1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thả dù hàng viện trợ rất tốn kém và ít hiệu quả, vì sao Mỹ vẫn làm ở Gaza?

Thanh Thành

(Dân trí) - Thả hàng viện trợ từ máy bay là một cách rất tốn kém, ít hiệu quả trong khi các chuyến bay hiện cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của hơn 2 triệu người bị mắc kẹt ở Gaza.

Thả dù hàng viện trợ rất tốn kém và ít hiệu quả, vì sao Mỹ vẫn làm ở Gaza? - 1

Mỹ thả hàng viện trợ xuống Gaza hôm 2/3 (Ảnh: Reuters).

Ngày 2/3, theo giờ địa phương, các máy bay của quân đội Mỹ tiến hành thả lô hàng viện trợ đầu tiên xuống Dải Gaza, mở đầu cho đợt viện trợ nhân đạo khẩn cấp theo chỉ thị của Tổng thống Joe Biden.

Với đợt viện trợ này, Mỹ trở thành ít nhất là quốc gia thứ 5 thả hàng viện trợ cho Gaza kể từ khi chiến sự ở đây bùng nổ vào tháng 10/2023.

Theo đó, từ 15h đến 17h, giờ địa phương, 3 máy bay C-130 của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) đã thả 66 kiện hàng gồm khoảng 38.000 suất ăn xuống bãi biển phía tây nam Gaza. Các container, được trang bị dù, đã được thả xuống bờ biển Địa Trung Hải của khu vực này để cho phép "dân sự tiếp cận hàng viện trợ quan trọng", CENTCOM cho biết.

Hoạt động này được thực hiện theo cơ chế phối hợp với Lực lượng Không quân Hoàng gia Jordan. Các quốc gia khác như Ai Cập và Pháp cũng đang tiến hành thả hàng viện trợ vào Gaza. Mỹ và một số quốc gia khác cũng đang xem xét khả năng thiết lập một hành lang trên biển để chuyển hàng viện trợ nhân đạo quốc tế cho người dân đang chịu ảnh hưởng của xung đột.

Theo Liên hợp quốc, tổng khối lượng hàng viện trợ vào Gaza trong tháng 2 đã giảm 50% so với tháng 1. Ít nhất 576.000 người ở Dải Gaza - tương đương 25% dân số, đang ở bên bờ vực của nạn đói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thả hàng viện trợ từ máy bay là một cách cung cấp viện trợ tốn kém và không hiệu quả. Các chuyến bay hiện tại cũng đang không đủ để đáp ứng nhu cầu của hơn 2 triệu người bị mắc kẹt bên trong Gaza.

Nhưng vì sao Mỹ và nhiều quốc gia khác vẫn làm như vậy?

Điều kiện ở Gaza tồi tệ đến mức nào?

Trong tuần qua, khi người dân trong khu vực nhìn thấy những chiếc dù đung đưa trên bầu trời, họ đã chạy đến đón. Kể từ hôm 25/2, các quốc gia như Jordan, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UEA) và Pháp đã cung cấp hàng tấn bữa ăn đã chuẩn bị sẵn, tã lót và các vật dụng thiết yếu khác bằng cách thả từ máy bay xuống cho người dân ở Gaza.

Sau gần 5 tháng chiến tranh, người dân Gaza phải ăn ngũ cốc thường được sử dụng để nuôi gia súc mà họ nhặt được. Các quan chức Liên hợp quốc cảnh báo nạn đói là "gần như không thể tránh khỏi".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 27/2 cho biết, 24 trong số 36 bệnh viện của khu vực này đã bị phá hủy do các cuộc ném bom của Israel, trong khi số còn lại chỉ hoạt động một phần. Bộ Y tế ở đó cho biết chiến dịch quân sự của Israel chống lại Hamas đã giết chết hơn 30.000 người ở Gaza.

Các quan chức Israel cho biết, chính việc Hamas mở cuộc tấn công phối hợp vào sáng sớm ngày 7/10, vốn đã giết chết khoảng 1.200 người ở Israel và bắt thêm 253 người khác làm con tin, gây ra cuộc xung đột hiện nay. Nhưng thực tế vùng lãnh thổ nghèo khó, đông dân cư này từ lâu nay đã phải sống dựa vào viện trợ. Gaza đã bị Israel và Ai Cập phong tỏa nghiêm ngặt kể từ khi Hamas nắm quyền vào năm 2007.

Sau cuộc tấn công của Hamas, Israel thắt chặt phong tỏa. Cuối cùng, viện trợ chỉ đến nhỏ giọt, nhưng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ so với số lượng xe tải đến đây trước khi chiến sự bùng nổ.

Jordan là quốc gia đầu tiên thả hàng viện trợ từ máy bay vào ngày 6/11/2023. Theo đó, Jordan đã chuyển vật tư y tế và các hàng viện trợ khẩn cấp đến một bệnh viện dã chiến của Jordan ở Gaza.

Tuần qua, nước này đã cùng với Ai Cập, UAE và Pháp tham gia vào nỗ lực mới nhằm cung cấp viện trợ trực tiếp cho dân thường. Trong dấu hiệu gần đây nhất cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của chính quyền Tổng thống Biden với Israel khi số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng, Nhà Trắng hôm 1/3 đã thông báo cho phép quân đội Mỹ thả hàng viện trợ ở Gaza.

