1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính quyền và quốc hội Mỹ “đồng tâm hiệp lực” gây sức ép với Trung Quốc

(Dân trí) - Với mục tiêu đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, đạo luật an ninh châu Á mới của Mỹ ra đời nhằm duy trì sự thống nhất giữa Quốc hội với chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc gây sức ép với Bắc Kinh.


Tổng thống Trump phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 2/2017 sau khi ông nhậm chức một tháng. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Trump phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 2/2017 sau khi ông nhậm chức một tháng. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Donald Trump ngày 31/12 đã ký phê chuẩn Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á nhằm tăng cường sự hợp tác toàn diện của Mỹ với các nước châu Á, bao gồm các biện pháp được cho là nhắm mục tiêu trực diện tới Trung Quốc.

Vị thế ngày càng mạnh của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã làm dấy lên nhiều quan ngại về an ninh quốc gia cũng như vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ. Nỗ lo này không chỉ dừng lại ở những quan chức “diều hâu” chống Trung Quốc tại Nhà Trắng, mà lan sang cả các thành viên trong Quốc hội Mỹ.

Theo trang tin Nikkei, Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á dường như nhắm mục tiêu tới việc giữ cho Quốc hội Mỹ và chính quyền Trump luôn đồng nhất với nhau trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trước khi tới hạn chót vào ngày 1/3.

Đạo luật đã chỉ ra sự tiến triển của chiến lược ngoại giao Ấn Độ - Thái Bình Dương trong việc duy trì trật tự kinh tế dựa trên luật lệ cũng như các tiêu chuẩn nhân quyền và pháp lý quốc tế.

Các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ tiến hành các chiến dịch tuần tra thường kỳ nhằm đảm bảo tự do đi lại ở những khu vực như Biển Đông, nơi Bắc Kinh ngày càng mở rộng hiện diện quân sự. Đạo luật cũng bao gồm điều khoản cho phép Mỹ hỗ trợ 1,5 tỷ USD về quân sự và kinh tế cho khu vực châu Á trong vòng 5 năm, đặc biệt trong việc nâng cao an ninh hàng hải và huấn luyện quân sự của các nước Đông Nam Á.

Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á cũng thể hiện sự ủng hộ với các nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc nhằm tránh xảy ra xung đột trên Biển Đông, đồng thời bảo đảm các lợi ích hàng hải của ASEAN. Thông qua đạo luật, Quốc hội Mỹ dường như muốn cẩn trọng hơn, tránh để Trung Quốc “lái” bộ quy tắc ứng xử này theo ý mình.

Đạo luật mới cũng góp phần giải quyết cáo buộc gián điệp công nghiệp và tấn công mạng được cho là do Trung Quốc thực hiện nhằm vào Mỹ. Đạo luật cho rằng tổng thống nên “tăng cường thực thi luật sở hữu trí tuệ của Mỹ và coi đây là ưu tiên hàng đầu, đồng thời có các biện pháp phù hợp để ngăn chặn và trừng phạt” những hành vi vi phạm.

Đạo luật mới đề xuất nâng cao “hợp tác công nghệ và thương mại quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ lên cấp độ tương xứng với các đồng minh và đối tác thân cận nhất” của Washington. Ngoài ra, đạo luật cũng cho rằng tổng thống nên tiến hành “chuyển giao thường xuyên các thông tin quốc phòng cho Đài Loan để ứng phó với các mối đe dọa hiện hữu và có thể xảy ra trong tương lai từ Trung Quốc”. Đạo luật còn hướng tới việc tăng cường các chuyến thăm của các quan chức Mỹ cấp cao tới Đài Loan, phù hợp với Đạo luật Đi lại Đài Loan được Mỹ thông qua hồi tháng 3 năm ngoái.

Lập trường của Mỹ trong vấn đề Đài Loan đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ chính quyền Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 2/1 thông báo Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối chính thức tới Washington liên quan tới Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á.

“Đạo luật đã can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng quy tắc “Một Trung Quốc””, ông Lục nói.


Các tàu của Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại vùng biển ở châu Á. (Ảnh: Reuters)

Các tàu của Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại vùng biển ở châu Á. (Ảnh: Reuters)

Xét trong nội bộ nước Mỹ, Quốc hội dường như cũng muốn sử dụng Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á để phần nào gửi cảnh báo tới Tổng thống Trump trong bối cảnh xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại rằng ông chủ Nhà Trắng có thể tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc. Tổng thống Trump có xu hướng đưa ra những quyết định đơn phương đi ngược lại với những nỗ lực của chính quyền Mỹ và tuyên bố rút lực lượng quân sự Mỹ khỏi Syria gần đây là bằng chứng cho điều này.

Lo lắng của Quốc hội Mỹ đều có cơ sở nhất định. Cuối tháng trước, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng ông đã trao đổi qua điện thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đạt được bước tiến lớn trong các cuộc đàm phán thương mại. Tuy nhiên, nhiều nguồn thạo tin nói rằng Tổng thống Trump thực sự đã phóng đại. Một số dự đoán rằng ông Trump đã dịu giọng với Trung Quốc vì lo ngại giá cổ phiếu sẽ sụt giảm.

Trước đây, Quốc hội Mỹ từng thông qua đạo luật nhằm kiềm chế các hành động ngoại giao của Tổng thống Trump. Vào mùa hè năm 2017, các nghị sĩ Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Nga liên quan tới cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu chính quyền Trump phải có sự đồng ý của cơ quan này mới được phép giảm nhẹ hoặc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Nga. Các biện pháp tương tự có thể được áp dụng để chấm dứt hỗ trợ quân sự của Mỹ với Ả rập Xê út liên quan tới vụ sát hại nhà báo bất đồng chính kiến hồi tháng 10/2018.

Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á được giới thiệu vào tháng 4/2018 dưới sự bảo trợ của một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa - một nhân vật luôn cảnh giác Trung Quốc. Tháng trước, đạo luật này được Thượng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ ủng hộ tuyệt đối trước khi nhận được sự phê chuẩn tại Hạ viện với đa số phiếu ủng hộ.

Trong báo cáo thường niên công bố hồi tháng 11, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung thuộc Quốc hội Mỹ nhận định “nhiều khía cạnh trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được vị thế lãnh đạo đã đặt ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của Mỹ”. Cơ quan này cũng cảnh báo quân đội Trung Quốc “có thể sẽ thách thức các chiến dịch của Mỹ trên toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương” trước năm 2035 hoặc sớm hơn, thậm chí Trung Quốc có thể tiếp cận với các dữ liệu cá nhân và tổ chức của Mỹ nếu Bắc Kinh giành phần thắng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho công nghệ viễn thông thế hệ mới.

Thành Đạt

Theo Nikkei