Thành phố Nga ngày trở lại…
(Dân trí) - Đã 22 năm rồi tôi mới quay trở lại nơi một thời đã sống và làm việc. Cảm giác xúc động đến nao lòng suốt dọc đường về Dimitrovgrad như trải dài theo tiếng bánh xe lăn…
Ngõ phố, con đường, ốp ở, nhà máy… vẫn còn đây
Tất cả còn y nguyên như ngày nào… Có chăng khác đi là nó rêu phong hơn một chút, cũ kĩ hơn một chút so với cái ngày mà chúng tôi vừa chân ướt chân ráo từ vùng đất quê hương Nghệ Tĩnh leo lên máy bay của Hãng hàng không Aerpholot xuất phát từ Đông Anh, Hà Nội.
Tháng 3 của mùa đông Nga năm ấy thật lạnh lẽo lại trong tâm trạng lần đầu tiên sống nơi xứ lạ, nhưng phía trước mọi cái đều mới mẻ lôi cuốn. Tuyết trắng lạnh lẽo là thế nhưng lại là một sự thú vị và vô cùng hấp dẫn. Bởi tuyết trắng với chúng tôi ngày còn ở quê nhà chỉ là điều thấy được trên phim ảnh chứ không phải được sờ, bốc, nắm, xoa vào tay ném nhau hay thậm chí là... “ăn” những bông tuyết rơi rơi khi đưa tay ra hứng.
Thực ra, nhờ có Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An sang thăm và làm việc ở Ulyanovsk mà tôi may mắn được trở lại nơi này. Trong tâm thức của tôi, đã từng trăn trở và nuôi ý nguyện quay trở lại dù chỉ một lần để thăm vùng đất cũ với bao nhiêu kỉ niệm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh lôi cuốn nên cứ mãi lỗi hẹn…
Về thăm lại thành phố cũ Dimitrovgrad, suốt dọc đường đi, những hình ảnh kỉ niệm về mảnh đất cũ này cứ hiện lên xốn xang… Nhất là khi nhìn thấy cột mốc đầu địa giới của thành phố Dimitrovgrad dần hiện ra.
Xe tấp vào chợ cũ, mọi thứ vẫn như xưa. Khu chợ mà ngày nào, chúng tôi còn đi “săn hàng”, từ xoong nhôm, bàn là, quạt máy, tủ lạnh, xe Minxcơ v.v… để gom góp đóng thùng hàng gửi về giúp đỡ người thân nơi quê nhà.
Nụ cười tươi của bà con ở chợ Dimitrovgrad lúc gặp lại người quen cũ.
Gặp lại mấy người quen cũ, thấy anh chị em bảo hiện chỉ còn lại bám trụ khoảng 40-50 người. Buôn bán cũng èo uột lắm, đủ đắp đổi qua ngày, dôi ra thì tiết kiệm chút đỉnh gửi về găm tạm sổ tiết kiệm, nhưng lúc bên này nguy biến lại nháo nhào gửi ngược lại. Thuế má ở chợ này cũng không cao lắm, tuy nhiên hàng họ nhiều lúc ế ẩm, bởi đây là chợ quê.
Rời chợ, chúng tôi đi về phía khu “ốp” (chung cư) ngày nào. “Đôm” (nhà) số 57 hiện ra! Dòng chữ “Moxkovxkaia 57” cũ kĩ nhạt nhòa, có vẻ như nước sơn từ 22 năm trước, từ ngày mà tôi rời căn nhà này lên Mátxcơva mưu sinh, họ vẫn không sơn lại.
Vẫn 9 tầng như cũ, nhưng bây giờ nó đã trở thành căn hộ, không còn là “ốp bờ se ri che” (nhà ở tập thể) như ngày xưa nữa. Tôi đứng bần thần ngắm lại ngôi nhà, cái cửa ra vào và cả cái tầng 8 nơi có căn phòng nhỏ nhoi ngày nào mình đã ở đấy những gần 5 năm trời với bao nhiêu kỉ niệm vui buồn…
Cái “Xtalôvaia” (nhà ăn tập thể thời Xô viết) nằm ở bên đường vẫn vậy, “ốp” 55 dành cho phụ nữ đầu kia cũng thế. Tôi chợt mỉm cười và thoáng đỏ mặt… bởi nhớ lại những hình ảnh ngày nào lóc cóc cái máy ảnh Zenhit - phương tiện mưu sinh của tôi, tậu ở cửa hàng bằng cả tháng lương khoảng 140 rúp, của Liên Xô, sang bên “ốp” nữ chụp ảnh đen trắng cho chị em.
