Bất chấp trừng phạt, công ty Triều Tiên vẫn giao thương ở Trung Quốc
(Dân trí) - Theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc hồi năm ngoái, các công ty Triều Tiên ở Trung Quốc phải dừng hoạt động từ ngày 9/1. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp của Bình Nhưỡng chưa có dấu hiệu sẽ ngừng các việc giao thương, hoạt động mang lại ngoại tệ cho chính phủ Triều Tiên.
Là đối tác thương mại chủ chốt của Bình Nhưỡng, Trung Quốc năm ngoái bất ngờ ủng hộ Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành văn bản yêu cầu các công ty có liên quan tới Triều Tiên hoạt động ở Trung Quốc đóng cửa trước hạn chót 9/1.
Một khách sạn Triều Tiên ở Thẩm Dương đã ngừng nhận đặt chỗ từ ngày 9/1 hay một nhà hàng Triều Tiên ở Bắc Kinh đã dán thông báo nghỉ bán. Tuy nhiên, ở khu vực đông bắc Trung Quốc, một số doanh nghiệp du lịch, hải sản, nhà hàng của Bình Nhưỡng vẫn hoạt động bình thường như chưa có gì xảy ra.
“Du lịch là để kết nối mọi người, đó là quyền của con người”, ông Kim Yongil thuộc công ty lữ hành quốc tế Triều Tiên có trụ sở ở Đan Đông, nói đồng thời cho biết công ty ông không nhận được thông báo đóng cửa từ cơ quan chức năng.
Trong một gian hàng của tầng hầm đối diện với cơ quan hải quan của Trung Quốc, cô Meng Qingshu, người Triều Tiên, không có kế hoạch dừng việc buôn bán các loại thực phẩm và hải sản Triều Tiên. Nhập khẩu hải sản từ Bình Nhưỡng đã bị cấm từ tháng 8/2017 và cô Meng không lý giải vì sao hoạt động buôn bán của cô vẫn diễn ra bình thường.
Theo các chuyên gia, dù đã tới hạn chót, tuy nhiên giới chức Trung Quốc dường như vẫn khá chậm chạp trong việc thực thi các lệnh trừng phạt. Ông Lu Chao, giám đốc Viện Nghiên cứu Biên giới tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, cho rằng lẽ ra từ ngày 9/1, mọi hoạt động của các doanh nghiệp Triều Tiên hoặc liên doanh với Triều Tiên nên ngừng lại.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định Bắc Kinh sẽ trừng phạt nghiêm khắc các trường hợp không tuân thủ.
Khách sạn 14 tầng của Triều Tiên ở thành phố Thẩm Dương mang tên Chilbosan đã ngừng nhận khách từ 9/1, được coi là dự án đầu tư mang lại nguồn ngoại tệ lớn nhất cho Bình Nhưỡng. Theo ông Lục, Triều Tiên cũng đầu tư vào khách sạn này một khoản tiền không nhỏ, khoảng 25-30 triệu USD.
Triều Tiên đã phối hợp vận hành khách sạn với Công ty Máy công nghiệp Đan Đông Hongxiang, công ty mà Mỹ cho rằng từng mang lại tới 1/5 tổng kim ngạch thương mại Trung - Triều. Công ty này đã từng bị Mỹ áp lệnh trừng phạt năm 2016 sau khi Washington cáo buộc chủ của công ty, bà Ma Xiaohong, có liên quan tới chương trình vũ khí Bình Nhưỡng.
Tại Đan Đông, trụ sở của Hongxiang nằm gần sông Áp Lục cũng đã đóng cửa hôm qua. Các công ty con của Hongxiang liên kết với Bình Nhưỡng như nhà hàng Pyongyang, công ty du lịch Hongxiang cũng đã có thông báo đóng cửa.
Trên đường phố, các nữ phục vụ người Triều Tiên vẫn phục vụ món bia và hải sản của Bình Nhưỡng tại nhà hàng Songtao, nhà hàng liên doanh giữa Bình Nhưỡng và Trung Quốc. Để hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn, phía Triều Tiên hồi tháng 11 đã chuyển lại toàn bộ cổ phần cho đối tác Trung Quốc.
Theo ông Chung Young-june, một học giả tại Đại học Yonsei ở Seoul, Hàn Quốc, mỗi năm hệ thống 100 nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc được cho là mang lại nguồn thu riêng 10 triệu USD cho Bình Nhưỡng. Việc đóng cửa các nhà hàng này sẽ “ảnh hưởng tiêu cực tới ban lãnh đạo Triều Tiên”, ông Chung nhận định.
Đức Hoàng
Theo SCMP