1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Tháp nghiêng Pisa” ở Trung Quốc

(Dân trí) - Ngôi chùa Thích Ca Mâu Ni đã tồn tại suốt 950 năm qua giờ bắt đầu nghiêng như ngọn tháp Pisa ở Italy, đẩy các nhà khoa học Trung Quốc vào tình thế khó khăn.

Chùa Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) là ngôi chùa nổi tiếng ở Ưng Huyện, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, cách Bắc Kinh 380km về phía Tây Nam. Đây là ngôi chùa lâu đời nhất thế giới được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, bán kính là 30,27m, cao 67,31m - tương đương với một tòa nhà 20 tầng ngày nay. Để xây dựng công trình này, người xưa đã lắp ghép các mảnh gỗ lại với nhau một cách khéo léo qua vô số mộng gỗ, rầm, xà... mà không cần dùng đến 1 chiếc đinh nào.

 

Chùa có hình đa giác tám mặt cân xứng, chia thành 9 tầng tháp, hình dáng vô cùng đẹp đẽ. Tuy nhiên nhìn từ bên ngoài du khách chỉ thấy được 5 tầng trên. Mỗi tầng tháp thờ một tượng Phật, riêng tầng dưới cùng trưng bày vô số bức cổ họa quý hiếm.

 

Năm 1974 trong một đợt trùng tu, người ta còn phát hiện ra vài bộ kinh cổ, giấy viết tay và khuôn in bằng gỗ - những tư liệu hết sức quý giá để nghiên cứu tôn giáo và kĩ thuật in ấn đời nhà Liêu, chưa kể những khám phá mới về chính trị, kinh tế và văn hóa của triều đại này. Có thể nói, chùa Thích Ca Mâu Ni chứa đựng nhiều giá trị độc đáo về kiến trúc, tôn giáo và lịch sử một thời kì bí ẩn của đất nước Trung Hoa.

 

Chùa được xây dựng năm 1056 dưới triều đại nhà Liêu (cai trị Bắc Trung Quốc từ năm 916 đến 1125) để thờ cúng các vị Phật tổ. Như vậy mùng 5/9/2006 vừa qua di tích này tròn 950 tuổi. Trong suốt gần 10 thế kỉ trải qua không ít tai ương như động đất, lũ lụt, sấm sét và chiến tranh, ngôi chùa vẫn đứng vững. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo rằng giờ đây một trận động đất hay bão lớn có thể lập tức phá hủy công trình.

 

“Hiện tại ngôi chùa đang nghiêng dần, rõ nhất ở 2 tầng dưới với những vết nứt ở một số cột chính. Ngoài ra còn hơn 300 chỗ khác trong chùa cần sửa chữa.” – Thái Trắc Quân, chuyên gia Kiến trúc cổ tỉnh Sơn Tây cho biết. “Chúng tôi rất lo lắng cho sự an toàn của ngôi chùa cổ”.

 

Vấn đề này đã được nêu ra cách đây 17 năm, khi một số người phát hiện dấu hiệu xuống cấp của ngôi chùa và lên tiếng yêu cầu sửa chữa. Ban Quản lí di sản văn hóa Quốc gia Trung Quốc đã khẩn trương thành lập nhóm nghiên cứu, có nhiệm vụ sớm tìm ra giải pháp bảo tồn ngôi chùa quý. Ba giải pháp cơ bản được đưa ra: một là phá đi hoàn toàn và xây lại theo đúng phương pháp của người xưa, hai là tách rời 3 tầng trên để sửa chữa 2 tầng dưới, ba là gia cố thêm khung thép. Ba cách này ít nhiều đều làm mất giá trị nguyên bản của công trình và chi phí quá đắt, do vậy cho đến nay việc nghiên cứu vẫn chưa có kết quả.

 

Nếu không được sửa chữa, ngôi chùa này sẽ khó mà tồn tại trong thiên niên kỉ mới.

 

Ngọc Nga

Theo xinhua.net, Science Daily