1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thách thức “bủa vây” ông Tập Cận Bình trong năm trọng điểm

(Dân trí) - Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn trong năm 2019 - năm được đánh giá là quan trọng nhất với hàng loạt sự kiện trọng điểm tại Trung Quốc.


Ông Tập Cận Bình dự đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017. (Ảnh: Xinhua)

Ông Tập Cận Bình dự đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017. (Ảnh: Xinhua)

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình bước lên bục tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc hồi tháng 3 và chính thức trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất sau Mao Trạch Đông, tương lai của quốc gia Đông Bắc Á dường như đã được định hình.

Vài tháng trước đó, ông Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc - vị trí quyền lực nhất tại nước này. Bây giờ ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với vai trò chủ tịch nước và việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ có thể cho phép ông nắm quyền trọn đời.

Theo CNN, 9 tháng sau đó, đám mây “bão tố” bắt đầu kéo tới vây quanh ông Tập.

Nền kinh tế Trung Quốc “chao đảo” trước cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, căng thẳng với Washington còn lan sang các vấn đề chính trị và quân sự. Thậm chí, có một số tin đồn nói rằng ông Tập Cận Bình đã bị chỉ trích ở phía sau hậu trường vì không thể ứng phó hiệu quả với Tổng thống Trump và các chính sách của ông chủ Nhà Trắng.

“Tôi không nghĩ vị trí của ông Tập đang bị đe dọa, nhưng ông ấy phải đối mặt với nhiều đối thủ và những người chỉ trích. Mối quan hệ đổ vỡ của ông Tập với Mỹ là cây gậy mà họ (những người chỉ trích) có thể sử dụng để tấn công ông ấy”, Richard McGregor, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Lowy ở Australia, nhận định.

Một điều không may với ông Tập Cận Bình là những rắc rối về thương mại đã xảy ra trước thời điểm được cho là năm quan trọng nhất đối với ông. Trong năm 2019, ông Tập phải chủ trì hàng loạt sự kiện quan trọng, trong đó có lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trong khi đó, hạn chót cho thỏa thuận đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày do ông Trump và ông Tập đưa ra trong cuộc gặp tại Argentina vào tháng 12 năm ngoái cũng sắp tới. Do vậy, cách ông Tập Cận Bình xử lý các sự kiện trong năm 2019 sẽ quyết định tương lai của nền kinh tế Trung Quốc cũng như vị thế của ông trong ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sau hàng chục năm tăng trưởng với tốc độ chưa từng thấy trên nhiều mặt trận, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại. Những nỗ lực nhằm giải quyết khối nợ tăng vọt trên cả nước đã dẫn tới sự sụt giảm về chi tiêu đầu tư và cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP vẫn chậm chạp.

Ngay cả những tuyên bố chính thức thường mang màu sắc tươi sáng của đảng Cộng sản Trung Quốc cũng bắt đầu xuất hiện những câu chữ không mấy khả quan.

Báo cáo sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương cấp cao của Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái đã đề cập tới “những thay đổi sâu sắc trong môi trường bên ngoài”, đồng thời nói rằng đảng Cộng sản Trung Quốc đã “nỗ lực để đương đầu với những khó khăn”. Hiểu theo cách nói của Trung Quốc, đây chính là một hồi chuông cảnh báo.

“Rất khó khăn để đạt được các thành tựu”, báo cáo nhấn mạnh. Nhiệm vụ đặt ra cho ông Tập Cận Bình là chèo lái con thuyền Trung Quốc quay trở lại vị trí lãnh đạo trong các vấn đề kinh tế.

Quan hệ căng thẳng với Mỹ


Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)

Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)

Trong năm 2019, mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt với nhiều vấn đề cũng như thách thức nội bộ, song gánh nặng lớn nhất đặt lên vai nhà lãnh đạo Trung Quốc có lẽ là các yếu tố từ bên ngoài. Bắc Kinh đang phải đương đầu với thách thức ngày càng tăng từ Mỹ trên mọi mặt tận, từ kinh tế cho tới chính trị và quân sự.

Trong suốt năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã từng bước áp thuế với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong khi yêu cầu Bắc Kinh phải dừng việc trợ cấp tài chính cho các chương trình phát triển và nghiên cứu công nghiệp.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tạm hoãn cho tới ngày 1/3, tuy nhiên điều này cũng đặt ra cho Chủ tịch Tập Cận Bình một khởi đầu khó khăn trong năm nay, đó là vừa phải xoa dịu song cũng không được nhượng bộ Washington quá nhiều.

Thậm chí ngay cả khi ông Tập Cận Bình kết thúc cuộc khủng hoảng thương mại với Mỹ, chính quyền Trump vẫn mở thêm các mặt trận cạnh tranh mới với Bắc Kinh, bao gồm việc tăng cường hiện diện trên Biển Đông và xử lý gián điệp kinh tế Trung Quốc.

Có những dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình không hy vọng có thể tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng trong cuộc chiến thương mại với ông Trump. Trong bài phát biểu quan trọng tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc hôm 18/12, ông Tập dường như chuẩn bị sẵn tâm lý cho người dân trong nước về viễn cảnh tranh chấp kéo dài hơn với Mỹ.

Một số nguồn tin đã hé lộ thông tin chi tiết về cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU), trong đó Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng: “Trung Quốc từng trải qua nghèo đói và gian khổ khi bị cấm vận. Người Trung Quốc sẽ lại đương đầu với khó khăn”.

Với việc ông Tập Cận Bình đứng trên đỉnh cao của kim tự tháp quyền lực sau khi Trung Quốc bãi bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ, bản thân ông Tập càng dễ trở thành tâm điểm của những lời chỉ trích khi mọi chuyện diễn biến theo chiều hướng xấu.

“Tổng bí thư đảng là người chịu trách nhiệm về mối quan hệ với Mỹ và việc mối quan hệ này đi chệch khỏi đường ray khiến ông Tập vấp phải nhiều chỉ trích”, McGregor, chuyên gia người Australia về Trung Quốc, nhận định.

Ngày càng nhiều người ở Trung Quốc, trong đó có các chuyên gia, cho rằng chính quyền Trung Quốc đã đánh giá thấp Tổng thống Trump khi tin rằng họ có thể đặt nhà lãnh đạo Mỹ dưới tầm kiểm soát sau chiến dịch lôi kéo hồi năm 2017.

Phản ứng nhanh nhạy của ông Trump với Trung Quốc khiến chính quyền Bắc Kinh phải xem xét lại cách tiếp cận của mình với ngoại giao quốc tế. Một số ý kiến bắt đầu tỏ ra hoài nghi về lập trường và giọng điệu cứng rắn của ông Tập trong những năm gần đây.

Bước sang năm mới, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải duy trì sự cân bằng khó khăn giữa việc hòa giải với Mỹ, tinh thần yêu nước, cải cách thị trường và sự kiểm soát của chính phủ trong bối cảnh vẫn phải đương đầu với nhiều sức ép.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm