Thành phố lớn đầu tiên của Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng
(Dân trí) - Ở nơi được coi là thành phố lớn đầu tiên của Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng vẫn ghi nhận số ca mắc Covid-19 hàng ngày ở mức thấp nhưng dịch không có nguy cơ bùng phát rộng.
Guardian dẫn lời ông George Rutherford, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học California, nhận định San Francisco có thể là thành phố lớn đầu tiên của Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19. Theo ông Rutherford, mỗi ngày San Francisco vẫn ghi nhận trung bình 13,7 ca mắc mới/ngày nhưng dịch không có nguy cơ bùng phát rộng trong dân cư.
"Đó dường như là miễn dịch cộng đồng. Nghĩa là vẫn có những ca mắc lẻ tẻ, nhưng không có dấu hiệu lan rộng", ông Rutherford nói.
Hiện giới y tế vẫn chưa thể đưa ra một tỷ lệ chính xác dân cư có kháng thể chống lại virus nhằm xác định miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng liên tục "di động" do sự xuất hiện của các biến chủng virus. Ban đầu các chuyên gia ước tính, tỷ lệ này khoảng 60% đến 70%, tuy nhiên, hiện giờ một số chuyên gia ước tính miễn dịch cộng đồng có được khi 80% đến 90% dân số được tiêm chủng.
San Francisco đã gần đạt đến mục tiêu đó với gần 80% dân cư của thành phố này được tiêm chủng ít nhất một liều vắc xin ngừa Covid-19, và khoảng 68% dân số đã tiêm đủ hai liều, số liệu của cơ quan y tế San Francisco cho biết. Trong đó, tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm dân cư gốc Á và Thái Bình Dương cao hơn so với mức trung bình của thành phố.
Ông Peter Chin-Hong, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học California San Francisco (UCSF), cho rằng San Francisco đã đủ điều kiện đạt miễn dịch cộng đồng nếu tính theo số người đã được tiêm chủng. Tuy vậy, theo ông, Covid-19 sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn ở Mỹ.
Về những ưu thế giúp San Francisco nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng, ông Rutherford đã chỉ ra một số ưu thế như tỷ lệ trẻ em thấp so với những nơi khác do vậy tỷ lệ dân cư được phép tiêm chủng cao hơn. Ngoài ra, người dân San Francisco được đánh giá chấp hành nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang ở nơi công cộng và sẵn sàng tiêm chủng. Ngoài ra, San Francisco có diện tích nhỏ, dân cư sống tập trung, giúp nhân viên y tế dễ dàng triển khai chương trình tiêm chủng. Chuyên gia Chin-Hong chỉ ra, kinh nghiệm trong cuộc chiến chống đại dịch AIDS cũng giúp người dân San Francisco tin tưởng hơn vào các biện pháp phòng ngừa y tế so với các vùng khác.
Bang California chuẩn bị mở cửa trở lại và dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế nhằm phòng dịch từ ngày 15/6 tới sau khi 58% dân số được tiêm chủng ít nhất một liều vắc xin ngừa Covid-19. California là một trong những bang có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở Mỹ, nhưng vẫn thấp hơn 11 bang khác, trong đó có Vermont, Massachusetts và Hawaii.
Mỹ là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới nhờ nhanh chóng triển khai chương trình tiêm chủng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng trước ngày quốc khánh 4/7. Đây được coi là ngưỡng để giúp nước Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng trước Covid-19.