1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hơn 30.000 người thiệt mạng ở Gaza từ khi chiến sự Israel-Hamas bùng nổ

Thanh Thành

(Dân trí) - Hơn 30.000 người đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi cuộc chiến giữa Israel với Hamas bùng nổ vào tháng 10/2023, đánh dấu cột mốc ảm đạm trong bối cảnh chiến sự chưa hề có dấu hiệu lắng dịu.

Hơn 30.000 người thiệt mạng ở Gaza từ khi chiến sự Israel-Hamas bùng nổ - 1

Chiến sự ở Gaza đã cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường vô tội (Ảnh: Getty).

Theo Bộ Y tế ở Gaza, số người thiệt mạng cao chót vót này nhấn mạnh thử thách khủng khiếp kéo dài nhiều tháng của người dân Palestine ở dải đất này, trong đó các chiến dịch ném bom trên không và tấn công trên bộ của Israel đã khiến đại đa số cư dân phải di dời và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc.

Trong thông tin mới nhất đưa ra ngày 29/2, Bộ y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết, ít nhất 70 người đã thiệt mạng khi Israel tấn công vào đám đông người Palestine đang chờ viện trợ nhân đạo ở thành phố Gaza. Người phát ngôn Bộ Y tế Ashraf al-Qidra cho biết, 280 người khác bị thương trong cuộc tấn công vào sáng sớm ngày 29/2 này.

Tuy nhiên, theo Reuters, một phát ngôn viên của quân đội Israel cho biết không có thông tin gì về bất kỳ cuộc pháo kích nào của Tel Aviv ở đó khi được hỏi về thương vong của người Palestine gần thành phố Gaza.

Hiện cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng áp lực đối với Israel để ngừng giao tranh vì mối lo ngại sẽ xảy ra những cuộc tấn công khốc liệt khác ở khu vực thành phố Rafah miền Nam.

Nhưng chiến dịch của họ ở Gaza vẫn nhận được sự hỗ trợ của Mỹ, đồng minh chủ chốt và là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất của Tel Aviv.

Mỹ đã đề xuất một "lệnh ngừng bắn tạm thời" tại Liên hợp quốc hồi đầu tháng này, nhưng đã phủ quyết lời kêu gọi ngay lập tức chấm dứt xung đột.

Con số này cho thấy rõ nỗi lo ngại cho Rafah, nơi có hơn 1 triệu người đang chen chúc và là nơi Israel dự kiến sẽ phát động một cuộc tấn công mới.

Trong những cập nhật gần đây, Bộ y tế Gaza cho biết khoảng 70% số thương vong là phụ nữ và trẻ em.

Israel ước tính khoảng 10.000 thành viên của lực lượng Hamas đã thiệt mạng kể từ ngày 7/10, khi Tel Aviv tuyên chiến với nhóm này. Hơn 1.200 người ở Israel đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Hamas vào ngày hôm đó và hơn 250 người bị bắt cóc và bắt làm con tin ở Gaza.

Hiện không thể xác minh độc lập số thương vong ở Gaza hoặc ước tính của Israel về việc các thành viên Hamas thiệt mạng.

Gần 5 tháng trôi qua, Israel cho biết hơn 100 con tin vẫn bị giam giữ. Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của nước này đã cam kết thúc đẩy các mục tiêu thả tự do cho những con tin đó và "tiêu diệt hoàn toàn" Hamas, bất chấp áp lực quốc tế nhằm giảm cường độ chiến dịch của họ.

Bộ trưởng Nội các chiến tranh Israel Benny Gantz mới đây đã cảnh báo lực lượng Israel sẽ mở rộng hoạt động quân sự ở Rafah nếu các con tin không được trao trả trong tháng Ramadan, dự kiến bắt đầu vào ngày 10 hoặc 11/3.

"Thế giới phải biết và các nhà lãnh đạo Hamas phải biết - nếu đến tháng Ramadan mà các con tin của chúng tôi không được trở về nhà - cuộc giao tranh sẽ tiếp tục diễn ra ở khu vực Rafah", Bộ trưởng Gantz nói tại cuộc gặp của Hội nghị Chủ tịch các Tổ chức Do Thái lớn của Mỹ ở Jerusalem.

Các đồng minh phương Tây của Israel ngày càng lo ngại về bản chất của các chiến dịch ném bom và trên bộ ở Gaza, ngay cả đối tác quan trọng nhất của Tel Aviv là Washington cũng ngày càng thường xuyên nêu ra hoàn cảnh của hàng triệu người Palestine bị mắc kẹt do các vụ tấn công của Israel.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tháng này đã nói rằng hành vi của Lực lượng Phòng vệ Israel là "quá mức", lời khiển trách trực tiếp nhất của nhà lãnh đạo này cho đến nay.

Sau đó, Tổng thống Biden đã nói với Thủ tướng Netanyahu rằng hành động quân sự ở Rafah "không nên tiến hành nếu không có một kế hoạch đáng tin cậy và khả thi nhằm đảm bảo sự an toàn và hỗ trợ cho dân thường", theo nội dung cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo.

Và Mỹ sau đó đã đề xuất một nghị quyết của Liên hợp quốc về "lệnh ngừng bắn tạm thời", mặc dù không ủng hộ lời kêu gọi của các nước khác về việc thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức.

Ngoài việc khiến phần lớn 2,2 triệu người dân ở Gaza phải di dời, chiến sự Gaza còn làm giảm đáng kể nguồn cung cấp nước, điện và thực phẩm, đồng thời cắt đứt khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe quan trọng. Các bệnh viện trong khu vực đã trở thành chiến trường, với hàng chục cơ sở không còn hoạt động.

"Chỉ còn một bước nữa là đến nạn đói"

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCH) hôm 29/2 cho biết, ít nhất 576.000 người trên khắp Gaza đang "đối mặt với mức độ thiếu thốn và đói khát thảm khốc" và "chỉ còn một bước nữa là đến nạn đói".

Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP), gần như toàn bộ dân số 2,2 triệu người cần viện trợ lương thực, trong đó 1/6 trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng trầm trọng.

"Gaza đang chứng kiến mức độ suy dinh dưỡng trẻ em tồi tệ nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới", Carl Skau, Phó Giám đốc điều hành WFP phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 27/2.

Trong những tuần gần đây, hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn lấy con tin đã liên tục tăng lên rồi lại giảm xuống, khi các nỗ lực ngoại giao mang tính quyết định nhằm đảm bảo ngừng chiến vẫn tiếp tục.

Tổng thống Biden nói rằng ông hy vọng sẽ có lệnh ngừng bắn trước "thứ Hai tới", đồng thời nói rằng một thỏa thuận đã đến gần nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Theo Yahoo News