Tham dự APEC 22: Tiếp tục chủ trương chủ động hội nhập quốc tế
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 22 (HNCC APEC 22) và các hội nghị liên quan tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 9-11/11.
Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực APEC lần thứ 6 tại Hà Nội (ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế vào ngày 7-8/114 và tháp tùng Chủ tịch nước dự Hội nghị Cấp cao.
Diễn dàn APEC thành lập ngày 6/11/1989 trên cơ sở ý tưởng của Thủ tướng Australia Bob Hawke. APEC hiện có 21 thành viên sau ba lần mở rộng. Đến nay, Diễn đàn đã tiến hành 22 Hội nghị Cấp cao (từ năm1993) và 26 Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế.
Mục tiêu của APEC là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư, được triển khai trên ba trụ cột hợp tác gồm tự do hóa thương mại, đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế-kỹ thuật.
APEC là diễn đàn duy nhất tại khu vực hội tụ các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và công nghiệp mới và năng động nhất châu Á-Thái Bình Dương. APEC đại diện khoảng 40% dân số thế giới, 55% GDP và 44% thương mại toàn cầu.
APEC khẳng định vị thế là cơ chế hợp tác kinh tế-thương mại lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương và là một trong những cơ chế hợp tác kinh tế khu vực thông qua tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và cải thiện môi trường kinh doanh.
Để duy trì vai trò và vị thế APEC, các nền kinh tế thành viên cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu xây dựng một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 22 với chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương” sẽ tập trung thảo luận ba vấn đề gồm kết nối; hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP); các nội dung hợp tác kinh tế-thương mại mới.
Dự kiến Hội nghị sẽ thông qua 15 văn kiện gồm 2 tuyên bố của các Nhà lãnh đạo cấp cao và kỷ niệm 25 năm hình thành APEC cùng 4 phụ lục; Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng và 8 phụ lục.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hợp tác và liên kết tiếp tục là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, song những căng thẳng, thách thức ở một số điểm nóng cũng ngày càng trở nên gay gắt.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, liên kết kinh tế đa tầng nấc được đẩy mạnh.
Năm 2014 đánh dấu 25 năm hình thành APEC và 20 năm thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. Các thành viên APEC tập trung vào 3 ưu tiên hợp tác gồm: Liên kết kinh tế khu vực; phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế; kết nối khu vực và phát triển hạ tầng.
Việt Nam gia nhập APEC vào năm 1998 cùng với hai thành viên khác là Liên bang Nga và Peru. Việt Nam tham gia APEC đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong thời kỳ chiến lược mới của đất nước, APEC tiếp tục là một trong những cơ chế khu vực quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó coi trọng và phát huy vai trò tại các cơ chế hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trong 16 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp hợp tác APEC. Nổi bật là Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC năm 2006, với việc đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 14, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC 18 và hơn 100 sự kiện, đưa ra triển vọng dài hạn về hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các mục tiêu Bogor và các biện pháp cải cách tổng thể đã góp phần tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC.
Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, với 80 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực (thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế-kỹ thuật, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh lương thực…); và đã đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC (Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại và đầu tư năm 2006, Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2006, Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân sách năm 2007, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Y tế nhiệm kỳ 2009-2010, Chủ tịch Nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012-2013).
Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều hoạt động quan trọng của APEC, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực, Đối thoại công tư về giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận tài trợ thương mại, Khóa đào tạo đối với các nhà xuất khẩu dịch vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ nữ...
Việt Nam đã đề xuất và được thông qua 9 sáng kiến để triển khai trong năm 2015 về thành lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam, tạo thuận lợi chuỗi giá trị may mặc toàn cầu, hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, quản lý thiên tai dựa trên cộng đồng, giải quyết rào cản về đầu tư đối với năng lượng tái tạo, cải thiện đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tiếp cận sâu thị trường quốc tế, kinh nghiệm và thực tiễn tốt về phát triển nhượng quyền kinh doanh; thúc đẩy đối tác công tư và phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường tính cạnh tranh, ủng hộ tự do hóa về giá cả của các sản phẩm thiết yếu.
Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong APEC, đặc biệt phối hợp với các thành viên khởi động chuẩn bị đăng cai Năm APEC 2017 và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực vào tháng Chín vừa qua. Quan hệ của Việt Nam với các đối tác APEC then chốt đi vào chiều sâu.
http://www.vietnamplus.vn/tham-du-apec-22-tiep-tuc-chu-truong-chu-dong-hoi-nhap-quoc-te/289884.vnp