Thành phố Trung Quốc phong tỏa ngôi làng vì ca bệnh "cái chết đen"
(Dân trí) - Một thành phố ở Nội Mông, Trung Quốc đã phong tỏa một ngôi làng sau khi một cư dân ở đây qua đời vì dịch hạch thể hạch, bệnh bị gọi là “cái chết đen” vì từng khiến hàng chục triệu người chết.
Theo thông báo của Ủy ban Y tế thành phố Bao Đầu, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, ca tử vong trên được báo cáo lên cơ quan chức năng vào hôm 2/8. Tới ngày 6/8, chính quyền Bao Đầu xác nhận đây là một bệnh nhân mắc dịch hạch thể hạch.
Thông báo nói rằng bệnh nhân qua đời vì suy hệ tuần hoàn nhưng không nêu rõ người này đã mắc dịch hạch như thế nào.
Để ngăn dịch lây lan, chính quyền Bao Đầu đã quyết định phong tỏa làng Suji Xincun - nơi bệnh nhân nói trên sống trước khi qua đời, cũng như tiến hành khử trùng các ngôi nhà. Theo cơ quan y tế Bao Đầu, kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy mọi người dân đều âm tính với bệnh dịch hạch thể hạch. Chín người tiếp xúc gần và 26 người tiếp xúc ở cấp độ 2 đều đã bị cách ly.
Huyện Damao Banner, nơi làng Suji Xincun tọa lạc, đã đặt cảnh báo cấp độ 3 về bệnh dịch hạch cho tới hết năm. Đây là ca dịch hạch thể hạch thứ 2 và là ca tử vong vì mầm bệnh đầu tiên mà Trung Quốc xác nhận trong năm nay. Ca dịch hạch đầu tiên bị phát hiện hồi tháng 7 ở Bayannur, một thành phố khác ở Nội Mông. Chính quyền thành phố này cũng đã ban hành cảnh báo cấp độ 3 và đóng cửa một số điểm du lịch.
Dịch hạch được xem như một trong những bệnh dịch gây chết chóc nhất trong lịch sử. Trong thời kỳ Trung Cổ, nó đã khiến 50 triệu người châu Âu thiệt mạng và bị gọi với cái tên là “cái chết đen”.
Sự ra đời của kháng sinh đã giúp kiểm soát dịch hạch, nhưng nó chưa bị loại bỏ hoàn toàn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp dịch hạch vào nhóm bệnh truyền nhiễm tái xuất hiện.
Năm 1911, dịch hạch thể phổi từng xuất hiện ở đông bắc Trung Quốc và làm 63.000 người chết. Marmot, loại động vật thuộc họ sóc, được cho là nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh này ở Trung Quốc.