàn toàn sứ mệnh hòa giải và điều phối cho một mình đặc phái viên Brahimi chẳng khác nào hành động “đem con bỏ chợ”. Rât dễ để nhận ra rằng ông Brahimi khó xoay sở thành công cuộc họp khi giữa các bên có quá nhiều vấn đề nổi cộm đặt ra trước mắt.

Thứ năm, việc các cường quốc như Mỹ, Nga, Anh, Pháp chưa tham gia nhiều vào vòng đàm phán, trong khi các quốc gia có tiếng nói quan trọng khác như A-rập Xê-út, Ai Cập, Qatar và Iran lại không được mời tham gia cũng khiến vòng đàm phán gặp khó ngay khi chưa bắt đầu. Thông thường, khi các nhân vật chính không thể đối thoại trực tiếp với nhau thì sự trung gian giúp đỡ vô tư của cộng đồng quốc tế sẽ là phương thuốc giải quyết khôn khéo và hiệu quả nhất để dẫn dắt các bên đi tới thỏa hiệp cuối cùng.

Với ngần ấy nguyên nhân, ngay kể cả những người lạc quan nhất cũng không dám tin vào một kết quả nở hoa sau hai vòng đàm phán gần như liên tiếp với rất ít sự chuẩn bị. Và thực tế cũng đã chứng minh điều đó.

Hiệp hai của Hội nghị Geneva II đã khép lại sau 5 ngày đàm phán mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, cũng như không thể thu hẹp khác biệt lợi ích cốt lõi giữa các bên.

Tất nhiên, việc phái đoàn chính phủ Syria và phe đối lập chịu ngồi chung bàn đàm phán cũng có thể tạm coi là một thành quả, nhưng nếu thành công chỉ dừng lại ở mức này thì mục tiêu chấm dứt nội chiến Syria còn lâu mới trở thành hiện thực, cho dù đây đang là niềm mong mỏi không chỉ của hàng chục triệu thường dân Syria mà còn của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Đức Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm