1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thành phố giáp biên Trung Quốc chật vật vì các lệnh trừng phạt Triều Tiên

(Dân trí) - Những cửa hàng vắng khách, những doanh nghiệp làm ăn bết bát với bầu không khí ảm đạm đã bao trùm lên thành phố Đan Đông nằm bên bờ sông Áp Lục - nơi ngăn cách biên giới Triều Tiên - Trung Quốc.

Công nhân Triều Tiên làm việc trong nhà máy giầy ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Công nhân Triều Tiên làm việc trong nhà máy giầy ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Từ hàng chục năm nay, thành phố Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh ở biên giới Trung - Triều vẫn được xem là trung tâm thương mại quan trọng giúp chính quyền Bình Nhưỡng thu ngân sách từ sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, thành phố nằm bên bờ sông Áp Lục này đang rơi vào tình thế khó khăn sau khi chính quyền Mỹ gây sức ép, buộc Trung Quốc phải đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt quốc gia láng giềng liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Những tiểu thương, chủ các cửa hàng và người dân ở Đan Đông có mối liên hệ với Triều Tiên đã cho thấy bức tranh ảm đạm của tình hình kinh tế ở khu vực này ở thời điểm hiện tại.

“Trước đây tôi từng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên, nhưng sau đó Trung Quốc đã cấm nhập than từ năm ngoái”, ông Liao, một doanh nhân ở Đan Đông, cho biết.

Từ đầu tháng 9/2017, Trung Quốc đã thông báo dừng tiếp nhận các lô hàng than từ Triều Tiên để thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Than đá bị cấm, Liao chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác nhưng đều nhanh chóng thất bại.

“Các khoáng sản, hải sản và sản phẩm nông nghiệp, về cơ bản tất cả các mặt hàng nhập khẩu đều bị cấm. Tôi tự nói với mình rằng, tôi đã trắng tay”, ông Liao chia sẻ.

Những mặt hàng mà doanh nhân Liao vừa đề cập ở trên cũng là những tài nguyên mang lại nguồn thu ngân sách chủ yếu cho Triều Tiên, tuy nhiên các lệnh trừng phạt năm 2017 của Liên Hợp Quốc đều nhắm tới các mặt hàng này. Ngoài hàng hóa, các lệnh trừng phạt cũng áp dụng đối với các lao động Triều Tiên ở nước ngoài cũng như các doanh nghiệp có làm ăn với công ty Triều Tiên.

Theo một số chủ doanh nghiệp, những lệnh trừng phạt này có tác động mạnh mẽ và nhanh chóng tới thành phố Đan Đông.

“Tôi buộc phải nghỉ hưu sớm. Có lẽ tôi phải cho các nhân viên của mình nghỉ việc sớm”, một phụ nữ từng làm ăn với Triều Tiên trong hơn 10 năm cho biết.

Hàng loạt cửa hàng từng phục vụ khách hàng Triều Tiên trước đây ở Đan Đông đều trở nên vắng vẻ trong vài ngày cuối tuần trước, trong đó có khu vực với tên gọi “Phố Koryo”. Cách đây không lâu, Phố Koryo từng là nơi mua bán sầm uất của người Triều Tiên.

“Người Triều Tiên không còn ở đây nữa”, một chủ cửa hàng cho biết.

Một người dân quen biết các nhà ngoại giao phụ trách thương mại của Triều Tiên nói rằng những người này đang “rỗi việc” vì các doanh nghiệp mà họ phụ trách trước đây đã buộc phải về nước.

“Họ (các nhà ngoại giao) dành phần lớn thời gian tại các nhà hàng, chơi bài và ăn uống. Họ không còn nhiều việc để làm”, nguồn tin nói thêm.

Tăng cường trừng phạt

Cầu hữu nghị Trung-Triều nối Trung Quốc với Triều Tiên (Ảnh: Getty)
Cầu hữu nghị Trung-Triều nối Trung Quốc với Triều Tiên (Ảnh: Getty)

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Các chính quyền Mỹ từ lâu đã chỉ trích Bắc Kinh vì không tuân thủ chặt chẽ các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, chính Trung Quốc cũng bắt đầu cảm thấy “nóng mặt” vì một loạt vụ thử tên lửa và bom hạt nhân của Triều Tiên.

Bắc Kinh hiện xem chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là mối đe dọa lớn nhất đối với tình hình ổn định trong khu vực, đồng thời là nguy cơ ảnh hưởng tới sự an toàn và sức khỏe của người dân Trung Quốc sống ở khu vực giáp biên giới.

