1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thảm kịch phía sau những thi thể trôi dạt trên dòng sông thiêng ở Ấn Độ

Thành Đạt

(Dân trí) - Dòng sông Hằng linh thiêng ở Ấn Độ là nơi được nhiều gia đình tìm đến để thả thi thể người thân, trong đó có nhiều trường hợp tử vong do mắc Covid-19.

Thảm kịch phía sau những thi thể trôi dạt trên dòng sông thiêng ở Ấn Độ - 1

Các gia đình mang thi thể người thân tới bờ sông Hằng chôn cất (Ảnh: Guardian).

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, sông Hằng từng một lần xuất hiện nhiều tử thi trôi nổi.

Đó là vào năm 1918, khi đại dịch cúm tràn qua Ấn Độ và giết chết khoảng 18 triệu người. Vào thời điểm đó, nước sông Hằng nồng nặc mùi hôi thối.

Bây giờ, cảnh tượng đó dường như đang lặp lại.

Số ca tử vong vì Covid-19 được Ấn Độ công bố chính thức cho đến nay khoảng hơn 280.000 người và số ca nhiễm vượt 25,7 triệu người, nhưng các chuyên gia tin rằng con số thực tế có thể cao hơn gấp 5 lần.

Những thi thể bắt đầu trôi dạt trên dòng sông linh thiêng nhất của Ấn Độ, cho thấy vẫn còn nhiều ca tử vong chưa được đưa vào số liệu thống kê chính thức.

Theo Reuters, Ấn Độ ngày 20/5 tiếp tục ghi nhận thêm 3.874 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua, trong khi dịch bệnh vẫn tiếp tục lan từ các thành phố lớn về các vùng nông thôn.

Hiện vẫn chưa có thống kê chính thức về số thi thể đã được phát hiện trong hai tuần gần đây ở khúc sông Hằng chảy qua các bang Uttar Pradesh và Bihar, hoặc được chôn vùi trong những ngôi mộ nông dọc theo bờ sông ở Uttar Pradesh. Trong khi đó, người dân địa phương và các nhà báo đã thống kê và đưa ra con số hơn 2.000 thi thể.

Dịch càn quét vùng nông thôn 

Tại làng Gahmar thuộc bang Uttar Pradesh, Raju Chaudhry, 15 tuổi, làm việc trên một tàu đánh cá, cho biết gần đây anh nhìn thấy "khoảng 50 thi thể bị cuốn trôi mỗi ngày" và cảnh tượng đó đã diễn ra "trong nhiều ngày".

Không có cách nào để biết liệu tất cả những thi thể bị phát hiện có phải là bệnh nhân Covid-19 hay không, mặc dù các nhà chức trách đã thừa nhận một số thi thể là nạn nhân tử vong vì Covid-19.

Nhiều người tin rằng khi làn sóng Covid-19 thứ hai càn quét các khu vực nông thôn nghèo ở bang Uttar Pradesh khiến nhiều người tử vong, sự kỳ thị về việc nhiễm virus và giá gỗ hỏa táng tăng cao khiến nhiều gia đình chọn cách xử lý thi thể theo tập tục truyền thống - thả người chết xuống vùng nước thiêng của sông Hằng. Trong khi đó, những người khác chôn các thi thể trên bờ cát.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở làng Gahmar ở mức thấp. Tuy nhiên, Bhupendra Upadhyay, một linh mục địa phương, cho biết rất nhiều người đã chết trong vài tuần qua.

"Tôi đã nhìn thấy 30 đến 35 thi thể được đưa xuống sông gần đây và bị dìm ở đây. Nhiều người thả thi thể xuống sông hơn vì họ gặp khó khăn trong việc hỏa táng do có quá nhiều người chết", ông Upadhyay cho biết.

Thảm kịch phía sau những thi thể trôi dạt trên dòng sông thiêng ở Ấn Độ - 2

Những chiếc bình treo trên cây đa cạnh sông Hằng, tượng trưng cho những người đã tử vong (Ảnh: Guardian).

Ông Upadhyay chỉ vào thân cây đa - nơi buộc hàng chục chiếc niêu đất.

"Mỗi chiếc bình đó tượng trưng cho một người đã qua đời. Hãy xem có bao nhiêu chiếc, chỉ trong 10 ngày qua thôi đấy", ông nói.

