1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Thâm cung bí sử" Nhà Trắng được tiết lộ trong báo cáo của công tố viên đặc biệt

(Dân trí) - Cuộc điều tra kéo dài 22 tháng của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Tổng thống Mỹ Donald Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 đã hé lộ ra những chuyện “thâm cung bí sử” trong Nhà Trắng.

Thâm cung bí sử Nhà Trắng được tiết lộ trong báo cáo của công tố viên đặc biệt - 1

Ông Mueller (trái) và ông Trump (Ảnh: People)

Ngày 18/4, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đã công bố bản báo cáo hơn 400 trang dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn, ghi chú và tài liệu do đội ngũ của ông Mueller thực hiện. Bản báo cáo đã phản ánh những câu chuyện diễn ra bên trong Nhà Trắng mà công chúng chưa biết.

Nỗi lo lắng của ông Trump

Ngày 17/5/2017, cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions báo với ông Trump rằng Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein đã bổ nhiệm ông Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt.

Vào thời điểm đó, ông Sessions đang ngồi với ông Trump trong phòng Bầu Dục để phỏng vấn ứng viên cho vị trí tân giám đốc FBI. Ông Trump được miêu tả là đã ngồi mạnh xuống ghế, thể hiện nỗi lo lắng.
“Chúa ơi. Điều này thật tệ. Đây là dấu chấm hết cho nhiệm kỳ của tôi”, ông Trump nói.

Sau đó, ông Trump tỏ ra giận dữ với ông Sessions. “Lẽ ra ông phải bảo vệ tôi. Mọi người nói với tôi rằng nếu ông bị một trong những hội đồng đặc biệt điều tra thì nó sẽ phá hủy nhiệm kỳ tổng thống. Nó sẽ kéo dài năm này qua năm khác và tôi sẽ không làm được gì. Đây là điều tệ nhất từng xảy ra với tôi ”, ông Sessions thuật lời ông Trump nói.

Cuộc họp căng thẳng

Thâm cung bí sử Nhà Trắng được tiết lộ trong báo cáo của công tố viên đặc biệt - 2

Cựu cố vấn Nhà trắng Don McGahn (Ảnh: Reuters)

Cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly đã kể về một cuộc họp căng thẳng diễn ra vào ngày 6/2/2018, nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa ông Trump và cựu cố vấn Nhà trắng Don McGahn.

Vài tháng trước đó, ông McGahn đã gần như muốn từ chức vì ông Trump yêu cầu ông tìm cách loại bỏ công tố viên Mueller. Vào thời điểm cuộc họp diễn ra, ông Trump tức giận vì New York Times và Washington Post đã viết các bài báo nói về việc ông McGahn từ chối sa thải ông Mueller. “Tôi chưa bao giờ nói rằng sẽ sa thải Mueller. Tôi chưa bao giờ dùng từ sa thải. Câu chuyện này không tích cực chút nào. Ông cần sửa chữa nó. Ông là cố vấn Nhà Trắng”, ông McGahn kể lại lời ông Trump.

Ông McGahn từ chối, cho rằng các bài báo trên cung cấp thông tin chính xác.

“Tôi có nói từ sa thải hay không?”, ông Trump hỏi ngược lại.

“Điều ông nói là, gọi Rod (ông Rosenstein) và nói với ông ta rằng Mueller có xung đột lợi ích và không thể là công tố viên đặc biệt”, ông McGahn trả lời. Ông Trump sau đó tiếp tục bác bỏ lời của ông McGahn.

“Vụ việc liên quan tới Nga đã xong”

Thâm cung bí sử Nhà Trắng được tiết lộ trong báo cáo của công tố viên đặc biệt - 3

Ông Trump và ông Christie (Ảnh: Reuters)

Vào ngày 14/2/2017, ông Trump đã dùng bữa trưa với Thống đốc New Jersey Chris Christie, đồng minh của ông từ giai đoạn đầu cuộc bầu cử. Ông Trump nói với ông Christie rằng việc sa thải ông Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia, đã giải quyết vấn đề của ông.