“Liên Hợp Quốc đã trừng phạt Triều Tiên từ xưa đến nay, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ thực sự tuân thủ các lệnh trừng phạt đó. Tuy vậy lần này, Trung Quốc đã nghiêm chỉnh thực hiện”, ông Liao nhận định.

Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, trao đổi thương mại hàng hóa giữa nước này và Triều Tiên đã giảm hơn 50% vào tháng 12/2017. Xu hướng này được dự đoán tiếp tục kéo dài cho tới năm nay.

Đối phó trừng phạt

Những ý kiến chỉ trích, bao gồm cả Tổng thống Donald Trump, đều cho rằng Trung Quốc cần phải mạnh tay hơn nữa để siết chặt nền kinh tế của Triều Tiên. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, các động thái của Bắc Kinh hiện nay vẫn chưa đủ cứng rắn.

Chẳng hạn, Trung Quốc vẫn chưa vào cuộc để xử lý tận gốc các hoạt động buôn lậu tràn lan ở khu vực biên giới kéo dài hơn 1.400 km giữa nước này với Triều Tiên. Trong khi đó tại Đan Đông, một số doanh nghiệp vẫn tìm cách hoạt động dù nằm trong diện bị trừng phạt do làm ăn với Triều Tiên.

Loại hình kinh doanh phổ biến của các doanh nghiệp Trung - Triều là các nhà hàng - nơi người lao động Triều Tiên chiếm số đông. Giới chuyên gia ước tính các nhà hàng này mang lại nguồn thu ít nhất hàng chục triệu USD cho chính quyền Triều Tiên mỗi năm.

Hầu hết các nhà hàng liên doanh với Triều Tiên ở Đan Đông đều đã đóng cửa sau lệnh trừng phạt mới nhất. Tuy nhiên, ít nhất vẫn còn một nhà hàng mở cửa cho tới thời điểm hiện tại. Một khách hàng tới nhà hàng này cho biết hiện chỉ có thể thanh toán bằng tiền mặt do các ngân hàng Trung Quốc đã ngừng giao dịch với các khách hàng có liên quan tới Triều Tiên, hơn nữa các giao dịch thông qua thẻ tín dụng có thể bị chính phủ truy ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định ngay cả khi Trung Quốc siết chặt mạnh tay hơn với Triều Tiên, điều đó cũng không thể khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này.

Khủng hoảng khu vực

Các nữ nhân viên Triều Tiên phục vụ trong một nhà hàng ở Trung Quốc (Ảnh: EPA)
Các nữ nhân viên Triều Tiên phục vụ trong một nhà hàng ở Trung Quốc (Ảnh: EPA)

Đối với Đan Đông, hàng loạt lệnh trừng phạt được áp đặt đúng vào thời điểm thành phố này đang ở giai đoạn khó khăn nhất. Toàn bộ khu vực phía đông bắc Trung Quốc, bao gồm tỉnh Liêu Ninh, đang trải qua thời kỳ chuyển giao khó khăn.

Các ngành công nghiệp nặng như thép bị đình trệ trong những năm gần đây. Các công ty nhà nước ngập chìm trong nợ và chịu gánh nặng do hàng hóa dư thừa. Chính phủ Trung Quốc cũng buộc phải cho hàng trăm nghìn công nhân nghỉ việc.

Từng là một trung tâm thương mại nổi tiếng của Trung Quốc, nền kinh tế của Đan Đông năm 2016 đã giảm 2,2%. Ngoài ra, mối liên hệ với Triều Tiên cũng khiến thành phố giáp biên này gặp nhiều khó khăn khi Ngân hàng Đan Đông bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ hồi năm ngoái.

“Không còn gì để làm nữa. Công ty của tôi có thể không còn trụ được lâu”, doanh nhân Liao tỏ ra bi quan.

Tuy nhiên, một số người vẫn hy vọng rằng tình hình sẽ sớm được cải thiện trong bối cảnh quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đang ấm dần lên trong những ngày gần đây. Các chuyên gia nhận định Trung Quốc trước đây từng siết chặt lệnh trừng phạt trong một khoảng thời gian để gửi thông điệp đến chính quyền Triều Tiên, tuy nhiên sau đó lại nới lỏng trở lại.

“Có lẽ mọi thứ sẽ trở lại bình thường nếu các cuộc đàm phán liên Triều diễn ra tốt đẹp”, một người dân Đan Đông có quan hệ với các nhà ngoại giao Triều Tiên cho biết.

Thành Đạt

Tổng hợp