Cảnh sát đã tuần tra dọc bờ sông Hằng để ngăn chặn việc thả thi thể. Cảnh sát cho biết họ đã vớt hầu hết thi thể lên bờ, thậm chí giăng lưới đoạn sông Hằng chạy qua khu vực giáp ranh Uttar Pradesh và Bihar. Tuy nhiên, tại khu vực xung quanh Narva ở Gahmar, nhiều thi thể trôi nổi vẫn được nhìn thấy.

Những người thả xác xuống sông cho biết họ có rất ít lựa chọn.

Ngồi trong sân của một ngôi nhà xiêu vẹo, nơi có 20 người sống chung dưới một mái nhà, Narsingh Kumar kể về hai người anh trai chết cách nhau vài ngày. Cả hai đều chưa được xét nghiệm Covid-19 và đều chết trong vòng chưa đầy hai ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Trong trường hợp của Shambhu Nath, gia đình anh không gặp khó khăn trong việc hỏa táng nhờ có sự giúp đỡ của dân làng. Nhưng sau khi người anh thứ hai chết, gia đình Nath bị hàng xóm hắt hủi.

"Khi cố gắng mua củi để hỏa táng, chúng tôi bị xua đuổi. Không ai trong làng muốn giúp chúng tôi hỏa táng vì họ nghi ngờ chúng tôi mắc Covid-19", Kumar nói.

"Chúng tôi không lấy được gỗ và cũng không biết làm gì, nên không còn cách nào khác ngoài dìm xác anh ấy xuống sông. Chúng tôi đã làm việc đó vào lúc 11 giờ sáng hôm sau và chỉ một gia đình thân thiết tới chia buồn", Kumar cho biết thêm.

Tử vong không rõ nguyên nhân

Thảm kịch phía sau những thi thể trôi dạt trên dòng sông thiêng ở Ấn Độ - 3

Những thi thể được thiêu bên bờ sông Hằng (Ảnh: Getty).

Theo Guardian, số người chết vì Covid-19 tại các ngôi làng ở vùng nông thôn Ấn Độ, nơi sinh sống của 65% dân số và cũng là khu vực có hạ tầng y tế yếu kém, có lẽ sẽ không bao giờ được thống kê hết.

Ở Uttar Pradesh, bang có 235 triệu dân, các ngôi làng trên toàn bang đã ghi nhận hàng loạt ca tử vong sau khi gặp các triệu chứng ho, sốt hoặc khó thở mà chưa từng được xét nghiệm Covid-19. Tại làng Sauram, thuộc vùng Ghazipur phía đông Uttar Pradesh, người dân địa phương mô tả tình hình hiện nay "rất đáng sợ".

"Trong 25 ngày qua, chúng tôi đã nghe tin có 17 người chết trong làng. 90% người dân trong làng bị bệnh, nhà nào cũng có người bị ho hoặc sốt. Nhiều người trong làng bị nhiệt miệng, ho rồi chết chỉ trong vòng một hoặc hai ngày", Manoj Kumar Jaiswal, một người dân trong làng, cho biết.

Jaiswal nói rằng không ai trong làng được xét nghiệm Covid-19, ngay cả khi họ đến bệnh viện.

"Tôi sợ hãi vì chúng tôi không biết tại sao lại xảy ra chuyện này", Jaiswal cho biết.

Mohammad Iqbal, 42 tuổi, người quản lý một cửa hàng tạp hóa ở Sauram, kể rằng mẹ anh bị ốm vào ngày 4/5 vì ho và sốt. Khi bà cảm thấy khó thở, anh đưa mẹ đến bệnh viện Shivangi tư nhân gần đó để được thở ôxy. Nhưng chỉ đến sáng hôm sau, bà đã tử vong.

"Các bác sĩ không nói cho tôi biết nguyên nhân mẹ tôi tử vong, nhưng họ nói rằng 4-5 người cũng chết trong bệnh viện vào sáng hôm đó. Không có xét nghiệm Covid-19 nào được thực hiện cho bà tại bệnh viện và cũng không có xét nghiệm nào được thực hiện trong làng, vì vậy làm sao chúng tôi có thể biết liệu virus có ở đây hay không. Tất cả những gì tôi biết là tôi chưa bao giờ thấy nhiều người chết như vậy", Iqbal nói thêm.

Đối với trường hợp của Radhe Shayam - một nông dân có vợ qua đời hôm 7/5 sau khi gặp triệu chứng khó thở và tổn thương phổi nghiêm trọng, chính phủ đã hành động quá muộn.

"Nếu cô ấy đã được xét nghiệm và được điều trị thích hợp tại bệnh viện, thay vì đưa về nhà hai lần, có lẽ cô ấy vẫn còn sống", ông Shayam chia sẻ.