Con đường quanh “ốp” 57 vẫn như ngày nào chúng tôi hằng qua lại… Tôi như tưởng mình đang đi kia sau một ngày làm việc trong nhà máy trở về, ra cửa hàng thực phẩm gần đấy xếp hàng mua gạo, đường, thịt, cá, bơ, sữa… bằng “talon” (loại tem phiếu như thời bao cấp ở nhà mình).
Trong tâm trạng xốn xang, tôi ngồi vào xe và mấy anh em từ từ phóng về phía nhà máy DAAZ - chuyên sản xuất phụ tùng ôtô như Lada, Ziguli, Volga… một thời nổi tiếng. Đoạn đường có khoảng vài trăm mét thôi, nhưng là một thời với bao kỉ niệm…
Cổng ra vào nhà máy “DAAZ” nơi tôi đã từng làm việc những năm 1980 về trước.
Cánh cổng nhà máy vẫn vậy. Mấy chục năm rồi không có gì khác, chỉ cũ kĩ hơn. Bây giờ những dòng xe hiện đại ngập tràn nước Nga nên người ta đã chóng quên đi những chiếc xe Liên Xô một thuở tung hoành ngang dọc. Tuy vậy, ở Ulyanovsk và Dimitrovgrad này, kiểu ô-tô đời cũ của Liên Xô vẫn còn nhiều. Chắc dân vẫn chuộng loại xe này do có nhà máy sản xuất. Hay do họ vẫn chưa giàu có như ở những nơi khác?
Ulyanovsk - mảnh đất của tình đoàn kết hữu nghị
Thành phố Ulyanovsk, quê hương của V.I. Lênin vĩ đại, tỉnh kết nghĩa với Nghệ An hiện nay vẫn còn khoảng hơn 700 anh chị em người Việt sinh sống, làm ăn và học tập. Thế hệ F2 cũng khá nhiều các cháu theo học tại các trường phổ thông, đại học, cao đẳng của địa phương.
Ở Ulyanovsk này, bên cạnh nhiều gia đình còn chật vật vì cơm áo gạo tiền hàng ngày, tôi cũng thấy có một vài gia đình khá giả, ăn nên làm ra, tậu xe, tậu nhà. Thậm chí còn có cả hộ chiếu định cư. Họ còn đưa con cháu, anh chị em họ hàng sang cùng mở mang cửa hàng, phát triển chợ búa để làm ăn.
Tại một quầy hàng ở chợ Ulyanovsk.
Đức và Hằng cùng quê ở Nghi Lộc là một trong những gia đình như vậy. Đức tâm sự: “Cũng thăng trầm vất vả lắm mới có cơ ngơi như ngày nay đó anh ơi”. Tôi hiểu chứ! Có trái ngọt nào mà chẳng phải xới vun gieo trồng, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”? Đức cũng tham gia sôi nổi các hoạt động của Hội người Việt Nam “Đoàn kết” và hiện là phó chủ tịch Hội.
Hay như vợ chồng Quế - Thoa cũng vậy. Họ đưa sang nhiều anh chị em và các cháu hai bên nội ngoại nên phải mở rộng môi trường hoạt động. Thuê cửa hàng ngoài mặt phố, có cái chợ trong nhà thuê lại với khoảng 70 quầy hàng cho bà con đồng hương cùng bán.
Vườn rau cải nhà anh Quế.
Quế rất tích cực tham gia hoạt động cộng đồng bởi: “Mục đích là để gắn kết anh chị em đồng hương Nghệ An tại thành phố Ulyanovsk anh ạ. Bọn em luôn tích cực đề nghị tỉnh nhà phối hợp với bạn triển khai làm lại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hy vọng vào 2/9 năm sau sẽ khánh thành”.
Lau chùi tấm bia ghi tên Đại lộ Hồ Chí Minh ở thành phố Ulyanovsk.
Có những người bạn cũng sôi nổi không kém là Thành - phó chủ tịch của Hội người Việt Nam “Đoàn kết”, là Oanh “VTV8” - người thường xuyên xuất hiện với cái máy ảnh phục vụ bà con trong những dịp tụ tập hội hè, lễ lạt…
Với những con người gây dựng phong trào như vậy, họ đã không chỉ mưu sinh, mà còn biết gắn bó hết mình với các phong trào hoạt động cộng đồng, biết đoàn kết, thương yêu, tôn trọng lẫn nhau để cùng giúp nhau vượt qua bao khó khăn, thử thách của mưu sinh đời thường.
Võ Hoài Nam
Từ Mátxcơva