Thả dù hàng viện trợ rất tốn kém và ít hiệu quả, vì sao Mỹ vẫn làm ở Gaza? - 2

Hàng viện trợ do Mỹ thả xuống có hàng nghìn suất ăn nấu sẵn (Ảnh: Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ).

Thả hàng viện trợ như thế nào?

Quân đội Jordan hôm 29/2 chất các thùng được bọc kín chứa thức ăn đã chuẩn bị sẵn, thuốc men, tã lót và các sản phẩm vệ sinh phụ nữ lên máy bay vận tải C-130 Hercules tại Căn cứ Không quân King Abdullah II bên ngoài Amman.

Máy bay đã cất cánh bay về phía tây qua Tel Aviv đến Biển Địa Trung Hải và quay về hướng nam tới Gaza. Jordan điều phối các đợt thả hàng trên không như vậy với Israel. Tel Aviv tạo cơ hội cho Jordan thực hiện các sứ mệnh an toàn và kiểm tra những người đi trên máy bay, bao gồm cả du khách, trước khi cấp phép.

Việc vận chuyển hàng đến các bệnh viện được phối hợp với những người liên hệ trên mặt đất. Trong nhiệm vụ của Jordan tuần này, hàng hóa được thả dù từ độ cao khoảng hơn 3.000m với tốc độ 30-60 giây một chiếc, rơi dọc theo bờ biển, nơi tầm nhìn không bị cản trở, nghĩa là dân thường có nhiều khả năng phát hiện ra chúng hơn.

Khi hàng viện trợ rớt xuống biển, người dân Gaza đã lên thuyền nhỏ ra đó để vớt hàng viện trợ.

Nhiều khó khăn

Việc không vận thả hàng viện trợ như thế này là rất đắt đỏ.

Quân đội Jordan từ chối cung cấp thông tin chi tiết về chi phí, nhưng Philippe Lazzarini, người đứng đầu UNRWA, cơ quan chính của Liên hợp quốc về các vấn đề của người Palestine, mô tả chúng là "phương sách cuối cùng, cách cung cấp hỗ trợ cực kỳ tốn kém".

Không vận thả hàng viện trợ có thể có ý nghĩa về mặt hậu cần trong một số trường hợp - chẳng hạn như để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của bệnh viện - nhưng các chuyên gia viện trợ cho rằng chúng không nên là con đường chính để nuôi sống hơn 2 triệu người ở Gaza.

"Tôi không nghĩ rằng việc thả thực phẩm xuống Dải Gaza sẽ là câu trả lời cho thực tế hiện nay. Mà câu trả lời thực sự là: mở các cửa khẩu và đưa các đoàn xe cùng hỗ trợ y tế vào Dải Gaza", ông Lazzarini nói.

Bà Janti Soeripto, người đứng đầu tổ chức "Save the Children", gọi các đợt thả dù ở Gaza là "sân khấu" và cảnh báo rằng chúng sẽ gây ra sự hỗn loạn trên mặt đất.

"Các bạn thực sự không thể đảm bảo ai nhận được nó và ai không, không thể đảm bảo nó sẽ được thả xuống ở đâu. Bạn có thể khiến mọi người gặp nguy hiểm", bà nói và mô tả những đứa trẻ lội xuống biển để cố lấy những kiện hàng nặng là quá nguy hiểm.

Rất khó để theo dõi nơi hàng viện trợ rơi xuống. Bà Soeripto cho biết một số thuốc morphine dành cho bệnh viện đã được tìm thấy ở nơi khác. "Câu trả lời tốt nhất là mở thêm nhiều lối ra vào ở cửa khẩu, cho phép xe tải vào, thực hiện một cách có trật tự, để Liên hợp quốc và các cơ quan khác phân phối", bà nói và khẳng định, đó là cách an toàn và hiệu quả nhất.

Tại sao Mỹ lại tham gia nỗ lực này?

Nhu cầu cung cấp thêm viện trợ một cách an toàn đã được thể hiện rõ ràng vào hôm 29/2, khi Gaza phải hứng chịu một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất của cuộc chiến: một vụ nổ súng khiến ít nhất 100 người Palestine thiệt mạng trong lúc xếp hàng chờ nhận viện trợ ở khu vực phía Bắc Gaza.

Vụ tấn công này làm bùng nổ làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, bao gồm cả từ các đồng minh của Israel. Anh, Pháp, Italy và Đức kêu gọi điều tra dù Tổng thống Biden cho biết điều đó sẽ cản trở các cuộc đàm phán đang diễn ra về việc tạm dừng giao tranh.

Bản thân Tổng thống Biden cũng đã cho phép quân đội Mỹ thả dù xuống Gaza ngay vào ngày hôm sau. Ông nói, Washington cũng "sẽ thúc đẩy Israel tạo điều kiện mở nhiều tuyến đường để cho xe tải chở hàng ra vào". 

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, các đợt thả dù nhằm mục đích "bổ sung cho việc vận chuyển trên mặt đất" chứ không phải thay thế nó.

Theo Washington Post