“Giờ thì tôi đã sa thải Flynn, vụ việc liên quan tới Nga đã xong rồi”, ông Trump nói. Thống đốc New Jersey đã cười vào nói với Tổng thống Mỹ rằng vụ việc này sẽ vẫn tiếp diễn và không thể kết thúc được.

Michael Flynn, trung tướng Lục quân Mỹ về hưu, từng là cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và là cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông Trump cho tới khi bị sa thải chỉ vài tuần sau ngày nhậm chức.

Ông Flynn bị cáo buộc nói dối về các cuộc trao đổi với cựu đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak. Theo các công tố viên, hai người đã thảo luận về lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga và ông Flynn đề nghị ông Kislyak giúp trì hoãn cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc bị coi là gây tổn hại đến Israel.

Thư ký báo chí Nhà Trắng cung cấp thông tin sai sự thật

Thâm cung bí sử Nhà Trắng được tiết lộ trong báo cáo của công tố viên đặc biệt - 4

Thư ký báo chí  Nhà Trắng Sarah Sanders (Ảnh: Reuters)

Nguyên nhân ông Trump sa thải cựu giám đốc FBI James Comey là tâm điểm chú ý trong buổi họp báo ngày 10/5/2017. Thư ký báo chí Sarah Sanders đã nói với truyền thông rằng ông Trump, lưỡng đảng trong Quốc hội đều đã mất đi niềm tin với ông Comey.

Sau đó, bà Sanders nói thêm rằng các quan chức FBI cũng không còn tin tưởng vào giám đốc của họ. Vì vậy, ông Trump đã quyết định sa thải ông Comey, người mà thời gian trước đó ông Trump đã nảy sinh mâu thuẫn về phong cách làm việc. Chính vì việc ông Comey rời nhiệm sở, mà Quốc hội Mỹ mới quyết định cử công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành việc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và mối quan hệ giữa các thành viên trong đội ngũ của ông Trump và Moscow.

Bà Sanders sau đó thừa nhận với đội ngũ ông Mueller rằng tuyên bố rằng các quan chức FBI mất niềm tin vào ông Comey là không có cơ sở và do bà tự nghĩ ra vào thời điểm đó.

Mối liên hệ giữa con trai ông Trump và WikiLeaks

Thâm cung bí sử Nhà Trắng được tiết lộ trong báo cáo của công tố viên đặc biệt - 5

Ông Donald Trump Jr. (Ảnh: Reuters)

Ngày 3/10/2016,  tài khoản Twitter của Wikileaks gửi tin nhắn tới ông Donald Trump Jr, đề nghị ông chia sẻ bài viết có nội dung cáo buộc bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump thời điểm đó, “ủng hộ sử dụng máy bay không người lái nhằm vào ông chủ WikiLeaks Julian Assange".

Ngày 7/10/2016, WikiLeaks công bố 2.060 bức thư điện tử thuộc về ông John Podesta, Chủ tịch chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ba tháng trước đó, WikiLeaks cũng từng công bố 20.000 thư điện tử của đảng Dân chủ.

Ông Trump Jr nói rằng ông đã chia sẻ đường dẫn và sau đó tiếp tục trò chuyện với tài khoản WikiLeaks với cường độ tăng dần.

Ngày 12/10/2016, ông Trump Jr tiếp tục nhận được tin nhắn với nội dung: “Thật tuyệt khi thấy cha ông và ông nói về tổ chức của chúng tôi (WikiLeaks)”, đồng thời tài khoản này gợi ý ông Trump chia sẻ một liên kết nếu ông nhắc tới WikiLeaks trên Twitter. Ông Trump Jr. đã chia sẻ liên kết này 2 ngày sau đó.  

Cũng theo lời khai của ông Flynn, ông Trump vào thời điểm năm 2016, yêu cầu những người trong chiến dịch của ông tìm kiếm 30.000 thư điện tử của bà Clinton đã bị xóa.

Đức Hoàng

Theo Reuters, Dailymail