1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thảm kịch Virginia và sức lan truyền của Web 2.0

(Dân trí) - Vụ <a href = "http://www.dantri.com.vn/Thegioi/2007/4/175168.vip"><b>giết người hàng loạt</b></a> tại đại học Công nghệ Virginia, Mĩ vào sáng thứ hai vừa rồi là một trong những thảm kịch súng đạn đau lòng nhất lịch sử. Nhưng xét về mặt công nghệ, thảm kịch này lại khẳng định sức mạnh tuyệt đối của công nghệ web thế thệ thứ 2, web 2.0.

Người dùng Internet đã chia sẻ với nhau một lượng thông tin khổng lồ về vụ việc qua tin nhắn, blog, website, video trực tuyến, và các trang mạng xã hội.

 

Internet phản ứng với vụ việc gần như ngay lập tức – và thậm chí còn nhanh hơn nhà cầm quyền bang Virgina. Phải hai giờ sau khi vụ sát nhân xảy ra, chính quyền bang mới gửi lời cảnh báo tới sinh viên qua email, nhưng site báo trực tuyến Collegiate VT của sinh viên trong trường gần như đã bị tắc nghẽn ngay sau những tiếng súng đầu tiên.

 

Một blog của sinh viên trường tường thuật sự vụ – CollegeMedia.com-  được đưa lên mạng vào lúc 9h47’, chỉ vài phút sau vụ nổ súng thứ hai. Một trang tin khác, cũng của sinh viên – PlanetBlacksburg – thông báo ngay lập tức về vụ sát nhân và cả lời tường thuật của các nhân chứng trực tiếp chứng kiến.

 

Vài phút sau vụ nổ súng thứ hai, một cuộc tranh luận nổ ra trên forum Fark của đội bóng đại học Virginia. Một forum khác của giới sinh viên công nghệ của trường, TechSideline cũng trở thành nơi tụ họp trực tuyến của các thân nhân tìm thông tin về người thân của mình học trong trường.

 

Các nhà báo – công dân đóng vai trò chính trong tường thuật lại vụ thảm sát, miêu tả các chi tiết mà nhà báo chuyên nghiệp không làm được. Jamal Albarghouti, một sinh viên sắp tốt nghiệp của trường trở thành người nổi tiếng khi quay được đoạn video duy nhất về vụ bắn giết – mặc dù đoạn băng có chất lượng khá kém do quay từ điện thoại di động.

 

Đoạn phim quay cảnh đấu súng giữa 2 cảnh sát và hung thủ ngoài tiền sảnh trường  nhanh chóng được giới truyền thông vồ lấy, và nửa giờ sau đã được hãng truyền hình CNN đưa lên sóng. Tối hôm đó, anh ta được trực tiếp phỏng vấn trên truyền hình về thảm kịch.

 

Đến chiều hôm đó, hàng loạt thư điện tử được trường đại học Virginia Tech gửi đến các sinh viên đang theo học. Nhưng trên thực tế, vài giờ sau vụ bắn giết,  các bức ảnh được chính người trong cuộc chứng kiến và chụp đã được gửi lên trang chia sẻ ảnh số của Yahoo – Flickr.

 

Một trang tường thuật cũng được lập trên từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia vào 3h15 chiều, và được cập nhật liên tục trong suốt ngày hôm đó.

 

Các trang mạng xã hội (social network, nơi mỗi thành viên có một trang chủ riêng và kết nối tới hàng ngàn trang chủ bạn của các thành viên khác, gần tương tự như Yahoo 360) đóng vai trò quan trọng trong tấn thảm kịch, kết nối mọi người lại bằng thông tin về vụ việc, các số điện thoại khẩn và tin tức cập nhật mới nhất. Các site này cũng là nơi người ta thảo luận, chia buồn và cầu nguyện.. Nhiều nhóm thành viên tổ chức “ngày tưởng nhớ”, kêu gọi các sinh viên mặc đồng phục trường Virginia Tech để chia sẻ với các nạn nhân.

 

Trang mạng xã hội hoạt động tích cực nhất trong ngày hôm đó là Facebook, một mạng xã hội nhắm đến đối tượng người dùng là sinh viên. Hơn 500 nhóm sinh viên trên trang này đã kêu gọi cầu nguyện từ Châu Âu đến các sinh viên của đại học Virgina, và mở một trang tưởng nhớ đến các sinh viên đạo Hồi thiệt mạng trong vụ việc.

 

Trang của trường đại học Virginia trên MySpace nhận được 2.100 bình luận (comment), chủ yếu là lời chia buồn của sinh viên trường với bạn học bị thiệt mạng.

 

Trang chia sẻ phim trực tuyến YouTube của Google nhận được hơn 500 đoạn video liên quan đến tấn thảm kịch, bao gồm các bản tin TV, các đoạn bình luận, bài hát, và hoạt hình. Site này cũng trở thành nơi thảo luận về luật sở hữu súng đạn của Mĩ.  Một số thành viên đòi “vũ trang” cho toàn bộ nhân viên và sinh viên trường, trong khi một số thành viên khác kêu gọi thắt chặt luật sở hữu súng đạn của Mĩ hiện nay.

 

Các blogger cũng gửi bài chia buồn đến nạn nhân. Theo công ty nghiên cứu Blog Technocrati, hơn 25.000 bài viết liên quan đến thảm kịch tại trường đại học Virginia Tech đã được gửi lên Internet vào ngày thứ ba.

 

Các tổ chức truyền thông quay sang các site mạng xã hội và blog để săn tin, nhưng không hẳn tất cả sinh viên đều thích thú với điều đó. Một sinh viên trường tên “Paul” viết trên blog của mình: “Bài viết này của tôi không được phép trích dẫn, sử dụng lại bởi bất cứ nhà báo hoặc phóng viên nào chỉ muốn bới lại tấn thảm kịch nhằm săn tin”. Bạn gái của anh bị một viên đạn bắn vào tay.

 

Một vấn đề lớn khác là tính chính xác của thông tin được cộng đồng đưa lên. Tin đồn về việc một sinh viên tên Wayne Chiang là kẻ thủ ác lan rộng sau khi người ta phát hiện blog của sinh viên có sở thích yêu súng đạn này trên mạng. Từ 8 khách viếng thăm vào Chủ nhật, đã có hơn 275 ngàn người xem blog của anh ta vào hôm thứ Ba.

 

Chiang phải thanh minh vào tối hôm đó “Đừng đến đây nữa, tôi không phải là kẻ thủ ác. Vì vụ việc này mà tôi đã phải nhận vô số lời đe doạ đến tính mạng, các lời tố cáo, phỉ báng và chiếc điện thoại di động của tôi bị hết pin sau khi nhận hàng ngàn cuộc gọi rác rưởi. Tôi đã báo cho cảnh sát địa phương về vấn đề này”.

 

Hoàng Hải

Theo Forbes

Dòng sự kiện: Thảm sát Virgina